Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Thư Singapore: Tiếng Anh mùa bầu cử

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Thư Singapore: Tiếng Anh mùa bầu cử

Lê Hữu Huy (*)

­(TBKTSG) – Độc giả quan tâm đến cuộc bầu cử quốc hội Singapore (GE) hôm thứ Bảy tuần rồi (7-5) trên các báo trong nước, nếu không tham khảo thông tin liên quan bằng tiếng Anh sẽ dễ hiểu sai tình hình kinh tế – chính trị – xã hội tại đây. Ví dụ như nói ông Lý Quang Diệu đã liên tục “thắng cử” suốt mấy mùa bầu cử thì không phù hợp bởi lẽ trong khu vực bầu cử (constituency) của ông không có đối thủ ra tranh cử (not contested).

Trong trường hợp này, cử tri (constituent) không cần phải bỏ phiếu và các ứng viên đương nhiên trở thành nghị sĩ để “đi bộ vào” quốc hội theo đúng nghĩa đen của từ tiếng Anh “walkover”. Mặt khác, nhờ cơ chế bầu theo nhóm (Group Representative Constituency – GRC), các ứng cử viên đảng Hành động Nhân dân (PAP) khác trong khu vực bầu cử của ông Lý cũng nghiễm nhiên trở thành đại biểu quốc hội (Member of Parliament – MP).

Trong các GE trước đây, nhiều người Singapore cho rằng GRC là cách để đảng PAP của ông Lý ngăn trở các đảng đối lập. Thật vậy, tại một khu vực bầu cử, ngoại trừ ứng viên ra tranh cử theo tư cách cá nhân (Single-Member Constituency – SMC), các đảng phái phải thành lập một GRC gồm bốn đến sáu ứng viên trong đó có một ứng viên thuộc sắc tộc thiểu số (Mã Lai, Ấn Độ hay Á Âu) tại Singapore. Điều này hoàn toàn không dễ dàng đối với các đảng đối lập và kết cục là PAP đã đương nhiên dành phần thắng trong các khu vực bầu cử không có sự hiện diện của đảng đối lập.

Đối với các GRC có nguy cơ bị các đảng đối lập giành phiếu, PAP cũng tìm cách điều chỉnh lại các khu vực bầu cử để phân tán phiếu bầu trong các kỳ bầu cử kế tiếp.

Nhưng rồi cuộc chơi nào cũng có cái giá phải trả: nếu cơ chế GRC đã giúp PAP “thắng” dễ dàng trong các GE trước thì năm nay, tất cả các SMC và GRC (ngoại trừ khu vực bầu cử Tanjong Pagar của ông Lý Quang Diệu) đều có phía đối lập tranh cử. Thất bại của PAP trong khu vực bầu cử Aljunied đã khiến Chính phủ Singapore mất đứt ba bộ trưởng là ông George Yeo, Bộ trưởng Ngoại giao, bà Lim Hui Hua, Bộ trưởng Văn phòng chính phủ và Quốc vụ khanh phụ trách đối ngoại, ông Zainul Abidin Rasheed, người đang được cơ cấu (slated) để trở thành Chủ tịch Quốc hội sau GE lần này.

Điều trớ trêu trong hệ thống chính trị hiện nay của Singapore là ở chỗ, mặc dù không phạm lỗi lầm gì, ba bộ trưởng của Singapore – những gương mặt kỳ cựu trong chính trường và quan trường, đương nhiên bị mất chức còn một đảng viên non choẹt của PAP là cô Tim Pei Lin chỉ mới 27 tuổi đã trở thành MP nhờ tham gia vào GRC khu vực Marina Parade có sự tham gia của cựu thủ tướng nay là Bộ trưởng Cao cấp, ông Goh Chok Tong.

Theo phát biểu của Thủ tướng Lý Hiển Long cũng như nhiều lãnh tụ đảng đối lập, GE năm nay là bước ngoặt quan trọng (watershed) trong tiến trình phát triển chính trị. Tuy nhiên, trong con mắt của các nhà quan sát, từ watershed còn có nghĩa đen vì có ít nhất 9 ứng viên đã rơi lệ khi bày tỏ cảm xúc của mình.

Trở lại với ông Lý, vị chiến binh kỳ cựu chưa bao giờ vắng mặt trong suốt 14 kỳ GE đã tuyên bố rằng nếu cử tri ở khu vực Aljunied này bỏ phiếu cho WP thì họ sẽ hối hận (regret) trong năm năm tới. Tuyên bố này hóa ra lại làm cho một bộ phận không nhỏ người dân Singapore tức giận và họ đã chuyển phiếu bầu (swing vote) cho WP. Trong khi đó, ông Lý con (Thủ tướng Lý Hiển Long) thì lại muốn tạo nên sự đồng cảm (sympathy) của người dân bằng lời xin lỗi (sorry) vì những điều Chính phủ Singapore chưa làm được trong thời gian qua.

Mặc dù vẫn tiếp tục chiếm đa số trong quốc hội với 81 ghế nhưng có lẽ đảng PAP phải xem lại nội hàm của từ mà Chính phủ Singapore hay nói sau kỳ bầu cử lần này “strong mandate” – tức là sự tin tưởng, lòng tin của người dân Singapore không mạnh so với trước đây. Thật vậy, tỷ lệ phiếu bầu ủng hộ PAP trong lần GE này chỉ đạt 60%, so với 67% vào năm 2006 và 75% năm 2001. Hoạt động quốc hội Singapore từ nay cho đến năm năm tới sẽ sôi nổi hơn với 6 MP thuộc đảng đối lập sẽ giúp kiểm tra và cân đối (check and balance) các hoạt động của chính phủ chứ không chỉ đơn thuần là những MP thuộc đảng cầm quyền ngồi ghế sau (back-bencher).

Với sự chín muồi về đời sống chính trị – xã hội và nhiều tầng lớp ưu tú muốn tham gia vào đảng đối lập, người ta không loại trừ khả năng sẽ xuất hiện một nội các trong bóng tối (shadow cabinet) tức là các nhà lãnh đạo đối lập sẽ giữ những vị trí đối trọng trong “bóng tối” đối với các bộ trong nội các nhằm phản biện những quyết định của nội các và đề nghị những chính sách khác thay thế.

Dù muốn dù không, GE 2011 là một cuộc chơi sòng phẳng của các chính đảng tại Singapore và giúp người dân Singapore xả xú páp, như lời của ông Lý Hiển Long và “trút ra những thất vọng, giận hờn hay những khát vọng chưa đạt được (ventilation of frustration, grievance and unfullied aspirations). Giờ đây Chính phủ Singapore sẽ phục vụ người dân không những trên tinh thần trách nhiệm (responsibly) mà còn phải tỏ ra khiêm nhường (humbly) hơn trước. Theo ông Lý, sự cạnh tranh chính trị (political contest) ở các nước diễn ra theo những hình thức khác nhau, nhưng với Singapore đó phải là dịp làm cho đất nước này mạnh hơn và đoàn kết vì tương lai của người dân Singapore.

_________

(*) Giám đốc Công ty Tư vấn Vietnam Global Network, Singapore

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới