Thứ ba, 7/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Thói quen và những lựa chọn mới

Lê Hữu Huy(*)

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Hành động theo thói quen bao giờ cũng dễ dàng và chúng ta chỉ thay đổi khi nào không thực hiện được điều đã làm thường xuyên đó. Con người chỉ cần mở mang đầu óc để đối mặt với thực tế và sự phụ thuộc vào các thói quen và nên định kỳ kiểm tra lại các thói quen, xem xét lợi ích tiềm năng và độ tuổi của thói quen. Một thói quen càng cũ thì càng có nhiều khả năng đã quá hạn sử dụng.

Tháng 2-2014, công nhân mạng lưới tàu điện ngầm ở London, Anh tiến hành một cuộc đình công ngắn làm gián đoạn dịch vụ tàu điện và đóng cửa một số nhà ga. Ba ngày sau, khi dịch vụ tàu điện trở lại bình thường, không phải tất cả những người đi làm bằng tàu điện đều quay lại thói quen di chuyển như trước khi đình công xảy ra.

Thông tin từ cơ quan quản lý cho thấy 5% người dân đi tàu điện ngầm đã thay đổi hoàn toàn và vĩnh viễn cách thức đi lại từ nhà đến nơi làm việc. Khi được hỏi, những người này cho biết họ phát hiện ra rằng lộ trình đi lại trước đây bằng tàu điện thật ra không tối ưu. Đình công khiến họ phải thử nghiệm những cách thức đi lại mới và cuối cùng họ đã tìm ra những lộ trình tốt hơn để đến điểm mong muốn.

Câu hỏi thú vị đặt ra là những cách thức tốt hơn này đã có sẵn trước cuộc đình công nhưng tại sao họ không sử dụng mà chỉ đến khi “hữu sự” mới khai thác?

Thay đổi thiên kiến và thói quen

Chia sẻ câu chuyện nói trên trong chuyên mục kinh tế học thường thức của nhật báo The Straits Times, Giáo sư Ivan Png hiện đang giảng dạy tại trường Kinh doanh và Khoa Kinh tế học thuộc Đại học Quốc gia Singapore và là điều tra viên chính của Spire, một dự án nghiên cứu về năng suất dịch vụ do Bộ Giáo dục Singapore tài trợ, cho biết đáp án cho câu hỏi thú vị này là điều mà các nhà kinh tế học hành vi gọi là “thiên kiến duy trì hiện trạng” (status quo bias).

Con người chúng ta ai cũng tìm phương cách tốt nhất trong mọi việc, và cụ thể nhất trong cuộc sống thường ngày là việc đi lại từ nhà đến nơi làm việc hay trường học. Theo thời gian, điều này trở thành một thói quen, một hoạt động thường xuyên mà tiếng Anh gọi là “routine”.

Trong khi đó, các điều kiện khách quan như lịch trình xe buýt và tàu điện, nhu cầu đi làm và đi học lại thay đổi nhưng chúng ta lại không thay đổi mà dính vào các thói quen này. Mỗi ngày, chúng ta có quá nhiều vấn đề khác cần quan tâm nên không còn dành thời gian và nỗ lực để điều chỉnh cách thức đi lại sao cho hiệu quả hơn.

Theo Giáo sư Png, hành động theo thói quen bao giờ cũng dễ dàng và chúng ta chỉ thay đổi khi nào không thực hiện được điều đã làm thường xuyên. Tương tự như cuộc đình công ở tàu điện ngầm London, Covid-19 cũng đã làm thay đổi thiên kiến duy trì hiện trạng của người dân ở nhiều quốc gia trên toàn cầu và nhất là các động doanh nghiệp.

Nền tảng họp trực tuyến Zoom đã được xây dựng từ năm 2011 và các dịch vụ như Cisco WebEx đã có mặt sẵn sàng ngay cả khi trong thời gian diễn ra hội chứng viêm phổi cấp SARS. Tuy nhiên, chẳng mấy ai biết đến chúng cho đến khi dịch Covid-19 bùng phát và chính phủ các nước ra lệnh cho người dân phải làm việc và học tập tại nhà.

Giờ đây, khi đại dịch gần như đã hoàn toàn chấm dứt, nhiều người không vội quay lại nơi làm việc bởi lẽ họ đã khám phá ra những cách làm việc hiệu quả hơn - những cách làm việc đã hình thành và tồn tại từ hàng chục năm nay.

Cisco WebEx, Zoom và các dịch vụ tương tự đã có từ trước Covid-19. Nhưng phải cần đến một cuộc khủng hoảng toàn cầu để hủy bỏ các thói quen và buộc nhiều tổ chức, doanh nghiệp trên thế giới phải xem xét lại cách thức làm việc và các chính sách có liên quan.

Chẳng hạn như tập đoàn công nghệ cung cấp nền tảng cho thuê phòng và căn hộ Airbnb có trụ sở chính tại Thung lũng Silicon, California (Mỹ) mới đây đã quyết định rằng tất cả nhân viên có thể làm việc từ xa vĩnh viễn. Google yêu cầu nhân viên phải có mặt tại văn phòng ba ngày một tuần.

Giáo sư Png cho biết ông và các cộng sự đã phỏng vấn bốn công ty dịch vụ chuyên nghiệp hàng đầu trên đảo Sư tử được biết định mức có mặt tại văn phòng là hai ngày một tuần hoặc không có quy định nào cả.

Chính phủ Singapore cũng đã áp dụng chiến lược nơi làm việc kết hợp (hybrid) vừa ở nhà vừa ở cơ quan, đồng thời bắt đầu cắt giảm diện tích văn phòng. Có vẻ như rất ít tổ chức, cho dù đó là kinh doanh hay phi lợi nhuận, sẽ quay trở lại hiện trạng trước đây là làm việc hàng ngày tại văn phòng theo kiểu năm ngày một tuần.

Một điều thú vị nữa là một trong những công ty dịch vụ chuyên nghiệp mà Giáo sư Png và các cộng sự phỏng vấn đã áp dụng chính sách nơi làm việc hoàn toàn linh hoạt cách đây mười năm. Ngay cả trong một ngành nghề khá chặt chẽ, một doanh nghiệp đã đi theo một hướng khác trong một thời gian dài và không có doanh nghiệp nào khác theo sau.

Hóa ra, một số công ty công nghệ đã thử nghiệm làm việc từ xa trước khi có dịch Covid-19 nhưng họ được coi là ngoại lệ. Giám đốc điều hành của tập đoàn ngân hàng đầu tư đa quốc gia Goldman Sachs, ông David Solomon từng dõng dạc tuyên bố rằng làm việc tại nhà là một “sự khác thường”.

Với những ví dụ này, Giáo sư Png cho rằng việc khắc phục thiên kiến duy trì hiện trạng là hoàn toàn khả thi. Con người chỉ cần mở mang đầu óc để đối mặt với thực tế và sự phụ thuộc vào các thói quen và nên định kỳ kiểm tra lại các thói quen, xem xét lợi ích tiềm năng và độ tuổi của thói quen. Một thói quen càng cũ thì càng có nhiều khả năng đã quá hạn sử dụng.

Và những lựa chọn mới

Tuy nhiên, những phân tích và khuyến cáo nói trên của Giáo sư Png có thể dễ gây lầm lẫn nếu chúng ta không phân biệt khái niệm “thói quen” trong hai từ tiếng Anh là “habit” và “routine”. Theo Tiến sĩ Benjamin Gardner, một nhà nghiên cứu về thói quen tại Đại học King’s College London, “habit” hoạt động bằng cách tạo ra động lực để thực hiện một “hành vi” (behavior) mà không cần suy nghĩ hoặc có rất ít suy nghĩ có ý thức. Khi hình thành “habit”, bộ não giải phóng tâm trí để làm những việc khác mà không cần cân nhắc.

Chẳng hạn như khi còn nhỏ, bạn cần được nhắc nhở rửa tay sau khi đi vệ sinh và phải tập trung vào nhiệm vụ mở nước, cho xà phòng, tạo bọt và rửa tay. Khi trưởng thành, bạn có thể làm điều này một cách tự động, có thể nghĩ về những thứ khác khi thực hiện các bước rửa tay này.

Theo các nhà nghiên cứu, những hành vi đòi hỏi sự tập trung, cân nhắc hoặc nỗ lực kéo dài không phải là “habit”. Chúng ta không thể hình thành một “habit” từ một nhiệm vụ không bao giờ có thể thực hiện trọn vẹn.

Khi thất bại trong việc hình thành một “habit”, con người có xu hướng đổ lỗi cho bản thân hơn là đổ lỗi cho những lời khuyên không khả thi mà chúng ta đọc được từ một người không thực sự hiểu điều gì có thể và không thể trở thành một “habit”.

Còn những hành vi đòi hỏi suy nghĩ có ý thức, chẳng hạn như dọn dẹp căn hộ của bạn hoặc viết nhật ký hàng ngày thì không phải là “habit” mà được gọi là “routine”, tức là một chuỗi các hành động được tuân thủ thường xuyên. Như vậy, để thay đổi một hành vi, bạn cần hiểu sự khác biệt giữa “routine” và “habit”.

Nhiều công trình nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc áp dụng một “habit” mới mất trung bình 66 ngày. Theo nhà báo nổi tiếng người Mỹ Charles Duhigg cũng là tác giả của quyển sách “The Power of Habit”(1), “habit” có thể hình thành theo một vòng lặp (habit loop) như trong sơ đồ số 1. Mỗi vòng lặp bắt đầu bằng một “cue” (gợi ý/nhắc nhở) từ môi trường bên trong hoặc bên ngoài kích hoạt hành vi từ đó dẫn đến việc thực hiện các “routine”.

Thời gian phong tỏa hay giãn cách xã hội do dịch Covid-19 đã giúp nhiều người trong chúng ta cảm nhận cụ thể hơn về cơ chế hình thành thói quen này. Với riêng tôi, “phần thưởng” có được từ những thói quen mới là khả năng đã sử dụng thời gian hiệu quả để có được những lợi ích không ngờ về mặt kinh tế, thể chất và cả tinh thần.

Muốn hiểu rõ hơn về lợi ích thói quen, chúng ta có thể tham khảo “Mô hình hành vi” (Behavior Model) của nhà khoa học xã hội người Mỹ Brian Jeffrey Fogg và cũng là tác giả của quyển sách “Tiny Habits, Why starting small makes lasting change easy”(2) theo đó hành vi chỉ hình thành khi có ba yếu tố kết hợp với nhau tại cùng một thời điểm như trình bày trong sơ đồ công thức (sơ đồ 2) dưới đây.

Để giúp độc giả hiểu rõ về mô hình này, tác giả Fogg lấy ví dụ của bản thân vào năm 2010, ông đã thực hiện hành vi đóng góp cho Hội chữ thập đỏ khi đang ở trong phòng tập gym.

Động cơ đóng góp từ thiện của ông lúc đó rất cao sau khi biết được những thông tin đau lòng từ hiệu ứng của trận động đất. Nhưng nếu đại diện Hội chữ thập đỏ gọi điện thoại cho ông và hỏi số thẻ tín dụng thì lúc đó ông đang sải bước tên máy chạy bộ còn bóp thì để trong xe hơi.

Ngoài ra, nếu những người gây quỹ không sử dụng điện thoại mà gửi cho ông thứ gì đó qua đường bưu điện thì có thể ông đã không đọc vì nghĩ rằng đó là thư rác. Như vậy, không có lời nhắc, không có thay đổi để thực hiện hành vi.

Trở lại với câu chuyện của Giáo sư Ivan Png về sự thay đổi thiên kiến và thói quen của con người sau sự kiện đình công ở London, theo thiển ý của tôi, về phương diện tiến hóa, nhân loại cũng cần cảm ơn đại dịch Covid-19 về những bài học đớn đau nhưng sâu sắc, về những cơ hội và lựa chọn mới.

Theo tác giả Fogg, chất lượng cuộc sống của chúng ta trên hành tinh này phụ thuộc vào những lựa chọn mà chúng ta đưa ra hàng ngày - những lựa chọn về cách chúng ta sử dụng thời gian, cách chúng ta sống cuộc sống của mình và quan trọng nhất là cách chúng ta đối xử với bản thân và những người khác.

Ông viết: “Chúng ta là một cộng đồng, ngày càng bị ngắt kết nối với chính mình và những người khác. Bước đầu tiên để khắc phục những gì làm chúng ta khó chịu là đón nhận cảm giác tốt hơn. Thói quen là một phương tiện để đạt được mục đích này. Chúng dạy chúng ta các kỹ năng thay đổi, thúc đẩy chúng ta hướng tới ước mơ của mình và tỏa sáng hơn cho thế giới.

Bằng cách nắm lấy cảm giác thành công và thêm nhiều điều tốt đẹp hơn vào cuộc sống hàng ngày của bạn, bạn đang làm cho thế giới tươi sáng hơn không chỉ cho chính bạn mà còn cho những người khác”.

(*) Giám đốc Công ty Tư vấn Vietnam Global Network, Singapore

(1) Đã được dịch sang tiếng Việt với tựa đề “Sức mạnh của thói quen”. Dịch giả: Lê Thảo Ly. NXB Lao Động, 2019

(2) Đã được dịch sang tiếng Việt với tựa đề “Thói quen tí hon - Tiềm năng khổng lồ”. Dịch giả: Thái Phạm - Đàm Vân Anh, NXB Thế giới, 2021

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới