Thứ Ba, 23/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Thu phí sử dụng đường bộ của xe máy ở mức 0 đồng được không?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Thu phí sử dụng đường bộ của xe máy ở mức 0 đồng được không?

Quang Chung

Thu phí sử dụng đường bộ của xe máy ở mức 0 đồng được không?
Thu phí sử dụng đường bộ đối với xe máy hay không là do HĐND các tỉnh thành quyết định. Ảnh: Xe máy trên phà Cát Lái. TPHCM (Quang Chung)

(TBKTSG Online) – Quyền quyết định thu phí sử dụng đường bộ đối với xe máy – loại phí mà người dân không thuận, chính quyền băn khoăn này – nằm trong tay ai?

Tại kỳ họp HĐND TPHCM đang diễn ra, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND, cho biết, “dù rất băn khăn” nhưng chính quyền TPHCM vẫn phải thu phí sử dụng đường bộ đối với xe máy vì HĐND không có quyền quyết định thu hay không thu loại phí còn nhiều tranh cãi này.

Thường trực HĐND TPHCM cũng thừa nhận phí sử dụng đường bộ đối với xe máy không được cử tri đồng thuận, nhiều địa phương đã dừng thu, và ngay cả Bộ Giao thông vận tải cũng đã kiến nghị Chính phủ bỏ loại phí này… nhưng nghị định của chính phủ và nghị quyết của HĐND không vì thế mà mất hiệu lực.

Theo nghị định 18 (2012) của Chính phủ, quy định về Quỹ bảo trì đường bộ, thì “phí sử dụng đường bộ thu được đối với mô tô tại địa phương nào thì bổ sung vào quỹ của địa phương đó” – điều 6.1. Và địa phương được quyền “ban hành mức thu phí sử dụng đường bộ được thu hàng năm trên đầu phương tiện đối với xe mô tô do Bộ Tài chính ban hành”.

Thực tế nghị định 18 đã có hiệu lực từ 1-6-2012 nhưng phải chờ thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính. Ngày 1-1-2013, thông tư 197 hướng dẫn nghị định 18 có hiệu lực. Theo đó, mức thu phí sử dụng đường bộ đối với mô tô có dung tích xi-lanh từ 50 – 100cm3 (phân khối) giao động từ 50 – 100 nghìn đồng/xe/năm; mô tô trên 100 cm3 giao động từ 100 – 150 đồng.xe/năm (Phụ lục số 1.4).

Căn cứ vào thông tư 197 nhiều địa phương đã tổ chức thu phí sử dụng đường bộ đối với xe máy. Nhưng vì nhận thấy các địa phương [khác] thu loại phí này không được bao nhiêu mà chi phí hành thu quá lớn nên chính quyền TPHCM do dự chưa triển khai nghị định 18. Đến cuối năm 2014, HĐND thành phố mới ra nghị quyết 31 về việc tổ chức thu loại phí này.

Nghị quyết của HĐND thành phố dựa vào thông tư 197 quy định cụ thể mức thu phí sử dụng đường bộ đối với xe máy như sau: xe có dung tích xi-lanh đến 100cm3 là 50 nghìn đồng/xe/năm; xe từ trên 100 đến 175cm3 là 100 ngàn đồng/xe/năm; và xe trên 175cm3 là 150 ngàn đồng/xe/năm.

Tuy nhiên, dù đã có nghị quyết nhưng TPHCM vẫn chưa thực hiện việc thu phí sử dụng đường bộ đối với xe máy. Đến tháng 6-2015 quận 9 là địa phương đầu tiên tại TPHCM tổ chức thu loại phí này, nhưng thu chưa được một tháng thì dừng, chờ… Vì, cũng trong tháng này, ngày 18-6, bên hành lang Quốc hội bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND TPHCM và ông Đinh La Thăng, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải đã có cuộc “đối chất” khá thú vị về vấn đề thu phí sử dụng đường bộ đối với xe máy.

“Đối đáp” giữa ông Thăng và bà Tâm được tờ Tuổi Trẻ tường thuận lại [lúc đó] cho thấy, trong lúc bà Tâm không muốn TPHCM thực hiện việc thu loại phí này, muốn bỏ, “vì nó không hợp lý, thiếu công bằng, khó quản lý và đặc biệt là chi phí hành thu cao”; thì ông Thăng đơn giản nói: “Tôi xin khẳng định là quy định hiện hành cho phép HĐND TPHCM thu phí xe máy với mức 0 đồng”.

Theo ông Thăng, quy định mức tối thiểu (50.000 đồng) và mức tối đa (150.000 đồng) thu phí sử dụng đường bộ đối với xe máy là quy định cũ; quy định mới không xác định mức tối thiểu, có nghĩa, HĐND các tỉnh, thành có quyền quyết định mức thu bằng 0, tức là không thu tiền, đồng thời cũng có quyền quyết định đối tượng thu, có quyền miễn thu đối với người nghèo, người sinh sống ở vùng sâu, vùng xa.

Nghe ông Thăng xong, bà Tâm nói: “Khi HĐND TPHCM quyết định mức thu này thì căn cứ theo quyết định mới nhất của Bộ Tài chính. Có thể khi dư luận lên tiếng thì đã có sửa đổi. Nếu có quy định mới như vậy thì tôi nghĩ nhất định là HĐND TPHCM sẽ quyết định mức thu bằng 0 đồng”.

Thực ra, cái “quy định mới” mà ông Thăng nhắc đến đó là thông tư 133 được Bộ Tài chính ban hành ngày 11-9-2014 (thay thế cho thông tư 197 trước đó), tức là thông tư này có trước nghị quyết 31của HĐND TPHCM. Theo thông tư 133 (hướng dẫn chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng quỹ đường bộ thu theo đầu phương tiện) thì mức thu phí này (Phụ lục số 3) không có quy định mức tối thiểu, có nghĩa là HĐND các tỉnh, thành hoàn toàn có thẩm quyền để áp dụng mức phí bằng 0 đồng.

Tuy nhiên, trong kỳ họp HĐND TPHCM đang diễn ra, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm thừa nhận thông tư 133 không quy định mức thu phí tối thiểu nhưng lại cho rằng không có hướng dẫn mức thu phí bằng 0 đồng nên không thể thực hiện…

Luật sư Lê Thành Kính, Trưởng văn phòng luật sư Lê Nguyễn, cho rằng, với quy định của nghị định 18 (địa phương được quyền “ban hành mức thu phí sử dụng đường bộ được thu hành năm trên đầu phương tiện đối với xe mô tô do Bộ Tài chính ban hành”) và thông tư 133 (không quy định mức tối thiểu) thì HĐND TPHCM hoàn toàn có quyền quyết định thu với mức phí là 0 đồng.

Xem thêm:

Kiến nghị dừng thu phí đường bộ xe máy từ 1-1-2016

TPHCM: 352 dự án đầu tư công có thể bị treo

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới