Thứ hai, 30/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Thời kỳ thịnh vượng nhờ dầu mỏ ở các nước vùng Vịnh sắp kết thúc

Chánh Tài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Giá dầu thô tăng vọt do tác động của cuộc chiến tranh ở Ukraine dự kiến giúp các nước vùng Vịnh Ba Tư thu về khoảng 1.300 tỉ đô la Mỹ trong 4 năm. Song các chuyên gia cảnh báo rằng đây có thể là cơn bùng nổ cuối cùng của thị trường dầu mỏ khi thế giới đang tăng tốc chuyển đổi sang năng lượng tái tạo.

Một cơ sở chế biến dầu thô ở Abqaiq, Saudi Arabia. Ảnh: Reuters

Giá dầu tăng đột biến sau khi chiến tranh nổ ra ở Ukraine đã đưa các nước giàu dầu mỏ ở Trung Đông gần vùng Vịnh thoát khỏi tình trạng suy sụp kinh tế kéo dài gần một thập niên, thời kỳ khiến họ phải giảm chi tiêu và chịu thâm hụt ngân sách.

Các nước vùng Vịnh đã từng nhiều lần được hưởng lợi nhờ các cơn bùng nổ dầu mỏ tương tự vào thập niên 1970 và 1980, và sau đó là một đợt bùng nổ khác vào đầu thập niên 2000. Tuy nhiên, các quan điểm đang thay đổi đối với việc tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch có nghĩa là các chu kỳ như vậy có thể sẽ không xuất hiện nữa. Vì vậy, các chuyên gia cho rằng các nước vùng Vịnh cần phải chuẩn bị cho điều đó.

Karen Young, nhà nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm Chính sách năng lượng toàn cầu thuộc Đại học Columbia (Mỹ), nhận định: “Đây chắc chắn là điểm khởi đầu cho sự kết thúc thịnh vượng bền vững nhờ dầu mỏ (của các nước vùng Vịnh)”.

Các nước phương Tây đang tăng tốc nỗ lực chuyển đổi sang năng lượng tái tạo, câu chuyện trở nên cấp bách hơn bao giờ hết khi cuộc chiến Ukraine làm gián đoạn nghiêm trọng các kênh cung cấp dầu và khí đốt tự nhiên quan trọng của châu Âu.

Young nói: “Cơn bùng nổ dầu mỏ hiện nay khác biệt ở chỗ nó không chỉ là một cuộc khủng hoảng dầu mỏ. Đó là một sự thay đổi lớn trong cấu trúc đáp ứng nhu cầu năng lượng toàn cầu”.

Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), các nhà xuất khẩu năng lượng Trung Đông dự kiến thu về 1.300 tỉ đô la Mỹ doanh thu từ dầu mỏ trong 4 năm nhờ cơn sự bùng nổ dầu mỏ hiện nay. Các chuyên gia cảnh báo các nước vùng Vịnh không nên lãng phí nó và cần tự bảo vệ mình khỏi những biến động của giá dầu trong tương lai bằng cách sử dụng lợi nhuận để đa dạng hóa nền kinh tế, giảm sự phụ thuộc vào dầu mỏ.

Trong nhữg thời kỳ bùng nổ dầu mỏ trước đây, các nước vùng Vịnh đã phung phí lợi nhuận vào những khoản đầu tư lãng phí và kém hiệu quả. Họ xây dựng các công trình đồ sộ, mua vũ khí, cũng như cấp phát tiền cho người dân. Kết quả là sau những cơn bùng nổ này, nền kinh tế của họ đã suy yếu khi giá dầu lao dốc do ngân sách của họ tiếp tục trông cậy vào dầu mỏ.

Ellen Wald, nhà nghiên cứu ở Hội đồng Đại Tây Dương, có trụ sở ở Washington, nói: “Các dự án xây dựng ở các nước vùng Vịnh thường được khởi công rồi bỏ dở khi nguồn tiền từ dầu mỏ cạn kiệt.  Họ có rất nhiều tiền để chi tiêu nhưng lại không giám sát chặt chẽ nên thường để xảy ra tham nhũng”.

