Chủ Nhật, 26/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Thu phí tự động sân bay có thể làm nhanh hơn không?

Mục Nhĩ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Phải mất hơn một năm từ ngày đưa ra đề xuất và thông qua tới 6 bộ ngành thì việc thu phí tự động (ETC) xe ô tô ra vào sân bay mới bắt đầu được áp dụng từ Tết này. Không rõ tại sao với gần 5 triệu xe đã dán thẻ ETC và công nghệ thu phí đã có sẵn mà việc triển khai ở sân bay lại nhiêu khê như vậy?

Từ chiều 6-2 (27 Tết), hai sân bay Tân Sơn Nhất (TPHCM) và Nội Bài (Hà Nội) đã đưa hệ thống thu phí tự động (ETC) vào hoạt động. Tuy nhiên, việc thu phí tự động này ở cả hai sân bay chỉ ở mức độ thử nghiệm cho một làn xe, còn lại 5 làn vẫn thu phí thủ công như cũ.

Kết quả ngày đầu hệ thống ETC ở sân bay đi vào hoạt động cho thấy mỗi xe đi qua chỉ mất khoảng 5-10 giây, nhanh hơn nhiều so với việc thu phí thủ công bằng tiền mặt qua vé gởi xe như hiện nay(1). Trong mùa cao điểm Tết, việc thu phí tự động sẽ giảm đáng kể tình trạng ùn tắc xe hiện nay ở cả hai đầu ra vào sân bay.

Theo số liệu của Bộ Giao thông Vận tải thì đến quí 4 -2023 cả nước có 5 triệu ô tô (chiếm 96%) đã dán thẻ ETC. Trước đó, từ tháng 8-2022, toàn bộ các trạm thu phí cao tốc đã chuyển sang thu tự động qua thẻ ETC.

Với một hạ tầng kỹ thuật sẵn sàng như vậy nhưng việc triển khai thu phí ETC ở các sân bay lại diễn ra khá chậm.

Từ tháng 1-2023, tức cách đây hơn một năm, Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) báo cáo Bộ Giao thông Vận tải về kế hoạch triển khai thu phí ETC xe vào sân bay(2).

Đến đầu tháng 4-2023 thì Cục Đường bộ (Bộ Giao thông Vận tải) báo cáo về vướng mắc cơ sở pháp lý do quy định tài khoản giao thông dùng với thẻ ETC chỉ được sử dụng để trả phí dịch vụ sử dụng đường bộ, chưa có quy định dùng để trả phí giữ xe, đậu xe(3).

Sau đó, mãi đến tháng 10-2023, Bộ Giao thông Vận tải mới hoàn thành việc lấy ý kiến của 6 bộ, ngành liên quan đến việc điều chỉnh mở rộng quy định cho phép dùng tài khoản giao thông với thẻ ETC để trả phí đậu xe, giữ xe(4).

Dù chỉ vướng mắc về quy định mục đích sử dụng tài khoản giao thông, một tiện ích cần thiết cho người dân lẽ ra có thể cung cấp nhanh thì phải mất hàng năm trời mới được áp dụng ở mức độ thử nghiệm.

Trong khi đó, việc bổ sung quy định lại không phức tạp vì văn bản gây vướng là Quyết định số 19/2020 của Chính phủ, không phải là các văn bản phải thông qua quy trình sửa luật tại Quốc hội.

Việc chỉ bổ sung quy định cho mục đích sử dụng tài khoản giao thông mà phải mất hơn một năm và thông qua ý kiến tới 6 bộ ngành liệu có quá phức tạp và kéo dài?

-----------------------

(1) https://www.vietnamplus.vn/ghi-nhan-tai-san-bay-tan-son-nhat-ngay-dau-thu-nghiem-thu-phi-tu-dong-khong-dung-post926934.vnp

(2) https://kinhtedothi.vn/thu-phi-khong-dung-o-san-bay-tot-nhung-can-than-trong.html

(3) https://thanhnien.vn/san-bay-muon-thu-phi-khong-dung-cung-kho-185230412114500383.htm

(4) https://tuoitre.vn/thu-phi-khong-dung-vao-san-bay-6-bo-nganh-khong-phan-doi-20231011145707109.htm

2 BÌNH LUẬN

  1. Hành chính. Hành trình nhiêu khê là chính. Đây là lý do cấp bách, vì sao cần thiết phải cải cách hành chính, mạnh mẽ, thực chất hơn nữa. Trước hết, là tinh giản bộ máy bộ ngành, giảm mạnh về số lượng, tăng nhanh chất lượng, hiệu quả công việc, nhất là khâu phân quyền phân cấp cho địa phương.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới