Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Thu phí vào phố cổ, nhìn từ góc độ truyền thông

Quỳnh Thư

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Cho đến hôm nay khi bài này được đăng, cả hai “phe” có ý kiến trái ngược nhau về chuyện bán vé cho du khách đến phố cổ Hội An vẫn khăng khăng quan điểm của mình, theo như tường thuật của báo chí.

Hôm qua, 5-4, báo mạng VietNamNet dẫn lời một vị lãnh đạo thành phố Hội An cho rằng “mục đích cuối cùng là kiểm soát khách đoàn và du khách lẻ đến phố cổ Hội An, giúp nâng cao chất lượng dịch vụ cho du khách”(1).

“Tôi phải khẳng định, việc mua vé khi tham quan khu phố cổ đã diễn ra từ lâu. Thành phố sẽ thu phí các đoàn khách đi theo tour, một số khách chi tiền vé trong tour nhưng đơn vị lữ hành không mua vé khiến khách thiệt thòi(2),” vị này nói.

Về phía chính quyền Hội An, vốn giải thích rằng tiền bán vé được dùng để tôn tạo phố cổ, lý do phải thực hiện việc thu phí nói trên đã rõ ràng và tỏ rõ quyết tâm của họ. Đây là điều dễ hiểu. 

Ở phía ngược lại, nhiều độc giả Việt của các báo và người tham gia các mạng xã hội – không rõ có đến Hội An hay chưa – phản đối rất dữ dội. Có người còn nói cách làm như vậy là “tận thu”, không có lợi trên bình diện toàn xã hội, thậm chí còn ngăn cản quyền lợi của người dân được tự do tham quan một di tích trên chính đất nước mình. Phản đối của họ cũng là điều dễ hiểu.

Vậy ai đúng, ai sai? Cũng khó nói, vì ai cũng đứng trên quan điểm của mình.

Thực ra, chuyện bán vé tham quan, hay nói cách khác là thu phí, cho du khách vào phố cổ Hội An đâu phải là chuyện gì mới. Nói cho cùng, kế hoạch lần này là tăng cường hiệu lực của việc bán vé, đặc biệt nhắm đến các công ty du lịch “trốn” mua vé cho khách của mình.

Đó là cách hiểu của người viết bài này qua những gì báo chí đã tường thuật từ chính quyền Hội An. Không biết suy nghĩ như vậy có đúng không, nhưng theo người viết, cách làm này cho đến nay chưa hẳn là đã hay về mặt truyền thông có lợi cho danh tiếng của Hội An.

Thử nghĩ, nếu bạn là một du khách muốn thăm viếng một nơi nào đó mà nghe nói mình sẽ bị “phân luồng”, thì bạn sẽ thấy thế nào? Du khách Việt, và du khách nước nào cũng vậy, nghĩ đến chuyện mình bị “phân luồng”, chắc ít nhiều cũng cảm thấy “dị ứng”. “Nhuệ khí” muốn đi thăm nếu không giảm đi mất một nửa thì chí ít cũng đôi phần.

Bạn đi du lịch, dù là “khách đoàn” hay “du khách lẻ”, mà tự nhiên nghe nói sẽ “bị kiểm soát”, thử hỏi bạn có còn giữ được nguyên vẹn hứng thú hay không? Lẽ ra, đó chỉ nên là chuyện nội bộ, đóng cửa bảo nhau, vì khi du khách nghe được, chắc ít nhiều cũng cảm thấy “dị ứng”.

Mà khi nói đến chuyện đi thăm Hội An, người ta lại cảm thấy “dị ứng”, điều đó nên được xem là một thất bại hơn là thành công.

Trên thực tế, những gì đang xảy ra đối với độc giả trong nước qua các cuộc thăm dò bỏ túi trên các báo đã cho thấy điều đó. Ví dụ, thăm dò của VietNamNet đến rạng sáng hôm nay, 6-4, cho thấy có đến 95% bạn đọc không đồng tình(3). Rất nhiều ý kiến phản hồi (comment) bày tỏ sự bực bội.

Vị lãnh đạo của Hội An được dẫn lời phía trên có lẽ cũng lường trước được phản ứng này nên đã nói với một tờ báo mạng khác như sau: “Hội An là một ‘di sản sống’ nên việc thu phí bước đầu chắc chắn khó khăn. Lượng khách sẽ giảm những đó là điều chúng tôi cần chấp nhận”(4).

Tiên liệu này không có gì sai. Có điều, thu được tiền cho phố cổ mà hệ lụy lại làm giảm sút nguồn thu cho người địa phương từ du khách, thì đó cũng là điều không nên. Người ta đã chứng minh rằng hiệu ứng lan tỏa cho kinh tế đia phương từ tiêu xài của du khách thường lớn hơn nhiều so với số tiền thu được từ bán vé cho một di tích nào đó.

Người Việt chúng ta vẫn than phiền vì sao phần nhiều khách quốc tế đến Việt Nam “một đi không trở lại”. Một câu trả lời khả dĩ cho câu hỏi này là hãy làm cho Việt Nam thân thiện hơn trong mắt du khách.

Hội An cũng vậy thôi! Hãy làm cho Hội An thân thiện hơn trong mắt du khách. Cố gắng này sẽ hiệu quả gấp bội phần chuyện “đảm bảo công bằng giữa du khách mua vé và du khách không mua vé”(5).

Cuối cùng, xin hỏi về sự thích hợp của thời điểm thực hiện kế hoạch tăng cường hiệu lực bán vé du khách thăm phố cổ Hội An. Trong khi cả Việt Nam nói chung và các địa phương trong nước nói riêng vẫn đang cố gắng thu hút khách du lịch trở lại, thì nguyên cớ gì Hội An lại đưa ra kế hoạch này vào thời điểm này? Theo Tổng cục Thống kê, khách quốc tế đến Việt Nam đã tăng trở lại, nhưng “vẫn còn khoảng cách khá xa so với thời điểm trước dịch”(5). Sao Hội An không chọn một thời điểm thích hợp hơn?

Chính quyền Hội An đã nói với báo chí sẽ “chốt phương án cuối cùng trong thời gian tới”. Mong rằng “phương án cuối cùng đó” sẽ thỏa đáng để Hội An vẫn là một điểm đến thân thiện trong mắt mọi du khách – người nước ngoài cũng như người Việt.

…………..

(1), (2), (3), (5)https://vietnamnet.vn/tranh-cai-thu-ve-vao-pho-co-hoi-an-chu-tich-thanh-pho-khang-dinh-van-lam-2129017.html

(4)https://vnexpress.net/y-kien-trai-chieu-ve-thu-phi-vao-pho-co-hoi-an-4589280.html

(5)https://soha.vn/khach-quoc-te-den-viet-nam-chi-1200-usd-trong-khi-den-thai-lan-tieu-2500-usd-viet-nam-can-lam-gi-20230404183852838.htm

3 BÌNH LUẬN

  1. Trước khi nghĩ đến việc thu phí, hãy nghĩ đến việc làm sao biến Hội An thực sự trở thành một di sản, một điểm đến hạnh phúc, cho cả người định cư lẫn người đến du lịch, tham quan. Nghĩa là phải đầu tư tinh thần và vật chất, xây dựng được thương hiệu đặc sắc, riêng có của mình. Hiện nay chung quanh vùng phụ cận, cả bên trong nội thành, đã bị beton hóa khắp nơi, khách sạn, nhà hàng dày đặc… không chừng sẽ biến Hội An thành một ốc địa, xơ cứng và hổ lốn? Bhutan là một ví dụ. Họ cấp quota để hạn chế lượng khách đến, thu phí cao với du khách, nhưng không hiểu sao thiên hạn vẫn cứ thiết tha muốn đến đó? Đơn giản, đó là một thương hiệu duy nhất, khác biệt. Chỉ Bhutan mới có Chỉ số tổng hạnh phúc quốc gia (GNH), trong khi nước nào cũng sử dụng chỉ số GDP.

  2. Một khi dạng tư duy “ăn xổi ở thì”, “tay không bắt giặc”, “chụp giựt đánh quả” trở nên phổ biến thì hậu họa là khó lường. Kiểu suy nghĩ này có thể chi phối mọi lĩnh vực, từ kinh tế, xã hội, văn hóa, đến nghệ thuật… tất yếu sẽ dẫn đến hủy hoại mọi nỗ lực xây dựng nền tảng phát triển bền vững. Phải thấu hiểu một điều rằng, sẽ không có cái gì đáng giá nếu không có sự đầu tư, kể cả sự hi sinh xứng đáng. Di sản, trước hết là của cải trời cho. Nhưng di sản sẽ vô ích, trở thành di tích, hoang phế theo thời gian, nếu không có bàn tay và khối óc con người biết bảo tồn và phát triển. Tệ hơn nữa, di sản sẽ bị thiên hạ tẩy chay một khi được mang ra để thương mại hóa một cách phi văn hóa, không thương tiếc. Thu phí cũng là một phương cách tốt, nhưng thu phí như thế nào cho mọi người tâm phục khẩu phục mới là tốt nhất.

  3. H.A vẫn còn đỡ nhức mắt. Đến Sapa mới thấy mệt mỏi hơn. Phong cảnh hữu tình vô giá, đã bị bao vây trùng trùng điệp điệp bởi khách sạn, nhà hàng… Không rõ quy hoạch kiểu gì mà vô cùng ngổn ngang và hỗn loạn. Tất cả vì mục tiêu tận thu là chính. Di sản tự nhiên, hoặc nhân tạo, nếu không có tầm nhìn quản lý nhân văn, khoa học và hợp lý, trước sau gì cũng chỉ là phế tích mà thôi.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới