(KTSG Online) - Theo số liệu thống kê năm 2023, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên đạt 52,4 triệu người, tăng 666.500 người so với năm trước. Lao động ở khu vực thành thị là 19,5 triệu người, chiếm 37,3%; trong đó nữ là 24,5 triệu người, chiếm 46,7% lực lượng lao động của cả nước.
Trong năm qua, lao động có việc làm đạt 51,3 triệu người, tăng 683.000 người (tương ứng tăng 1,35%) so với năm 2022. Số lao động có việc làm ghi nhận tăng ở cả khu vực thành thị và nông thôn cũng như ở nam giới và nữ giới, số lao động có việc làm ở khu vực thành thị là 19 triệu người, tăng 1,8%; lao động ở khu vực nông thôn là 32,3 triệu người, tăng 1,1%; số lao động có việc làm ở nam giới đạt 27,3 triệu người, tăng 1,4%, cao hơn mức tăng ở nữ 0,1 điểm phần trăm (1,4 điểm phần trăm so với 1,3 điểm phần trăm).
Tính chung năm 2023, thu nhập bình quân tháng của người lao động là 7,1 triệu đồng, tăng 6,9%, tương ứng tăng 459.000 đồng so với năm 2022. Thu nhập bình quân tháng của lao động nam là 8,1 triệu đồng, cao gấp 1,36 lần thu nhập bình quân tháng của lao động nữ (6 triệu đồng). Thu nhập bình quân của lao động ở khu vực thành thị cao gấp 1,4 lần khu vực nông thôn (8,7 triệu đồng so với 6,2 triệu đồng).
Vòng quay/ vòng xoáy cuộc đời : Lương và thu nhập/ Phúc lợi và an sinh / Môi trường làm việc/ Gia đình và con cái. Ít ai dám khẳng định mình sẽ suôn sẻ suốt cả cuộc đời “Cơm áo gạo tiền”, nhất là trong bối cảnh khó khăn như hiện nay. Công chức, nếu lương ba cọc ba đồng, thì làm sao yên tâm công tác và bảo vệ được tính liêm chính? Người lao động, nếu chỉ bám sát vào mức lương tối thiểu lạc hậu để chi trả thu nhập, thì làm sao tái tạo năng lượng tinh thần, vật chất nhằm gia tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả cho phát triển kinh tế xã hội? Hàng loạt câu hỏi cần phải trả lời để giải đáp bài toán duy trì và nâng cao mức sống của nhân dân đang đặt ra rất bức xúc. Nếu không, tăng trưởng kinh tế sẽ mãi chỉ là những con số thiếu thuyết phục.