(KTSG) - Đầu tháng Chín ta, trời Sài Gòn rượi mát, dễ chịu hơn cái mát từ toa tàu có máy điều hòa tôi vừa rời khỏi. Chở tôi qua một đoạn đường ngắn, anh xe ôm bỗng dừng lại khi cơn mưa ập đến. “Mấy rày chiều nào cũng mưa, tối lại cũng mưa” - anh nói khi lấy ra từ cốp xe hai áo mưa, đưa cho tôi một cái. Cơn mưa kéo dài chỉ hơn mười lăm phút, khi tôi xuống xe, khoảng 4 giờ chiều, trời trở lại mát lành, mây vẫn còn lổ chổ, chỉ có phía Tây là sáng rạng với những mảng trời xanh hừng sắc ráng vàng.
- Sông Sài Gòn - động lực tăng trưởng xanh, bền vững của TPHCM
- Kinh nghiệm khai thác giá trị từ đất ở TPHCM: Phát triển khu Nam Sài Gòn
Buổi sớm mai của những ngày tiếp theo, tôi đã nghe cái lạnh mơn man từ những ngọn gió Nam gió Tây - đôi khi có thêm một chút gió Đông - hòa nhập. Lội bộ trên đường, tôi thử hóa đồng ngọn gió hợp lưu vốn sóng đôi với mùa mưa của đất phương Nam còn kéo dài khoảng chừng hơn hai tháng nữa này với ngọn heo may - ngọn thu phong nền nã của quê xứ miền Trung miền Bắc. Không biết cư dân nơi mảnh đất đô hội, lại hưởng được một vùng mưa nắng không cam go, khắc nghiệt như ở miền ngoài này có thấy cái mát lạnh dịu êm, mà mượt từ ngọn gió của mùa mưa nơi xứ sở của mình là nét yêu kiều như cư dân miền ngoài với ngọn heo may?
Nhưng phải đâu ở tiết vãn thu Sài Gòn mới có chút se lạnh vờn vã sớm chiều từ những làn gió nhẹ cùng những cơn mưa thoắt đến thoắt đi. Ngay giữa mùa hè, Sài Gòn vẫn có nét thu - một ít thôi nhưng lại rất biểu trưng cho cái tiết mùa được cho là rất nên thơ, quyến rũ. Tôi vẫn không quên sự hứng khởi khi nhận ra cái khác lạ của tiết mùa ở đây khi lần đầu đến đô thành này vào dịp tháng Năm ta. Xế chiều, khi tôi đang cưỡi xe đạp trên đường thì cơn mưa bất chợt đổ xuống. Cơn mưa ngắn đi qua, tôi bỗng giật mình nhận ra cái vẻ đẹp không ngờ thấy được của một trời thu tỏa ra ngan ngát. Nắng dịu êm, những bóng râm lơi lả từ những áng mây che, những khoảng không lộ ra trông thẳm xanh hơn, phía chân trời đùn lên những đụn mây bạc. Và gió Nam gió Tây gờn nhẹ chẳng mấy khác ngọn heo may. Nắng chiều tỏa lên sông Sài Gòn, tỏa lên những cụm lục bình xanh ngát chở những bông hoa tím nhạt. Và mù sương. Từ hướng cầu Sài Gòn nhìn ra phố phường bốn phía thấy lãng đãng một màu sương khói mênh mang dưới ánh nắng nhạt mờ vời vợi. Một cõi thu ngay giữa Sài-Gòn-mùa-mưa!
Cảm thu giữa hạ, tôi nhận cái cung trầm sâu lắng của (cố) thi sĩ Nguyên Sa khi ông nói về thu Sài Gòn trong bài tình thi trác tuyệt Áo lụa Hà Đông của ông. Chưa nhiều người nói về thu Sài Gòn, và tuyệt vời thay, một tài thơ như ông đã nói đến, dù ít: Anh vẫn nhớ em ngồi đây tóc ngắn/Mà mùa thu dài lắm ở chung quanh. Cái mùa thu trong thi phẩm diễn ra bên cái gay gắt của nắng Sài Gòn mùa hạ - Nguyên Sa viết bài thơ này vào tháng 5-1957 - cũng như nắng tháng Tám nám trái bưởi của miền ngoài. Có thể nhà thơ nói về mùa thu của tâm tưởng, nhưng làm sao nhà thơ không dạt dào tình ý với những nét thu hiển hiện của một trời thu (Sài Gòn) chợt nắng, chợt mưa, với gió mây, sông nước, với khói sương, với lá vàng rơi… bày ra cùng khắp ở chung quanh.
Và phải đâu chỉ văn nhân, nghệ sĩ - những người được coi là con của nòi tình(*) mới nặng lòng, mới lưu luyến với mùa thu. Tôi đã dừng lại với những người đẩy xe hàng bán dạo, những công nhân, những sinh viên bách bộ bên đường, kẻ đăm mắt nhìn một vạt trời xanh hửng nắng sau mưa, người nhìn cụm bèo duềnh bên sông rộng, ai cũng với vẻ mặt đầy biểu cảm. Qua trò chuyện, họ đã tỏ cùng tôi những cảm nhận của họ về cái hiền hòa, êm thấm của mưa nắng ở đây, “Mưa chiều, mới tháng Năm mà cứ giống như là tháng Tám ở ngoài quê!” “Gió mai, gió chiều sau mưa đều hiu hiu không khác chi gió thu ở ngoài mình!” - tôi vẫn nhớ lời họ nói.
Có lẽ mùa thu Sài Gòn được nhận ra rõ nét, tạo nên những cảm xúc sâu đằm với những người ở miền xa đến - nhất là từ miền ngoài, nơi có mùa thu với gió heo may, ngày với tiếng chim chành chạch (chàng ràng), đêm với tiếng vạc ăn sương.
Xin đa tạ thiên nhiên đã cho vùng đất này có một mùa thu đến sớm và kéo dài hơn để những người đến đây mưu sinh nuôi dưỡng được những cảm xúc tốt lành.
(*) Từ ngữ của danh sĩ Chu Mạnh Trinh (1862-1905)