(KTSG Online) – Tốc độ tăng trưởng lợi nhuận của các tập đoàn đa ngành ở Đông Nam Á giảm mạnh xuống mức thấp kỷ lục, đánh dấu sự kết thúc thời kỳ hoàng kim của họ, vốn là một trong những động lực lớn nhất của nền kinh tế trị giá 3,6 nghìn tỉ đô la của khu vực.
- Các tập đoàn công nghệ Đông Nam Á giảm tham vọng ‘siêu ứng dụng’
- Làn sóng sa thải trong ngành công nghệ ở Đông Nam Á
Theo nghiên cứu của hãng tư vấn quản lý toàn cầu Bain & Company, sau nhiều thập niên chứng kiến tốc độ tăng trưởng lợi nhuận vượt trội so với các tập đoàn toàn cầu, nhóm tập đoàn đa ngành ở các nước ASEAN như Indonesia, Thái Lan, Malaysia và Philippines đã “đánh mất lợi thế”.
Bain cho biết, tổng lợi nhuận trung bình hàng năm của cổ đông ở khoảng 100 tập đoàn đa ngành trong khu vực có công ty mẹ niêm yết hoặc ít nhất một công ty con niêm yết ghi nhận mức tăng trưởng 4% trong giai đoạn 2013-2022, giảm 24 điểm phần trăm so với thập niên trước.
Các tập đoàn này là các công ty đa ngành, hoạt động trong lĩnh vực khai thác mỏ, bất động sản, viễn thông, ngân hàng và các lĩnh vực kinh doanh khác. Họ chiếm 30% chi tiêu đầu tư ở Đông Nam Á.
Bain cho biết, những lợi thế của các tập đoàn này như quy mô lớn, sự đa dạng hóa và mối quan hệ chặt chẽ với chính phủ đã suy giảm nền kinh tế khu vực trưởng thành. Nhiều tập đoàn đang vật lộn với tình trạng tăng trưởng giảm tốc của nền kinh tế toàn cầu và quá trình chuyển đổi số hóa. Họ thậm chí thiếu sự linh hoạt để vượt qua đại dịch Covid-19.
Jean-Pierre Felenbok, Chủ tịch phụ trách khu vực Đông Nam Á của Bain, nhận định đây là sự kết thúc của thời kỳ hoàng kim đối với các tập đoàn truyền thống, vốn chiếm 17% vốn hóa thị trường của các công ty niêm yết trong khu vực.
“Thời kỳ đó đã qua và tôi không nghĩ sẽ quay trở lại. Họ bị bất ngờ vì tốc độ tăng trưởng chậm lại và gặp khó khăn khi tìm cách thích nghi với môi trường kinh doanh kém thuận lợi hơn”, Felenbok bình luận.
Theo Felenbok, vào giai đoạn khi ASEAN còn kém phát triển, các tập đoàn này dễ dàng phát triển hơn nhờ quy mô và đặc quyền tiếp cận các cơ hội, vốn và tài năng. “Tuy nhiên, chúng tôi nhận thấy rằng đặc quyền này bắt đầu giảm dần vào giữa thập niên trước”, Felenbok cho hay.
Nghiên cứu của Bain, được công bố ba năm một lần, cho thấy tổng lợi nhuận cổ đông hàng năm của các tập đoàn ở ASEAN trong thập niên đến năm 2022 giảm 63% so với thập niên đến năm 2020. Nghiên cứu này là một cuộc kiểm tra thực tế đối với các tập đoàn trong khu vực và các gia tộc giàu có sở hữu chúng.
Các tập đoàn Đông Nam Á tăng trưởng vượt trội so với các đối thủ trên toàn cầu trong thập niên 2000. Theo hãng tư vấn và kiểm toán EY, tăng trưởng tổng lợi nhuận trung bình hàng năm của cổ đông trong 10 năm từ 2002-2011 ở các tập đoàn Đông Nam Á là 34%, so với 14% của các tập đoàn ở phần còn lại của thế giới.
Felenbok cảnh báo, tăng trưởng lợi nhuận suy giảm của các tập đoàn này sẽ tác động tới tăng trưởng của các nền kinh tế trong khu vực.
Trong số những tập đoàn có hoạt động kém nhất trong giai đoạn vừa qua có Boustead, một trong những tập đoàn đa ngành lâu đời nhất của Malaysia, Lopez Holdings, tập đoàn ngân hàng Philippines; và Lippo Group, một trong những tập đoàn lớn nhất và đa dạng nhất khu vực đến từ Indonesia.
Nhóm tập đoàn thuần túy, những doanh nghiệp có 80% hoạt động tập trung vào một ngành, có tổng lợi nhuận cổ đông trung bình hàng năm tăng trưởng 11% trong thập niên qua, cao hơn đáng kể so với nhóm tập đoàn đa ngành. Bain cho biết điều này trái ngược với tình hình của 10 năm trước.
Theo Till Vestring, đối tác tư vấn của Bain, những thế mạnh truyền thống của các tập đoàn đa ngành, chẳng hạn như mối quan hệ tốt với chính phủ, ít được đánh giá cao hơn trước.
“Môi trường kinh doanh đã kém thuận lợi hơn rất nhiều đối với các tập đoàn đa ngành khi khu vực ASEAN đã trưởng thành. Việc tuyển dụng nhân tài khó hơn và các chính phủ cảnh giác hơn với các công ty đang phát triển mạnh mẽ”, ông nói.
Bain ghi nhận, một số tập đoàn đa ngành ở ASEAN đang xoay xở để duy trì tăng trưởng tốt bằng cách mở rộng sang các lĩnh vực như kinh doanh xanh, dịch vụ tài chính và chăm sóc sức khỏe. Trong khi đó, lợi nhuận của một số tập đoàn đa ngành cải thiện sau khi họ chia tách hoạt động kinh doanh.
Theo Financial Times