Theo Omar Al-Ubaydli, Giám đốc nghiên cứu của tổ chức tư vấn Derasat, có trụ sở tại Bahrain, các nước giàu dầu mỏ cũng thường chú trọng tăng tuyển dụng trong khu vực công và chi trả hậu hĩnh cho công chức thông qua tiền thưởng hoặc tăng lương.

Một báo cáo của Ngân hàng Thế giới, công bố hồi tháng 5, nhấn mạnh nguồn tiền khổng lồ mà các nước vùng Vịnh kiếm được từ dầu mỏ sau đại dịch Covid-19 và cuộc chiến tranh ở Ukraine cần phải được đầu tư cho quá trình chuyển đổi kinh tế và môi trường của khu vực này.

Báo cáo cho biết việc tăng cường đầu tư cho quá trình chuyển đổi năng lượng là rất quan trọng vì nhiều nơi trên thế giới đang tăng tốc chuyển sang năng lượng tái tạo.

Các nước vùng Vịnh dường như đang nỗ lực đa dạng hóa nền kinh tế. Kể từ đợt bùng nổ dầu mỏ gần đây nhất kết thúc vào năm 2014, bốn trong số sáu nước vùng Vịnh đã áp dụng thuế giá trị gia tăng. Thậm chí, Các Tiểu vương quốc Arab (UAE) còn đi xa hơn bằng cách bắt đầu áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp. Hiện tại, không có nước vùng Vịnh nào áp dụng thuế thu nhập cá nhân. Saudi Arabia đang đầu tư vào các lĩnh vực phi dầu mỏ như du lịch nhưng các chuyên gia hoài nghi lĩnh vực này không có khả năng bù đắp doanh thu dầu mỏ được dự báo suy giảm trong tương lai. Hiện tại, vương quốc này thu về 1 tỉ đô la Mỹ mỗi ngày từ xuất khẩu dầu mỏ.

Các nước vùng Vịnh phản đối quan điểm cho rằng nhiên liệu hóa thạch có thể bị loại bỏ dần và sẽ không còn là nguồn năng lượng chính khi các nước có ý thức về môi trường chuyển sang các nguồn năng lượng thay thế sạch hơn. Họ tin rằng dầu mỏ sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng đối với nền kinh tế toàn cầu.

Tuần trước, Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) nhận định nhu cầu dầu toàn cầu sẽ tăng mạnh trong năm tới nhờ nền kinh tế Trung Quốc bình thường hóa trở lại và nhu cầu du lịch trên toàn cầu tăng lên.

UAE, một trong những nhà xuất khẩu dầu mỏ hàng đầu thế giới, cảnh báo việc chuyển đổi quá nhanh khỏi nhiên liệu hóa thạch có thể gây khủng hoảng kinh tế.

Trong một bài xã luận hồi tháng 8, Sultan Al Jaber, đặc phái viên về biến đổi khí hậu của UAE, viết: “Các chính sách nhằm thoát ra khỏi nhiên liệu hóa thạch quá sớm mà không có các giải pháp thay thế khả thi sẽ tự chuốc lấy thất bại. Chúng sẽ làm suy yếu an ninh năng lượng, xói mòn sự ổn định kinh tế và khiến thu nhập từ dầu không còn nhiều để đầu tư vào quá trình chuyển đổi năng lượng”.

Nhà nghiên cứu Karen Young cho biết ngay cả khi các nền kinh tế không còn sử dụng dầu như là một nguồn năng lượng chính, các sản phẩm hóa chất và các nguyên vật liệu để sản xuất nhựa được tinh chế từ dầu mỏ vẫn còn nhu cầu cao.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, các nước vùng Vịnh nhận ra rằng ngay cả khi dầu tiếp tục còn nhu cầu, cơn tăng giá mạnh như trong những tháng qua vẫn có thể sẽ không xảy ra lần nữa.

Omar Al-Ubaydli, Giám đốc nghiên cứu Derasat, cho biết: “Đây là một cơn bùng nổ nhất thời và có thể là lần tăng giá mạnh cuối cùng của dầu thô”.

Theo CNN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới