Thứ tư, 4/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Thời trang Việt trong ‘làn sóng’ đua tranh trên các sàn trực tuyến

Hoàng An

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Liên tiếp vào danh sách các ngành đứng đầu về doanh thu trên sàn thương mại điện tử (TMĐT), thời trang đang là sân chơi sôi động thu hút các nhà bán hàng khắp nơi chinh phục thị trường 100 triệu dân. Tuy vậy, sự cạnh tranh khốc liệt từ các thương hiệu thời trang nhanh (fast fashion) của Trung Quốc cũng khiến các thương hiệu nội địa phải chủ động hơn và nhanh nhạy hơn để nắm bắt thị phần.

Thời trang giá rẻ “thịnh hành”

Theo thống kê của Metric, một nền tảng chuyên phân tích thống kê dữ liệu thương mại điện tử (E-commerce), trong vòng một năm từ 1-9-2022 đến 31-8-2023, tổng doanh thu ngành hàng thời trang trên các sàn TMĐT khoảng 38.500 tỉ đồng, hơn 365 triệu sản phẩm giao thành công, tăng 174% so với doanh thu cùng kì năm 2022 nhờ TikTok Shop mới mở. Việc có thêm các sàn TMĐT mới cũng tạo nên cú hích thúc đẩy tăng trưởng và cạnh tranh tích cực của ngành hàng này.

Riêng trong vòng một tháng (từ 10-8-2023 đến nay), tổng doanh số trên sàn Shopee khoảng 14.000 tỉ đồng, trong đó doanh số ngành hàng sắc đẹp đứng đầu với khoảng 2.400 tỉ đồng, thứ hai là danh mục nhà cửa và đời sống khoảng 1.800 tỉ đồng và đứng thứ ba là ngành thời trang nữ với khoảng 1.500 tỉ đồng, thời trang nam xếp gần cuối với doanh số ước tính 500 tỉ đồng.

Thống kê của Metric từ 1-9-2022 đến 31-8-2023 về doanh số ngành hàng thời trang trên sàn TMĐT. Ảnh: Metric cung cấp

Theo ông Nguyễn Mạnh Tấn, Giám đốc Marketing của Haravan, một nền tảng quản lý kinh doanh, cung cấp các giải pháp bán hàng đa kênh, sở dĩ ngành hàng thời trang luôn thu hút trên thị trường vì quần áo online luôn có sức hút với người tiêu dùng. Với ba nguyên nhân dễ thấy nhất về mặt lý tính như đa dạng mẫu mã phù hợp với mọi nhu cầu, thứ hai mua sắm tiện lợi bất kể khoảng cách địa lý giao hàng. Cuối cùng là giá rẻ vì có đến hàng chục ngàn nhà bán hàng thời trang trong nước lẫn quốc tế đang cạnh tranh để bán. “Và còn nhiều nguyên nhân mang tính “cảm tính” như thời trang giúp người tiêu dùng tự tin hơn, đẹp hơn, hay chỉ là được kết nối với thần tượng yêu thích vì họ đang quảng cáo cho thương hiệu đó”, ông nhấn mạnh.

Ngoài kinh doanh trên các sàn, bán hàng đa kênh cũng đem lại lợi nhuận cho các đơn vị này. Cụ thể, một khảo sát khác của Haravan chỉ ra các sàn thương mại điện tử phổ biến đang chiếm gần 60% doanh số trên online của các nhà bán hàng đa kênh. Nhưng tỉ suất lợi nhuận của hai kênh Facebook và Instagram của doanh nghiệp thời trang Việt là cao hơn cả, vì không phải mất phí chiết khấu cho sàn và không có sự cạnh tranh về giá trực tiếp cho khách hàng so sánh.

Chị Vân Anh Đỗ, hiện tại đang là CEO của hãng thời trang VAS (Vananhscarlet Design), cho biết trong những năm gần đây VAS đẩy mạnh mảng online và sàn thương mại điện tử. Hiện nay doanh thu online chiếm tới 70% doanh số của thương hiệu. Với kinh nghiệm 10 năm hoạt động trong lĩnh vực, chị đánh giá online là một kênh bán hàng tiềm năng khi mà chỉ trong một phiên livestream có thể tương tác và kết nối đến hàng chục ngàn khách hàng.

“Chúng ta đang chứng kiến sự thay đổi mạnh mẽ của việc mua sắm và thói quen người tiêu dùng. Các cửa hàng truyền thống đã trở nên ít hiệu quả hơn. Khách hàng trẻ có khả năng dùng thiết bị điện tử khá tốt và họ rất giỏi trong việc đánh giá mặt hàng. Dưới góc nhìn tích cực thì thời trang Việt Nam cũng đang bắt dần với xu thế của thế giới”, chị nói thêm.

Doanh nghiệp nội địa tìm cơ hội

Tuy doanh thu ngành thời trang toàn thị trường thương mại điện tử tăng nhanh là vậy, nhưng lĩnh vực này ở Việt Nam khá phân mảnh, rất nhiều thương hiệu đã tồn tại lâu đời song song những nhà kinh doanh trẻ thành lập được 2-3 năm. Theo khảo sát của Haravan, đầu năm 2023 đến nay, đại diện nhận thấy sự tăng trưởng số lượng nhà kinh doanh mới trong ngành ít hơn 20% so với những năm trước đó, cũng rất nhiều thương hiệu Việt trẻ đã đóng cửa vì không chịu nổi sự cạnh tranh về giá của các nhãn hàng khác và cả thương hiệu từ Trung Quốc.

Giá bán tốt trung bình mỗi chiếc áo của Local Brands trẻ (hãng nội địa) trên sàn TMĐT năm 2022 vào khoảng 250.000 đồng - 300.000 đồng, còn hiện tại vào năm 2023 đa phần chỉ bán được từ 130.000 đồng -180.000 đồng mà chất lượng vẫn cần tương đương cho khách.

Thời trang nữ vẫn chiếm phần lớn doanh số trong ngành, tiếp theo thứ tự là tệp khách hàng nam giới và trẻ em. Thống kê thứ hạng nhãn hàng thời trang Việt của Metric cũng chỉ ra thương hiệu trong nước chủ yếu phải cạnh tranh với hàng Trung Quốc giá rẻ. Tuy nhiên, nhiều đơn vị có chiến lược thông minh nên vẫn đạt doanh số cao. Điểm tên top 5 thương hiệu Việt có doanh số cao nhất trên 5 sàn trong một năm như OEM, Coolmate, Levents, Yody, Nous… chiếm khoảng 783 tỉ đồng, khoảng 2% so với doanh số toàn sàn.

Học cách livestream bán quần áo đang là xu hướng của các nhà kinh doanh hoặc chủ thương hiệu thời trang trong nước hiện nay. Ảnh minh họa: ATPsoftware

Ông Nguyễn Mạnh Tấn cho rằng thương hiệu Việt đa phần gặp khó trên thương mại điện tử vì cạnh tranh với đối thủ lớn từ nước ngoài có lợi thế sẵn. Chẳng hạn, nguyên phụ liệu sản xuất may mặc cho ngành thời trang phần lớn được nhập ở Trung Quốc. Họ có thế mạnh đi trước các thương hiệu Việt về mẫu mã và số lượng sản xuất cho thị trường tỉ dân. Giá thành và thời gian vận chuyển xuyên biên giới không còn là rào cản cho việc thâm nhập thị trường thời trang trên TMĐT Việt Nam nữa, thậm chí còn kích thích người dân trong nước mua hàng quốc tế vì giá rẻ, đa dạng sản phẩm, phục vụ mọi nhu cầu, với số lượng tối thiểu.

“Các nghiệp vụ, kiến thức, kĩ năng kinh doanh trên TMĐT họ cũng đi trước chúng ta lâu, ví dụ như công nghệ livestream, thiết kế hình ảnh hoặc AI tư vấn bán hàng”, ông nói thêm.

Để thích ứng trên sân chơi nhiều sự cạnh tranh, cũng như tăng nhận diện trên thị trường đang vào mùa mua sắm cao điểm, người có chuyên môn trong lĩnh vực chỉ ra các doanh nghiệp có thể hợp tác với KOC trên mạng xã hội (Meta, Tiktok) phù hợp với sản phẩm, khách hàng và cá tính của thương hiệu để phủ rộng sự tiếp cận.

Hiện tại, nhóm KOC dưới 50.000 người theo dõi có giá thành quảng cáo vừa phải, dễ hợp tác để cùng bán sản phẩm và nhận thù lao theo doanh số bán. Doanh nghiệp thời trang có thể triển khai một lúc hàng trăm KOC với chi phí vừa đủ. Bên cạnh đó đơn vị tích cực tham gia các chương trình livestream bán hàng trên các sàn thương mại điện tử, đưa ra những sản phẩm với mức ưu đãi tốt kèm số lượng giới hạn. Ngoài ra, xây dựng thương hiệu đa kênh (Omnichannel) từ website, Facebook, Tiktok, sàn TMĐT… để tiếp cận và đón khách hàng từ khắp nơi.

Mua sắm thời trang từ hãng nội đến hãng ngoại tại các trung tâm thương mại. Ảnh: Tư liệu

Tuy nhiên, các thương hiệu Việt hiện tại cũng cần dành thời gian để định hướng lại chiến lược kinh doanh ngắn hạn và phát triển dài hạn. Dựa trên thế mạnh của mình, họ nên nắm bắt xu hướng của người tiêu dùng trong tương lai 3 năm tiếp đến, để phát triển vững chắc hơn, như lồng ghép yếu tố thời trang xanh, thương hiệu thân thiện với môi trường tăng thêm giá trị cho cộng đồng, sự thiện cảm với khách hàng.

Chia sẻ với KTSG Online, đại diện từ thương hiệu thời trang nữ trong nước, chị Vân Anh Đỗ cùng đội ngũ cố gắng tạo nên sự khác biệt để thich nghi khi thị trường đang gặp khó khăn. Những sản phẩm được đầu tư về chất lượng cao luôn là ưu tiên hàng đầu của doanh nghiệp.

“VAS đang dần thay đổi quy mô và cách tiếp cận tới khách hàng. Chúng tôi có phòng kinh doanh phụ trách các sàn và chạy quảng cáo mạnh tăng độ nhận diện. Liên tục cho ra mẫu bắt nhịp xu hướng, triển khai các chiến dịch về phụ nữ nhằm truyền tải thông điệp tới khách và tiếp cận nhiều thị trường mới nhất có thể”, chị chia sẻ.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới