Thứ tư, 13/11/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Thủ tục đặc biệt cho nhà đầu tư chiến lược

An Nhiên

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Sửa Luật Đầu tư lần này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư bổ sung quy định về quy trình, thủ tục đầu tư đặc biệt nhằm rút ngắn thời gian thực hiện dự án để thu hút các nhà đầu tư chiến lược trong lĩnh vực công nghệ cao. Đây là bước cải cách đột phá và có ý nghĩa lớn trong bối cảnh thu hút đầu tư giai đoạn tới được dự báo sẽ cạnh tranh khốc liệt hơn.

Thời gian qua, với nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh của Chính phủ và các bộ, ngành, quy trình, thủ tục về đầu tư ngày càng được đơn giản hóa, góp phần khơi thông và thu hút các nguồn lực cho phát triển. Dù vậy, thủ tục về đầu tư nhìn chung vẫn còn hạn chế.

Rõ thấy nhất là thủ tục đầu tư không chỉ nằm trong Luật Đầu tư mà còn được quy định trong nhiều luật khác như luật về đất đai, xây dựng, môi trường, chuyển giao công nghệ, phòng cháy, chữa cháy. Việc thực hiện thủ tục cũng kéo dài qua nhiều bước, nhiều khâu, liên quan đến quy định trong nhiều lĩnh vực khác nhau.

Trong đó, việc thực hiện các thủ tục về đất đai, xây dựng, môi trường, chuyển giao công nghệ, phòng cháy, chữa cháy thường mất nhiều thời gian. Mỗi thủ tục lại có yêu cầu riêng về hồ sơ, trình tự, và thời gian. Một số thủ tục quy định nhiều bước thực hiện (ví dụ thủ tục xây dựng). Một số thủ tục phải thực hiện tuần tự, kết quả của thủ tục này là đầu vào của thủ tục khác. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tính trung bình, thời gian để thực hiện đầy đủ các thủ tục trên kéo dài 250-350 ngày và thực tế có thể lâu hơn do độ trễ vì phải hoàn thiện các hồ sơ và tài liệu của các bên liên quan.

Trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt hiện nay, việc áp dụng thủ tục đầu tư hiện hành có thể làm mất đi cơ hội đón “đại bàng”.

Việc thu hút các nhà đầu tư chiến lược trong một số lĩnh vực như xây dựng trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D), đầu tư nghiên cứu và hỗ trợ chuyển giao công nghệ cao... đã được quy định trong các nghị quyết thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù tại một số địa phương như TPHCM, Khánh Hòa, Đà Nẵng. Tuy nhiên, các dự án nói trên vẫn thực hiện theo các thủ tục đầu tư thông thường theo quy định của pháp luật về đầu tư, đấu thầu, đất đai, xây dựng, môi trường, phòng cháy, chữa cháy.

Nhiều nhà đầu tư chiến lược trong các lĩnh vực công nghệ cao đang đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, tìm kiếm cơ hội đầu tư và xúc tiến các dự án lớn tại nước ta. Trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt hiện nay, việc áp dụng thủ tục đầu tư hiện hành có thể làm mất đi cơ hội đón “đại bàng”.

Vì những lý do này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng cần phải xây dựng, bổ sung quy định về quy trình, thủ tục đầu tư đặc biệt nhằm tăng khả năng cạnh tranh trong thu hút đầu tư vào công nghệ cao, vào các lĩnh vực khuyến khích đầu tư và đặc biệt là thu hút các nhà đầu tư chiến lược.

Cơ chế đặc biệt này không dành cho tất cả các dự án. Theo dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP) và Luật Đấu thầu, thủ tục đặc biệt này chỉ áp dụng đối với một số dự án trong khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và khu chức năng trong khu kinh tế, gồm: dự án xây dựng trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm R&D; dự án đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp mạch tích hợp bán dẫn, công nghệ thiết kế, chế tạo linh kiện, vi mạch điện tử tích hợp (IC), điện tử linh hoạt (PE), chip, pin công nghệ mới, vật liệu mới, công nghiệp năng lượng sạch; dự án thuộc lĩnh vực công nghệ cao được ưu tiên, khuyến khích đầu tư theo quyết định của Thủ tướng.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng cần phải xây dựng, bổ sung quy định về quy trình, thủ tục đầu tư đặc biệt nhằm tăng khả năng cạnh tranh trong thu hút đầu tư vào công nghệ cao, vào các lĩnh vực khuyến khích đầu tư và đặc biệt là thu hút các nhà đầu tư
chiến lược.

Theo đó, dự án đầu tư vào các lĩnh vực này sẽ không phải thực hiện các thủ tục để được cấp giấy phép, phê duyệt, chấp thuận, cho phép, xác nhận và các yêu cầu khác thuộc các lĩnh vực xây dựng, bảo vệ môi trường, chuyển giao công nghệ, phòng cháy, chữa cháy theo quy định của pháp luật. Thay vào đó, nhà đầu tư có trách nhiệm thực hiện đầy đủ các cam kết và thực hiện đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật theo quy định của pháp luật về xây dựng, bảo vệ môi trường, chuyển giao công nghệ, phòng cháy, chữa cháy. Nhà đầu tư các dự án này cũng được thành lập tổ chức kinh tế thực hiện dự án trước khi thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.

Cộng đồng doanh nghiệp đánh giá những thay đổi này là bước cải cách đột phá và có ý nghĩa lớn trong thu hút đầu tư giai đoạn tới - vốn được dự báo là sẽ cạnh tranh khốc liệt hơn. Ở một số quốc gia, ngoài việc hoàn thiện chính sách ưu đãi đầu tư thì việc áp dụng thủ tục hành chính đặc biệt (ở các mức độ khác nhau) cũng được coi là chìa khóa để thu hút các nhà đầu tư chiến lược.

Dù vậy, vẫn còn những bài toán đặt ra cho ban soạn thảo để bảo đảm các chính sách đột phá này khả thi trong thực tế cũng như hạn chế những rủi ro của cơ chế “tiền đăng hậu kiểm”.

Ví dụ, quy định mới liên quan tới nhiều văn bản pháp luật trong các lĩnh vực đất đai, xây dựng, chuyển giao công nghệ, bảo vệ môi trường, phòng cháy, chữa cháy... Nếu dự thảo luật miễn thực hiện các thủ tục liên quan đến việc thực hiện dự án nhưng không đồng thời sửa đổi các quy định tại các văn bản liên quan thì có thể dẫn tới tình trạng lúng túng và thiếu thống nhất khi áp dụng. Vậy thì nên chăng, ban soạn thảo có thể liệt kê trong dự thảo luật các quy định liên quan đến các lĩnh vực xây dựng, bảo vệ môi trường, chuyển giao công nghệ, phòng cháy, chữa cháy... sẽ loại trừ áp dụng với các dự án được áp dụng quy trình, thủ tục đầu tư đặc biệt.

Hoặc, cơ chế giám sát, hậu kiểm các dự án đi theo “luồng xanh” này thiết kế như thế nào để không chỉ thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước mà còn phải bảo vệ được các nhà đầu tư chiến lược để họ yên tâm rót vốn vào nước ta?

Dự kiến, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật PPP và Luật Đấu thầu sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp tháng 10 tới đây. Chính sách đột phá này và những điều băn khoăn nói trên cần được Quốc hội thảo luận kỹ lưỡng và tìm được giải pháp trước khi bấm nút thông qua để chính sách đột phá sớm được thực thi và phát huy hiệu quả cao nhất.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới