(KTSG Online) - Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, tính đến 20-5, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt khoảng 10,86 tỉ đô la Mỹ.
- Thử lý giải lý do sụt giảm dòng vốn FDI ở Việt Nam
- Thu hút FDI trước bối cảnh áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu
Baochinhphu.vn đưa tin, Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) vừa có báo cáo về tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài. Cụ thể, 5 tháng qua, vốn đăng ký mới đạt hơn 5,26 tỉ đô la, tăng 27,8% so với cùng kỳ; vốn điều chỉnh đạt 2,28 tỉ đô la, giảm 59,4% so với cùng kỳ; vốn đầu tư thông qua góp vốn, mua cổ phần đạt gần 3,32 tỉ đô la, tăng 67,2% so với cùng kỳ.
Trong khi đó, vốn đầu tư mới 4 tháng đầu năm tăng 11%. Số dự án đầu tư mới 5 tháng cũng tiếp tục tăng nhẹ 1,2 điểm phần trăm so với 4 tháng và tăng mạnh so với cùng kỳ (66,4%). Số lượt dự án điều chỉnh vốn cũng tăng mạnh hơn (tăng 22,8% so với cùng kỳ) thay vì tăng 19,5% trong 4 tháng.
Cục Đầu tư nước ngoài nhận định kết quả này khẳng định niềm tin của các nhà đầu tư vào môi trường đầu tư của Việt Nam và các nhà đầu tư cam kết tiếp tục mở rộng dự án hiện hữu.
Cùng với đó, vốn đầu tư thông qua góp vốn, mua cổ phần FDI tiếp tục tăng so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu là nhờ dự án mua cổ phần của nhà đầu tư Nhật Bản tại VPBank, với tổng giá trị thương vụ lên tới 1,5 tỉ đô la. Vốn đầu tư nước ngoài giải ngân ước đạt 7,56 tỉ đô la, tuy vẫn giảm 0,8% so với cùng kỳ, nhưng mức giảm đã cải thiện so với các thời điểm đầu năm.
Hiện các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành, lĩnh vực, trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt hơn 6,64 tỉ đô la, chiếm 61,2% tổng vốn đầu tư đăng ký. Ngành hoạt động tài chính, ngân hàng đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư hơn 1,53 tỉ đô la, chiếm hơn 14,1% tổng vốn đầu tư đăng ký. Các ngành kinh doanh bất động sản, hoạt động chuyên môn, khoa học - công nghệ xếp thứ ba và tư với tổng vốn đăng ký đạt lần lượt là gần 1,16 tỉ đô la (giảm 61,3%) và gần 481 triệu đô la (tăng 28,3%).
Về đối tác đầu tư, trong 82 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam, Singapore vẫn dẫn đầu với tổng vốn đầu tư hơn 2,53 tỉ đô la, chiếm hơn 23,3% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam; Nhật Bản đứng thứ hai với gần 2,1 tỉ đô la, chiếm gần 19,1% tổng vốn đầu tư, gấp gần 2,2 lần so với cùng kỳ.
Về địa bàn, Hà Nội đang dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký thu hút được gần 1,87 tỉ đô la, chiếm gần 17,2% tổng vốn đầu tư đăng ký và tăng gấp gần 2,7 lần so với cùng kỳ năm 2021. Tiếp theo là Bắc Giang, TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai…