(KTSG Online) – Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) mong muốn các chính quyền địa phương có một lộ trình tái mở cửa kinh tế mới với kế hoạch rõ ràng và thời gian cụ thể. Các doanh nghiệp cũng mong muốn chính phủ có quy trình đơn giản hơn cho phép lãnh đạo doanh nghiệp và chuyên gia nước ngoài cùng gia đình trở lại Việt Nam.
- Làm gì để nền kinh tế thích ứng an toàn với Covid-19?
- Khẩn cấp cứu nguy doanh nghiệp sau đỉnh dịch Covid-19
- AmCham: “Cần có một lộ trình rõ ràng để mở cửa trở lại”
Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn với nhà đầu tư nước ngoài
Ông Choi Joo Ho – Tổng giám đốc tổ hợp Samsung Việt Nam – đánh giá Việt Nam hiện là môi trường đầu tư hấp dẫn với Samsung và tất cả các nhà đầu tư nước ngoài nhờ các yếu tố gồm nguồn lao động dồi dào, tình hình chính trị - xã hội ổn định, cơ sở hạ tầng sản xuất và lưu thông, các ưu đãi đầu tư.
Ông Choi cũng dự báo dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam sẽ tiếp tục được duy trì và tăng trưởng trong thời gian tới nếu Chính phủ đồng thời thực hiện các biện pháp phòng chống dịch hiệu quả và tăng cường các điều kiện thuận lợi để lưu thông, sản xuất, duy trì mạng cung ứng ổn định, theo đúng chiến lược của Thủ tướng.
Ngoài ra, Nghị quyết số 105 của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh được phê duyệt trong bối cảnh dịch bệnh là một tin vui với các nhà đầu tư nước ngoài.
Về định hướng đầu tư tại Việt Nam, ông Choi Joo Ho cho biết tập đoàn đang xây dựng Trung tâm nghiên cứu và phát triển riêng Samsung tại Hà Nội nhằm nâng cao năng lực nghiên cứu và phát triển trung và dài hạn. Tiến độ xây dựng Trung tâm đã đạt trên 50%, dự kiến sẽ khánh thành vào cuối năm 2022.
Khi Trung tâm nghiên cứu và phát triển đi vào hoạt động, số lượng kỹ sư Việt Nam sẽ mở rộng lên tới 3.000 người với định hướng nghiên cứu về các mảng trí tuệ nhân tạo, 5G, cơ sở dữ liệu lớn và mạng lưới vạn vật kết nối Internet. Về dài hạn, Trung tâm được kỳ vọng góp phần nâng cao năng lực ngành công nghệ thông tin và năng lực cạnh tranh của Việt Nam trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
“Hiện Samsung Việt Nam đang vượt qua vai trò cứ điểm sản xuất trọng điểm toàn cầu tại Việt Nam”, ông Choi Joo Ho nói tại tọa đàm “Covid-19 và FDI: Tác động và triển vọng” diễn ra chiều 27-9.
Tương tự, ông Binu Jacob - Tổng giám đốc Nestlé Việt Nam – bày tỏ sự tin tưởng vào việc Việt Nam sẽ thành trung tâm sản xuất của toàn cầu và khu vực. Với niềm tin này, Tập đoàn Nestlé tiếp tục đầu tư 132 triệu đô la trong 2 năm để xây dựng nhà máy cà phê mới tại Đồng Nai, qua đó đưa Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất các sản phẩm thực phẩm dạng lỏng cho thị trường xuất khẩu ở khu vực châu Á và Úc.
“Nhà máy Nescafé Trị An đặt tại Đồng Nai sẽ trở thành một trong những nhà máy cà phê lớn nhất trên thế giới chuyên cung ứng cho nhu cầu tiêu dùng tại thị trường các nước phát triển, có thể kể là Nhật, các quốc gia Bắc Mỹ và châu Âu”, ông Binu Jacob cho biết.
Cũng theo ông, hệ thống vận hành của Nestlé Việt Nam đang nằm trong nhóm hiệu quả, linh động hàng đầu trong số tất cả thị trường mà Tập đoàn Nestlé đang có mặt nhờ sở hữu lực lượng lao động giỏi tay nghề và có tinh thần làm việc cống hiến.
Trước đó, ông Alain Cany - Chủ tịch EuroCham tại Việt Nam – cũng khẳng định chưa có doanh nghiệp châu Âu nào rời khỏi Việt Nam tại họp báo trực tuyến tối 9-9. Cụ thể, báo cáo chỉ số môi trường kinh doanh trong thời gian phong toả, giãn cách xã hội vừa do EuroCham khảo sát cho thấy, 18% các doanh nghiệp trong ngành sản xuất đã chuyển dịch một phần đơn hàng hoặc nhu cầu sản xuất sang các nước khác. Ngoài ra, 16% doanh nghiệp đang cân nhắc việc này.
Còn số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) cho biết tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt 22,15 tỉ đô la tính tới 20-9, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm 2020. Có 1.212 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư - giảm 37,8%, tổng vốn đăng ký đạt gần 12,5 tỉ đô la - tăng 20,6%.
Kết quả này, theo bà Nguyễn Thị Bích Ngọc – Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho thấy sự tin tưởng của nhà đầu tư vào môi trường đầu tư trong nước. Còn những khó khăn do dịch bệnh chỉ là tạm thời.
Doanh nghiệp cần lộ trình “mở cửa” kinh tế rõ ràng
Để các nhà đầu tư nước ngoài gắn bó lâu dài với Việt Nam, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho biết Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ nỗ lực triển khai nhiều giải pháp để kiểm soát, đẩy lùi dịch bệnh. Đồng thời, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp qua các nghị quyết, nghị định về miễn giảm thuế và phí, giãn và hoãn các nghĩa vụ với ngân sách nhà nước.
Ngoài ra, Thủ tướng đã thành lập hai tổ công tác đặc biệt do hai Phó thủ tướng làm tổ trưởng để rà soát khó khăn, vướng mắc và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, qua đó thúc đẩy thực hiện dự án đầu tư.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị quyết số 105 để hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19.
Về công tác phòng, chống dịch bệnh, ông Đỗ Xuân Tuyên - Thứ trưởng Bộ Y tế - cho biết cơ quan này đang lấy ý kiến để trình Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, rồi ban hành hướng dẫn về công tác phòng, chống dịch trong điều kiện mới với nguyên tắc thích ứng an toàn, linh hoạt và hiệu quả.
Hướng dẫn này có đầy đủ các yếu tố gồm phòng chống dịch trong điều kiện bình thường; phòng chống dịch đảm bảo sản xuất trong điều kiện nhà máy xuất hiện ca F0; hướng dẫn các doanh nghiệp trong việc xét nghiệm, đặc biệt là tự xét nghiệm và tự chịu trách nhiệm về việc công bố kết quả xét nghiệm.
Hiện Bộ Y tế và tỉnh Bắc Ninh đã thực hiện thí điểm việc tự xét nghiệm một số doanh nghiệp. Theo đó, công nhân sẽ tự lấy mẫu xét nghiệm và báo cho cơ sở y tế. “Phương án này cần sự giám sát chặt chẽ của cơ sở y tế, đảm bảo chất lượng test kit, đảm bảo khi có trường hợp nghi ngờ, phát hiện thì khoanh vùng xử lý được ngay. Tôi cho rằng hướng dẫn này sẽ rất căn cơ và tương đối đầy đủ để doanh nghiệp ổn định và phát triển”, ông Tuyên nói.
Còn các doanh nghiệp FDI mong muốn chính quyền đưa ra một lộ trình tái mở cửa kinh tế với kế hoạch rõ ràng và các mốc thời gian cụ thể.
Ông Alain Cany cho biết các doanh nghiệp thành viên của Eurocham cần một lộ trình rõ ràng từ phía chính quyền khi áp dụng các biện pháp phong tỏa, giãn cách xã hội.
“Doanh nghiệp cần một giải pháp giải quyết các rào cản với hoạt động thương mại và một lộ trình có thể dự đoán được để lên kế hoạch khởi động trở lại các hoạt động kinh doanh”, ông Alain Cany nói tại cuộc họp ngày 9-9 với Thủ tướng.
Tương tự, ông Binu Jacob đề xuất chính quyền các địa phương cho phép các doanh nghiệp có hồ sơ theo dõi đã được chứng minh và có kế hoạch rõ ràng được hoạt động trở lại
“Họ cần mở cửa trở lại khi có thể, với sự giám sát sau khi thực hiện”, ông Binu Jacob nói.
Về lưu thông hàng hoá và kiểm soát đi lại, ông Alain Cany cho rằng có “hộ chiếu vaccine” điện tử để tạo điều kiện cho những người đã được tiêm chủng trong và ngoài nước được di chuyển tự do. Ngoài ra, ông kêu gọi Chính phủ đẩy nhanh quy trình cho phép lãnh đạo các doanh nghiệp nước ngoài, chuyên gia và gia đình họ trở lại Việt Nam.
“Thủ tục hiện tại vừa tốn thời gian, vừa gây ra nhiều khó khăn, vừa là rào cản đáng kể với các hoạt động thương mại và đầu tư, vốn là yếu tố cần thiết để đạt được tăng trưởng kinh tế sau đại dịch”, ông Alain Cany.
Tương tự, ông Choi Joo Ho cho rằng các tỉnh có nhiều khu công nghiệp cần thống nhất một phương châm chuẩn về phòng dịch để đảm bảo hoạt động lưu thông, vận chuyển người và hàng hóa được diễn ra thuận lợi.
Còn Binu Jacob cho rằng sự phối hợp chính sách trên toàn quốc và giữa các địa phương là rất quan trọng. Theo đó, việc mỗi tỉnh thành đưa ra những quy định khác nhau về lấy mẫu và tần suất xét nghiệm, cách ly y tế và giải quyết các trường hợp nhiễm bệnh đã gây ra tình trạng đứt gãy về sản xuất, chuỗi cung ứng.
Về duy trì duy trì sản xuất, ông Choi Joo Ho đề xuất duy trì dây chuyền sản xuất của các nhà máy theo đúng phương châm hướng dẫn chuẩn và lộ trình đã được định sẵn, dù trong bất cứ hoàn cảnh bất thường nào.
Thử làm một phép thử: Cho người/bộ phận đề xuất ban hành ra chính sách đó vào vai của chuyên gia và bắt buộc họ phải làm đúng như quy trình họ đề ra xem họ có thực thi được không? lưu ý là không có một sự ưu tiên nào cả.