(KTSG XUÂN) - “Người Singapore và cuộc vật lộn với nỗi sợ chỉ ở mức trung bình” (“Singaporeans and their struggle with the fear of being merely average”), đó là nhan đề bài viết của nữ biên tập viên (BTV) nhật báo The Straits Times Lee Su Shyan đăng vài ngày sau khi người dân đảo Sư tử xôn xao về một nghiên cứu vừa được công bố rằng cứ ba thanh thiếu niên thì có một người có triệu chứng đau khổ về tinh thần.
Nghiên cứu được Phó giáo sư John Wong của trường y Yong Loo Lin thuộc Đại học Quốc gia Singapore (NUS Medicine) chủ trì đã khảo sát trên 3.336 đối tượng từ 10-18 tuổi với dữ liệu thu thập từ năm 2020-2022.
Nghiên cứu đầu tiên trên toàn đảo quốc về sức khỏe tâm thần này cho thấy thanh thiếu niên Singapore ngày càng phải đối mặt với những thách thức bao gồm hệ thống văn hóa xã hội ngày càng phát triển, phong cách nuôi dạy con cái ngày càng thay đổi, áp lực trong quan hệ đồng trang lứa, thay đổi môi trường học tập, việc thích nghi với các tác động tâm lý xã hội từ đại dịch Covid-19. Việc tiếp xúc sớm với thế giới kỹ thuật số và dễ dàng tiếp cận nguồn kiến thức không giới hạn là một trong những yếu tố dẫn đến việc thiếu khả năng tự điều chỉnh hành vi và sức khỏe cảm xúc ở giới trẻ.
BTV Lee Su Shyan đưa ra vài ví dụ cụ thể về áp lực dai dẳng đối với thanh thiếu niên Singapore qua kỳ thi tốt nghiệp hàng năm ở bậc tiểu học (PSLE), phổ thông cơ sở (O-Level) rồi tú tài (A-Level). Sau khi thi xong, các em sẽ trải qua thời gian chờ đợi trong tâm trạng vô cùng căng thẳng. Một nữ phụ huynh chia sẻ rằng học sinh trong lớp A-Level của con cô đều im lặng khi mở phiếu kết quả. Là những học sinh xuất sắc nhưng cả khi đạt được một chuỗi điểm A, các em không tỏ ra vui mừng mà chỉ biểu lộ sự nhẹ nhõm.
Theo các nhà tâm lý, những học sinh như vậy phải đối mặt với nguy cơ suy sụp tinh thần cao, vì chỉ cần trượt một lần trong kỳ thi là điểm tuyệt đối sẽ nằm ngoài tầm tay. Và điều trớ trêu là không phải tất cả thanh thiếu niên gặp vấn đề về sức khỏe tâm thần đều là những học sinh giỏi và thất bại nếu không đáp ứng được kỳ vọng của chính mình. Có những học sinh chỉ ở mức trung bình vượt qua kỳ thi với điểm C và D và vài điểm B nổi bật cũng không cảm thấy được coi trọng hay yêu thương.
Theo BTV Lee, những áp lực tâm lý căng thẳng nói trên là hậu quả tất yếu của cái gọi là “văn hóa chủ nghĩa ngoại lệ” (culture of exceptionalism), nơi con người cảm thấy mình có trách nhiệm phải trở nên xuất sắc. Nhận định này nhận được sự đồng tình của nhiều người được cô phỏng vấn. Chẳng hạn như bà Anthea Ong, từng là đại biểu quốc hội và cũng là doanh nhân xã hội sáng lập các tổ chức xã hội như Hush TeaBar, WorkWell Leaders và SG Mental Health Matters, cho rằng thách thức về sức khỏe tâm thần của người Singapore một phần là do hệ thống trọng dụng nhân tài hiện tại trên đảo quốc.
Phần lớn người Singapore đều nghĩ rằng nếu ai cũng có sân chơi bình đẳng với cơ hội như nhau thì bạn chỉ có thể tự trách mình nếu không tiến lên phía trước. Oái oăm thay khi người Singapore tiếp tục theo đuổi thành đạt nhưng sức khỏe tâm thần bị tổn hại. Theo một nghiên cứu mới đây của trường y Duke-NUS và Viện Sức khỏe Tâm thần (IMH), tình trạng sức khỏe tâm thần có thể khiến kinh tế Singapore thiệt hại gần 16 tỉ đô la Singapore hàng năm, tương đương khoảng 2,9% GDP, do tình trạng vắng mặt ở nơi làm việc, giảm năng suất và sử dụng các nguồn lực chăm sóc sức khỏe.
Trong khi đó, ông Shai Ganu, nhà lãnh đạo toàn cầu của Công ty tư vấn, môi giới và cung cấp giải pháp đa quốc gia Willis Towers Watson (WTW) có trụ sở tại Singapore, cho biết mong muốn vượt trội là thách thức nâng cao năng suất đã xuất hiện từ những năm 1980. Với nhân lực là nguồn tài nguyên chủ yếu, cách duy nhất để một nền kinh tế dựa trên tri thức có thể cạnh tranh là đào tạo lại kỹ năng, tiếp thu những kinh nghiệm và kỹ năng mới, đồng thời tiến lên phía trên chuỗi giá trị. Ông nói: “Cuộc đua hướng tới năng suất đầy cảm hứng này là điều đã gây tiếng vang cho Singapore”. Không ai cảm thấy thoải mái khi ở yên một chỗ: người ở mức trung bình phải phấn đấu để ở trên mức trung bình còn người trên trung bình phải hướng lên bầu trời để trở nên xuất sắc.
Hầu hết những người được cô Lee phỏng vấn đều đồng ý với định đề rằng Singapore không thể tiếp tục tồn tại nếu chỉ là một quốc gia trung bình. Thực tế khắc nghiệt của toàn cầu hóa, của áp lực cạnh tranh trên trường thế giới luôn là những lời nhắc nhở không chỉ với người Singapore mà còn cả ở nhiều quốc gia khác trên thế giới.
Thật vậy, giờ đây, trước viễn cảnh trí thông minh nhân tạo (AI) có thể thay thế hàng loạt lao động có kỹ năng để tạo năng suất cao hơn, đã bắt đầu xuất hiện một nỗi sợ ghê gớm khác mà người lao động ở nhiều quốc gia trên thế giới phải đối đầu. Nỗi sợ này là một trong những chủ đề nổi bật được nêu lên trong Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) tổ chức tại Davos, Thụy Sỹ hồi đầu năm 2024 với cái thuật ngữ ngắn gọn là Fobo - Fear Of Being Obsolete (tạm dịch: “Nỗi sợ bị lỗi thời”), tức là nỗi lo của người lao động khi bị công nghệ hay AI thay thế. Các đại biểu đặc biệt quan tâm đến một cuộc thăm dò gần đây của Viện Gallup (Mỹ) cho thấy mức độ Fobo ngày càng tăng trong lực lượng lao động không phân biệt già hay trẻ và bao gồm cả những người đã tốt nghiệp đại học và có bằng cấp cao.
Theo các đại biểu, trước thách thức Fobo, người lao động không có lựa chọn nào khác là phải học hỏi và trang bị các kỹ năng liên quan đến AI. Tuy nhiên, kỹ năng con người vẫn là trên hết bởi AI chỉ đứng thứ ba trong danh sách các kỹ năng mong muốn đối với người lao động vào năm 2027, xếp sau tư duy phân tích và sáng tạo. Điều này nhấn mạnh giá trị lâu dài của khả năng độc đáo của con người, ngay cả trong một thế giới ngày càng tự động hóa.
Lời đáp cho câu hỏi làm thế nào để vượt qua những nỗi sợ nói trên và tiếp tục tồn tại trong cuộc sống nghề nghiệp tùy thuộc vào hoàn cảnh cụ thể của từng cá nhân. Với bản thân tôi, người đã lăn lóc với nhiều môi trường làm việc khác nhau, từ phiên dịch, đối ngoại ngân hàng cho đến tiếp thị, bán hàng, bảo hiểm, tư vấn doanh nghiệp, dạy học và nhiều công việc không tên khác, bí quyết để tồn tại trong cuộc sống ở mọi nơi mọi lúc vẫn là thái độ cởi mở, chấp nhận khó khăn và sẵn sàng thay đổi. Những lời khuyên để vượt qua Fobo qua bảng tổng hợp dưới đây của một ngân hàng ở Mỹ có vẻ như phù hợp với những trải nghiệm sinh sống và làm việc của tôi trong hơn ba thập niên qua.
Chẳng hạn như cách đây ba mươi năm, thấy tiếng Pháp không còn phù hợp trong môi trường giao tiếp đối ngoại ngành ngân hàng ở Việt Nam, tôi đã cố gắng học tiếng Anh để có thể giao tiếp và xử lý nghiệp vụ theo yêu cầu cấp trên. Nhờ đọc sách báo và viết lách, tôi có cơ hội tiếp cận với kiến thức và thông tin về xu hướng nghề nghiệp và kỹ năng liên quan. Việc kết nối thường xuyên với đối tác, khách hàng và bạn hữu gần xa giúp tôi tiếp cận nhiều hơn dự án kinh doanh hay công việc cụ thể. Tôi luôn tâm niệm sẽ cố gắng cống hiến, phát huy mọi năng lực bản thân và “có mặt” (available) khi được yêu cầu.
Theo tôi, kỹ năng của người lao động vẫn luôn là chìa khóa đảm bảo cho khả năng tìm được công ăn việc làm bất kể trình độ học vấn như thế nào đi chăng nữa. Có lẽ đó cũng là lý do khiến Học viện Công nghệ Singapore (SIT), ngoài việc trao bằng cùng bảng điểm học tập, còn kèm thêm một chứng nhận về các kỹ năng chuyển giao gọi là “Record of Transferable Skills” (RTS) cho sinh viên tốt nghiệp năm 2024 từ hai chương trình - Truyền thông kỹ thuật số và truyền thông tích hợp và Điều dưỡng. Kể từ năm 2025, RTS sẽ được trao cho tất cả sinh viên tốt nghiệp cùng với bảng điểm học tập để cho thấy sự phát triển toàn diện của tân cử nhân SIT.
Theo thông tin từ trang web của SIT, RTS là một thành phần không thể thiếu trong khung kỹ năng sẵn sàng cho ngành nghề (Industry Ready Skills Framework - IRSF) mà trường đã thiết kế. Khung này tích hợp liền mạch việc đào tạo các kỹ năng có thể chuyển giao có cấu trúc vào cả chương trình giảng dạy chính thức và hoạt động ngoại khóa. Được thí điểm lần đầu vào năm học 2021 và triển khai đầy đủ trên tất cả chương trình giảng dạy từ năm 2022, IRSF cho thấy cam kết của SIT trong việc trang bị cho sinh viên không chỉ bằng cấp mà còn cả các kỹ năng chuyển tiếp liên quan đến ngành nghề cụ thể trong tương lai.
Cũng theo SIT, IRSF sẽ giúp sinh viên lập bản đồ kỹ năng trong các lĩnh vực: a) kiến thức, kỹ năng và năng lực chuyên ngành - tức là kết quả học tập theo bằng cấp được ứng dụng; b) các nhóm kỹ năng quan trọng được nhà tuyển dụng và ngành nghề coi là cần thiết tại nơi làm việc được phân loại thành năm lĩnh vực (xem bảng); và c) thuộc tính “công dân” và DNA của SIT, tức là những phẩm chất giúp sinh viên kiên cường và thích nghi trong môi trường làm việc luôn thay đổi. Bộ kỹ năng này được xác định là cần thiết cho sự thành công tại nơi làm việc, dựa trên phản hồi từ người sử dụng lao động và các nhà quản lý.
Thành tích kỹ năng của tân cử nhân được ánh xạ vào RTS, cho thấy mức độ thông thạo các lĩnh vực kỹ năng khác nhau của họ ở các cấp độ này như “mới nổi”, “thành thạo” và “rất thành thạo”. Chung quy lại, RTS đóng vai trò giới thiệu các kỹ năng chuyển giao của sinh viên được phát triển cả trong và ngoài chương trình giảng dạy học thuật. Nhờ RTS, nhà tuyển dụng có thể xác định điểm mạnh và năng lực chính của ứng viên để phù hợp với nhu cầu của tổ chức hay doanh nghiệp.
Nhưng cuộc đời này có lẽ cũng chẳng còn vui nếu con người cứ bị ám ảnh bởi những nỗi sợ bắt đầu từ chữ Fo như Fobo hay Foba (Fear Of Being Average - Sợ trung bình) nêu trong phần đầu bài viết. Cùng với Fomo (Fear of Missing Out - Sợ bỏ lỡ), và Fobo còn là viết tắt cho cụm từ “Fear Of Better Options” - sợ bỏ lỡ điều tốt hơn, theo đó con người luôn chần chừ, không quyết định dứt khoát vì nghĩ rằng luôn có một lựa chọn khác tốt hơn và tuột khỏi tay nhiều cơ hội quý trong công việc hay cuộc sống. Theo thiển ý của tôi, thay vì Fobo, con người có thể chuyển góc nhìn sang hướng tích cực hơn bằng cách thay chữ F (Fear) bằng J (Joy): Jobo (Joy Of Better Options) - niềm vui có được những lựa chọn tốt hơn. Nói cách khác, niềm vui hay hạnh phúc sẽ tùy thuộc vào sự lựa chọn của chính bản thân chúng ta.
Nhìn lại quãng đường đời đã đi qua của một kẻ bôn ba đất khách nay đã ngấp nghé tuổi lục tuần, tôi lại nghiệm ra bí quyết lớn nhất giúp mình vượt qua mọi thử thách trong công việc và cuộc sống chính là mục đích, lý tưởng và thái độ tích cực để biến nỗi sợ thành động lực hành động. Chính vì vậy mà tôi đồng cảm với những chia sẻ của tác giả người Mỹ Victor J. Strecher trong quyển sách mang tựa đề “Life on purpose: How living for what matters most changes everything” (tạm dịch: Sống có mục đích: Sống vì điều quan trọng nhất sẽ thay đổi mọi thứ như thế nào).
Theo tác giả, trong nhiều thế kỷ qua, tầm quan trọng của mục đích sống đã được các nhà triết học vĩ đại nhất suy ngẫm và nêu lên và nay nó được chứng minh là có tác động cụ thể đến sức khỏe của con người. Các nghiên cứu gần đây về bệnh Alzheimer, bệnh tim, đột quỵ, trầm cảm, chụp ảnh chức năng não và đo lường quá trình sửa chữa DNA đang làm sáng tỏ cách thức và lý do mục đích mang lại lợi ích cho cuộc sống con người.
Tác giả định nghĩa mục đích là những mục tiêu có giá trị sâu sắc và sống có mục đích sẽ tốt cho sức khỏe của bạn - thậm chí có thể bảo vệ bạn khỏi bệnh tật và cái chết. Để tạo ra mục đích thúc đẩy trong cuộc sống, mỗi chúng ta phải tự hỏi mình: “Điều gì quan trọng với tôi?” và “Tôi coi trọng điều gì?”. Nhiều mục đích mang tính tự nâng cao, nhưng những mục đích có động lực và mạnh mẽ nhất là tự vượt qua chính mình. Để duy trì việc thực hiện mục đích, bạn cần phải cung cấp năng lượng hàng ngày và cũng cần ý chí bằng các hoạt động trong một “không gian” (space) phù hợp (xem sơ đồ).
Những ý tưởng trong quyển sách của Strecher khiến tôi nghĩ ra một từ mới để làm “giải pháp” tiệt trừ mọi nỗi sợ Fo. Đó là niềm vui sống có mục đích Jolop - viết tắt của cụm từ “Joy Of Living On Purpose”, một lựa chọn tích cực cho sự tồn tại của mình. Dĩ nhiên, theo như kết luận của tác giả Strecher, mục đích không phải là thuốc chữa bách bệnh nhưng có thể cung cấp hướng dẫn cho những lựa chọn chúng ta thực hiện trong suốt cuộc đời mình, cho dù đó là sự nghiệp của một người, tham gia vào một công việc, tái khẳng định lời thề trong đám cưới, hiểu biết về một thanh thiếu niên, tìm kiếm những giá trị chung dẫn đến một cuộc trò chuyện thú vị thậm chí có thể tận hưởng tuổi già trong niềm vui. Để sống một cuộc sống gắn kết, giàu có và ý nghĩa, chúng ta phải suy ngẫm về mục đích của bản thân về các mục tiêu ràng buộc về giá trị của chúng ta và cam kết hàng ngày hành động hướng tới mục đích đó.
(*) Giám đốc Công ty Tư vấn Vietnam Global Network, Singapore