(KTSG Online) – Theo các chuyên gia, nhà đầu tư nước ngoài mong muốn TPHCM sẽ cải cách nhiều hơn trong thủ tục hành chính, môi trường đầu tư, tạo thuận lợi cho các hoạt động đầu tư được triển khai nhanh chóng, ít tốn kém chi phí...từ đó, thu hút được nhiều nhân lực và nguồn vốn từ các quốc gia đổ về các lĩnh vực kinh tế.
- Ba đột phá chiến lược cụ thể để triển khai cơ chế đặc thù của TPHCM
- TPHCM lên phương án đưa nghị quyết về cơ chế đặc thù vào thực tế
TPHCM nằm trong nhóm các địa phương dẫn đầu về thu hút vốn đầu tư nước ngoài của cả nước. Theo số liệu của Cục Thống kê TPHCM, 6 tháng đầu năm 2023, thành phố thu hút tổng số vốn đầu tư nước ngoài đạt 2,8 tỉ USD, tăng 30,7% so với cùng kỳ. Vốn FDI vào TPHCM tăng mạnh trong 6 tháng đầu năm đã cho thấy tình hình kinh tế của TP có sự khởi sắc trong quí 2 sau khi giảm sâu ở quí trước đó.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM, thành phố đang xây dựng Đề án thu hút vốn đầu tư nước ngoài giai đoạn 2023-2025 tầm nhìn 2030 nhằm hướng tới nhà đầu tư chiến lược (rót vốn từ 30.000 tỉ đồng cho dự án thông thường hoặc từ 3.000 tỉ đồng vào dự án nghiên cứu đổi mới sáng tạo). Đề án này kỳ vọng đến năm 2025 thu hút trên 50 dự án công nghệ cao với ít nhất một tập đoàn công nghệ cao tên tuổi lớn, tổng vốn đầu tư ít nhất đạt 3 tỉ đô la Mỹ.
Đồng thời, mục tiêu là tỷ lệ vốn đăng ký đầu tư của nhóm nhà đầu tư trọng điểm đạt 70% tổng vốn giai đoạn 2023-2025. Ưu tiên các tập đoàn đa quốc gia liên kết với doanh nghiệp trong nước hình thành và phát triển cụm liên kết ngành theo từng chuỗi giá trị.
Như vậy, bài toán đặt ra là làm thế nào để giữ vững vị thế “hấp dẫn” đối với các nhà đầu tư nước ngoài khi thực hiện mục tiêu này, đặc biệt từ năm 2024, chính sách Thuế tối thiểu toàn cầu (GMT) sẽ áp dụng cho 141 quốc gia, bao gồm cả Việt Nam, khiến cho các lợi thế về ưu đãi thuế không còn?
Đóng góp ý tưởng, giải pháp cho vấn đề này, vừa qua, tại tọa đàm "TP HCM cần cơ chế đặc thù ra sao để phát triển trung tâm tài chính quốc tế?" do Tạp chí Kinh tế Sài Gòn tổ chức, ông Trần Nhật Khanh, Giám đốc điều hành quỹ đầu tư Touchstone Partners cho biết hiện nay để các nhà đầu tư nước ngoài, nhất là những doanh nghiệp khởi nghiệp vào Việt Nam, việc xin phép là một quá trình dài, có khi mất 3-6 tháng.
Do đó, các doanh nghiệp mong muốn được ưu tiên để có thể rút ngắn quá trình tìm hiểu thay vì 2 tháng sẽ chỉ còn 1-2 tuần hoặc có thông tin về sách trắng, danh sách những nhà đầu tư nào, ngành nghề nào đang kêu gọi đầu tư để việc đầu tư trở nên dễ dàng hơn.
TPHCM cũng cần thủ tục hành chính cụ thể, rõ ràng, bao gồm cả khung pháp lý cho việc gọi vốn đầu tư vào các lĩnh vực mới. Bên cạnh đó, đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ đổi mới sáng tạo, cần miễn, giảm thuế thu nhập cá nhân cho các chuyên gia.
Ông Khanh dẫn chứng một nhà khoa học về trí tuệ nhân tạo (AI) có thu nhập 500.000 - 700.000 đô la Mỹ/năm tại Mỹ, nhưng về Việt Nam chỉ nhận khoảng một nửa và bị trừ thêm 35% thuế thu nhập cá nhân. Hay tại Singapore, chính phủ đầu tư mồi vào các quỹ đầu tư mạo hiểm, quỹ đầu tư tư nhân. Theo đó, thành phố có thể thử nghiệm đầu tư tiền mặt, ưu đãi thuế phí... để giúp doanh nghiệp khởi nghiệp.
So sánh với Singapore, TS Nguyễn Hữu Huân, trưởng bộ môn tài chính Trường đại học Kinh tế TPHCM nhận định hiện TPHCM có một số điểm nổi trội như thuế thu nhập doanh nghiệp ở Singapore nằm mức 17% (chưa bao gồm chính sách khuyến khích doanh nghiệp khởi nghiệp), tại Việt Nam là 20% - chênh lệch không quá nhiều nếu giảm thuế. Chi phí thành lập doanh nghiệp ở Việt Nam nằm mức 5 triệu đồng, trong khi ở Singapore hơn 120 triệu đồng.
Một ví dụ khác là ở Singapore, khi mở doanh nghiệp, phải có người bản xứ làm giám đốc, tốn tiền thuê. Chi phí duy trì một doanh nghiệp ở quốc gia này khoảng 10.000 - 20.000 đô la Mỹ, còn ở Việt Nam khoảng 2.000 - 3.000 đô la. Ngoài ra, Việt Nam cũng có lợi thế cạnh tranh về chi phí, chẳng hạn phí chuyển tiền ở các ngân hàng đang tiệm cận về 0. Còn doanh nghiệp ở Singapore, mọi chi phí đều tính bằng tiền. Dù Singapore có thuế thấp, nhưng phí dịch vụ cao.
“Hệ thống tài chính của nước ta cũng khá năng động so với nhiều nước phát triển. Hiện nay người dân có thể chuyển tiền 24/7 nhanh chóng, không nhiều nước làm được. Điều quan trọng, ngoài hút vốn ngoại, TPHCM cũng cần tạo ra hệ sinh thái để doanh nghiệp ngoại thành lập tại Việt Nam và cùng phát triển. Trong đó doanh nghiệp được luân chuyển dòng vốn tự do”, TS Nguyễn Hữu Huân đề xuất.
Bổ sung thêm giải pháp gỡ khó cho nhà đầu tư ngoại, TS. Phùng Hương Giang, chuyên gia thuộc tổ chức AVSE Global cho rằng để nhà đầu tư yên tâm đầu tư vào thành phố hơn thì cần phải tiếp tục thay đổi khung pháp lý, môi trường.
Theo bà Giang, từ kinh nghiệp.nghiệm quốc tế Việt Nam nên nghiên cứu tăng cường khung pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho các khoản đầu tư mạo hiểm tư nhân. Ngoài ra, Chính phủ cũng có thể sử dụng vốn đầu tư mạo hiểm bổ sung cho các công ty khởi nghiệp có vai trò quan trọng tầm quốc gia nhưng không thu hút được đầu tư từ khối tư nhân. Đầu tư mạo hiểm không chỉ là tiền mà còn là công nghệ, quản lý…cung cấp ở nhiều giai đoạn khác nhau trong quá trình phát triển doanh nghiệp.
Còn theo ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Khối nghiên cứu và phát triển, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam, cần có chính sách cho phép nhà đầu tư nước ngoài mở tài khoản chứng khoán dễ hơn, cho phép tăng giới hạn tỷ lệ sở hữu (room) của nhà đầu tư nước ngoài và giảm nhóm ngành nghề hạn chế nhà đầu tư nước ngoài để thu hút họ tham gia thị trường chứng khoán.
Ngoài ra, ông Minh cũng cho rằng cần sớm có quy định cho phép doanh nghiệp đầu tư nước ngoài niêm yết cổ phiếu. Trong giai đoạn đầu, có thể áp dụng cơ chế phân loại nhóm để cho một số doanh nghiệp đáp ứng tiêu chuẩn có thể niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Đây là cơ chế vừa góp phần tạo thêm dòng vốn cho doanh nghiệp nước ngoài, vừa góp phần tăng thêm hàng hoá có chất lượng tốt cho thị trường chứng khoán Việt Nam.