Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Thời khắc hạnh phúc của người trí thức

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Thời khắc hạnh phúc của người trí thức

Hoài Nam

(TBKTSG) – Viết tiểu thuyết lịch sử Hội thề (*), nhà văn Nguyễn Quang Thân không có tham vọng dựng lên một bức tranh toàn cảnh về cuộc khởi nghĩa Lam Sơn. Ông chỉ chọn một thời điểm, thời điểm kề cận chiến thắng cuối cùng: đó là lúc đại quân của Lê Lợi kéo về trại Bồ Đề, và bên kia sông, đoàn quân viễn chinh của Tổng binh Vương Thông đang thoi thóp trong thành Đông Quan.

Tràn vào thành, tắm máu quân xâm lược, hay là một chiến thắng nhẹ nhàng bằng cách cho chúng cơ hội cởi giáp quy hàng? Sự giằng co giữa hai khả năng lựa chọn này của nghĩa quân Lam Sơn chính là cái lõi để cốt truyện Hội thề được bung ra, và từ đó, một trong những chủ đề cơ bản của tác phẩm sẽ được đào sâu thêm: thân phận của người trí thức trong mối quan hệ với thế lực cầm quyền.

Nhân vật đại diện cho người trí thức trong Hội thề là Nguyễn Trãi, người kiên quyết với chủ trương giành chiến thắng mà không gây đổ máu, giữ “sĩ diện” cho quân thiên triều để tránh những hậu quả về sau

Đối lập với Nguyễn Trãi là các tướng lĩnh Lam Sơn, những người đã sát cánh với Lê Lợi ngay từ buổi đầu tụ nghĩa, và sẽ là những cột trụ của tân triều sau này. Họ là những kẻ võ biền, ít học, ứng xử rất cảm tính, bản năng. Lấy cái quá khứ chia sẻ đủ mùi tân khổ với chủ tướng Lê Lợi làm lá chắn, họ tự cho mình quyền hành xử mọi việc, với mọi người, một cách tùy thích. Đứng trước một chiến thắng trong tầm tay, họ khao khát cảnh chém tướng đoạt thành, và sau đó là cảnh được tha hồ chiếm đoạt đàn bà và vơ vét của cải.

Lẽ dĩ nhiên, họ không ưa gì Nguyễn Trãi. Vì ông ngăn cản bản năng hiếu sát và thói tham lam của họ được tháo cũi sổ lồng. Và, sâu xa hơn, vì ông là kẻ “có chữ”, là người quan niệm về các giá trị theo một hệ tiêu chí rất khác với họ. Câu Lê Sát nói với Phạm Vấn về nhóm Thăng Long, mà Nguyễn Trãi là linh hồn: “Ta nhường họ phần thanh cao, chỉ xin phần thô tục, phải không ông?” phản ánh khá rõ tâm lý của các võ tướng. Mặc cảm tự ti đã đảo ngược thành mặc cảm tự tôn. Sự thô tục đã lên tiếng như một phẩm chất đáng tự hào, đẩy sự thanh cao mà người trí thức Nho giáo hằng tu dưỡng xuống “chiếu dưới”.

Nguyễn Trãi vô cùng cô độc khi phải sống giữa những con người ấy. Ông tự biết: “Ông luôn là khách giữa đám quần thần tướng lĩnh của một triều đại đang bắt đầu sửa soạn ngôi thứ. Họ là người nhà, còn ông là khách, mãi mãi là khách”. Không hề là “nhỡ tay” khi tác giả Hội thề lại để người duy nhất mà Nguyễn Trãi có thể phanh mở cật ruột là Thái Phúc, một hàng tướng người Trung Quốc.

Với các tướng lĩnh Lam Sơn, ông không cách nào chia sẻ được cùng họ tầm nhìn xa của một trí thức, tầm nhìn hướng tới những vấn đề hậu chiến thắng, những vấn đề của một quốc gia phương Nam nhỏ bé luôn phải duy trì sự tồn tại độc lập của mình bên cạnh kẻ láng giềng phương Bắc – một đế chế đất rộng người đông và chưa bao giờ nguôi tham vọng bá quyền. Nhưng không còn con đường lựa chọn nào khác, dù bị chế giễu, bị chèn ép, bị lăng nhục, ông vẫn phải sát cánh chiến đấu cùng họ, vẫn phải dùng đến sức mạnh vũ dũng của họ để thực hiện yêu cầu cấp thiết của lịch sử: đánh đuổi giặc ngoại xâm, giành lại độc lập dân tộc. Dẹp bỏ những vướng mắc cá nhân, đặt quyền lợi của quốc gia dân tộc lên hàng đầu, phải chăng đó là trách nhiệm của người trí thức chân chính ở mọi thời đại?

Tuy vậy, xét đến cùng, ở thời điểm đêm trước của sự thiết lập một triều đại mới, Nguyễn Trãi vẫn là người hạnh phúc. Quan điểm giành chiến thắng mà không gây đổ máu của ông được Lê Lợi, thủ lĩnh tối cao của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, ủng hộ và thực thi. Cần phải ghi nhận rằng tác giả Hội thề đã dành khá nhiều tâm sức xây dựng nhân vật này. Nguyễn Quang Thân không tước bỏ ở ông vua khai mở triều Hậu Lê nét thô lậu của một thổ hào người Mường miền núi Thanh Hóa, nhưng bên cạnh đó ông vẫn nhấn mạnh những phẩm chất đế vương của Lê Lợi. Đó là khả năng biết chấp nhận và biết dung tha (đến mức có thể) cho sự càn rỡ của đám tướng lĩnh tâm phúc: “Ông biết không có họ thì Lam Sơn không có nghiệp lớn. Ông cũng biết cách thả cương cho cái tham của họ đúng lúc, đúng chỗ để củng cố lòng trung, kích thích tài năng và lòng dũng cảm nơi chiến địa”.

Đó là sự sắt đá máu lạnh tới đỗi sẵn sàng hy sinh người thân yêu nhất để củng cố quyền lực. Đó là tinh thần hòa hợp (tạm thời) với cái dị kỷ nếu nó có lợi: ông không ưa nhóm trí thức Thăng Long, nhất là Nguyễn Trãi, và luôn dè chừng họ, nhưng ông biết rằng ông cần họ để đạt được mục đích của mình. Khi không cần nữa, ông sẽ xuống tay với họ không chút nể nang. Có thể nói, qua nhân vật Lê Lợi, tác giả đã phác họa sắc nét chân dung của một chính trị gia lão thực, một nhà cai trị điêu luyện trong việc dùng người, một nhà cầm quyền biết rất rõ cái giá của được và mất.

Hạnh phúc của Nguyễn Trãi trong Hội thề là hạnh phúc của người trí thức khi sự sáng suốt của anh ta được nhà cầm quyền lắng nghe và thực hiện. Hay nói cách khác, khi người trí thức và nhà cầm quyền gặp nhau ở quan điểm về lợi ích tối cao của cả dân tộc. Hội thề giữa Lê Lợi và Vương Thông rốt cuộc cũng thành, tàn quân xâm lược kéo về nước trong yên ổn, một thời kỳ độc lập, một nền hòa bình lâu dài bắt đầu mở ra trong lịch sử Đại Việt.

Nhưng đó cũng là lúc bắt đầu bi kịch thực sự của Nguyễn Trãi: người trí thức chân chính phải sống trong một môi trường mà quyền lực của hoàng đế chuyên chế là không bờ bến, nó trùm lên tất thảy, và quyền lực ấy đã đánh mất định hướng vì dân tộc như lúc đầu. “Họa phúc hữu môi phi nhất nhật” (cái họa cái phúc có mầm không phải trong một ngày), câu thơ mà Nguyễn Trãi viết về Hồ Quý Ly dường như cũng chính là cách ông tự cắt nghĩa cho số phận thảm khốc của ông sau này vậy.

______________________________________________________________________________

(*) Tác phẩm vừa giành giải A cuộc thi tiểu thuyết lần 3 (2006-2010) của Hội Nhà văn Việt Nam.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới