Thứ sáu, 24/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Thông minh hay hạnh phúc, chọn cửa nào?

Thanh Thảo

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Bây giờ, cứ nghe nói xây dựng “Thành phố thông minh”, ai cũng thích. Dĩ nhiên, vì không ai muốn sống ở một “Thành phố u tối” cả. Nhưng thành phố thông minh là gì và làm thế nào để có thành phố thông minh thì ý kiến trên thế giới lại không hoàn toàn đồng nhất.

Ở Đức, người ta định nghĩa thành phố thông minh là “thành phố trung tính về CO2, sử dụng năng lượng và tài nguyên có hiệu quả, phù hợp với khí hậu trong tương lai”.

Còn ở những nơi khác, người ta lại nhấn mạnh đến ý niệm đô thị bền vững. Ở đây thành phố tương lai được coi là “thành phố chung tay” và cư dân là “đối tác bình đẳng“ mà nếu thiếu họ thì không thể “phát triển đô thị bền vững”. Người ta không chấp nhận sự áp đặt trong việc xây dựng thành phố thông minh, vì lo ngại tới việc thủ tiêu bản sắc riêng của thành phố.

Với sự phát triển như vũ bão của công nghệ thông tin và điện tử, người ta quan niệm chữ “E” (điện tử) luôn phải đứng đầu trong các yếu tố tạo nên thành phố thông minh. Với các ứng dụng của thành phố thông minh như “E-Government (Chính phủ điện tử)”, “E-Ticketing (vé điện tử trong giao thông)” và không gian sống kết mạng lưới, có thể hình dung Smart City như một sự kết nối một mạng lưới khổng lồ được tạo nên bởi công nghệ cao gồm công nghệ thông tin, công nghệ điện từ, công nghệ xử lý môi trường, công nghệ tạo năng lượng sạch…

Hàng chục công nghệ cao được áp dụng thường trực trong thành phố sẽ tạo nên một không gian sống được kiểm soát mà ở đó, môi trường sống đúng chuẩn trong lành phải là tiêu chí hàng đầu, trước cả những tiện ích mà công nghệ cao có thể mang lại cho cư dân thành phố.

Ở đây, đã có một phần của tiêu chí “Thành phố thông minh” tương đồng với tiêu chí của “Thành phố hạnh phúc”. Đó là tiêu chí “Môi trường sống đúng chuẩn trong lành phải là tiêu chí hàng đầu, trước cả những tiện ích mà công nghệ cao có thể mang lại cho cư dân thành phố”. Đó là một trong những tiêu chí của thành phố hạnh phúc, vấn đề môi trường.

Nhưng môi trường thiên nhiên dù rất cơ bản, vẫn không phải là toàn bộ vấn đề môi trường. Với thành phố hạnh phúc, môi trường xã hội, môi trường cộng đồng cũng quan trọng không kém gì. Đó là môi trường do cư dân thành phố tạo ra, và tác động trực tiếp đến cuộc sống của toàn bộ cư dân thành phố.

Tôi đang sống trong một khu tập thể được xây dựng từ hồi bao cấp, bây giờ cư dân ở đây từng nhà có xây dựng lại hay sửa lại. Nhưng cách sống giữa láng giềng với nhau thì vẫn như ngày xưa. Nghĩa là thân thương, thân thiện, sẵn sàng giúp đỡ nhau, giúp đỡ người già yếu bệnh tật, tình láng giềng vẫn đậm đà, có cảm giác như mình vẫn đang ở cái thời bao cấp ấy. Duy nhà cửa, đường sá thì tốt hơn hồi xưa nhiều. Tôi nghĩ, như thế, mình đang được sống ở một “tổ dân phố hạnh phúc”. Không dám nói là đang ở một khu phố hay một thành phố hạnh phúc.

Có thể nói, khi chúng ta xây dựng được một thành phố thông minh với công nghệ cao, thì cốt lõi của thành phố ấy vẫn phải là một thành phố hạnh phúc. Đó có thể coi là mô hình “thành phố trong thành phố”.

Nếu công nghệ cao xây nên thành phố thông minh, thì văn hóa mà đỉnh cao của nó là lòng nhân ái xây lên thành phố hạnh phúc.

Như thế, nếu tới một lúc nào xuất hiện mô hình “thành phố trong thành phố” thì chúng ta khỏi phải chọn cửa “thông minh hay hạnh phúc”, bởi chúng ta sẽ sống trong cấu trúc thành phố “hai trong một”, cả thông minh và hạnh phúc.

Đó là mơ ước, nhưng là một mơ ước chính đáng.

1 BÌNH LUẬN

  1. Hạnh phúc phải là số một, điều kiện đủ đối với mỗi người/ gia đình/ doanh nghiệp/ đất nước… Nhưng để có hạnh phúc, tất yếu phải có điều kiện cần là thông minh. Thông minh giúp chúng ta thấu hiểu và hóa giải được lý do khúc mắc vì sao chúng ta không hạnh phúc. Đơn giản vậy thôi.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới