Thứ tư, 22/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Thủ tướng Chính phủ lập tổ công tác tháo gỡ khó khăn cho bất động sản

Y.M

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Quyết định 1435/QĐ-TTg thành lập Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ vừa được Phó Thủ tướng Lê Văn Thành ký ban hành ngày 17-11, với mục tiêu rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản cho các địa phương, doanh nghiệp.

Tổ công tác sẽ rà soát, hướng dẫn gỡ vướng mắc trong triển khai dự án bất động sản cho các địa phương, doanh nghiệp. Ảnh minh họa: H.P

Tổ công tác, với Tổ trưởng là Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, Tổ phó là Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú và Thứ trưởng Xây dựng Nguyễn Văn Sinh và các thành viên là lãnh đạo các bộ ngành liên quan, sẽ rà soát, hướng dẫn gỡ vướng mắc trong triển khai dự án bất động sản cho các địa phương, doanh nghiệp tại Hà Nội, TPHCM và một số tỉnh thành trực thuộc trung ương.

Không chỉ tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến triển khai thực hiện các dự án bất động sản với nội dung thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ, tổ công tác cũng có nhiệm vụ tổng hợp, tham mưu Thủ tướng Chính phủ báo cáo cấp có thẩm quyền giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến triển khai thực hiện các dự án bất động sản đối với các nội dung vượt thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ.

Bên cạnh đó là đôn đốc, kiểm tra, tổng hợp việc giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến triển khai thực hiện các dự án bất động sản thuộc thẩm quyền của các bộ, ngành, địa phương. Tham mưu, kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật liên quan; thực hiện các nhiệm vụ khác có liên quan theo phân công, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Tổ công tác có quyền yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các doanh nghiệp có liên quan báo cáo, cung cấp thông tin, hồ sơ, tài liệu liên quan đến các dự án bất động sản đang triển khai nhưng có khó khăn, vướng mắc về thủ tục pháp lý theo báo cáo của các địa phương; kiến nghị giải pháp giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến triển khai thực hiện các dự án bất động sản tại một số tỉnh, thành phố.

Bên cạnh đó, mời lãnh đạo các cơ quan Trung ương và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có liên quan hoặc các tổ chức, chuyên gia phối hợp, tham vấn trong quá trình Tổ công tác thực hiện nhiệm vụ.

Tổ công tác chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện các nhiệm vụ quy định tại Quyết định 1435.

Tổ công tác làm việc theo chế độ tập thể, đề cao trách nhiệm cá nhân người đứng đầu; các thành viên thực hiện nhiệm vụ theo chế độ kiêm nhiệm, chịu trách nhiệm về nhiệm vụ được phân công.

Theo các báo cáo thống kê, bất động sản là ngành đang đóng góp 11% GDP, có quan hệ hữu cơ với nhiều ngành nghề, tạo ra nhiều việc làm. Tuy nhiên, thời gian qua, thị trường này gặp nhiều khó khăn, giao dịch giảm mạnh, nhiều dự án ngừng trệ không tiếp tục triển khai do đói vốn từ đầu năm nay.

Theo các chuyên gia bất động sản, một trong những nguyên nhân khó khăn là sự tắc nghẽn dòng vốn. Trong đó, tín dụng vào bất động sản bị hạn chế, việc phát hành trái phiếu của các doanh nghiệp trong ngành cũng không khả quan khi cơ quan quản lý có nhiều động thái siết thị trường, nhiều doanh nghiệp huy động trái phiếu sai phạm bị xử lý.

Báo cáo của Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) cũng cho biết nhiều doanh nghiệp trong ngành đã phải tinh giản tối đa bộ máy, cắt giảm lao động, một số doanh nghiệp "khát vốn" phải vay vốn ngoài xã hội với lãi suất cao, nhiều rủi ro.

Ở góc nhìn của các nhà phân tích tài chính, thị trường bất động sản phát triển cần nhiều nguồn lực từ các kênh đầu tư trực tiếp, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, ngân sách, vốn tự có, vốn tín dụng… Trong đó, vốn tín dụng chỉ là một trong nhiều kênh vốn phát triển thị trường bất động sản. Và tại buổi chất vấn và trả lời chất vấn tại Quốc hội ngày 3-11, người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước đã nêu quan điểm: điều hành tín dụng phải trong khuôn khổ mục tiêu của chính sách tiền tệ. Đó là kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đồng thời bảo đảm an toàn hệ thống, ổn định thị trường ngoại hối, tiền tệ.

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho rằng trong bối cảnh phải ưu tiên kiểm soát lạm phát, an toàn hệ thống, thì việc mở rộng tín dụng là làm khó, chưa nói là đi ngược lại mục tiêu chính sách tiền tệ. Do đó, việc điều hành tín dụng cần cân nhắc thận trọng

Tuần trước, Văn phòng Chính phủ tổ chức cuộc họp với các doanh nghiệp bất động sản để lắng nghe các vướng mắc. Theo thông tin từ HoREA - một trong những đơn vị tham gia cuộc họp, các doanh nghiệp đã nêu những vướng mắc về pháp lý, thủ tục đầu tư, nghẽn tín dụng, trái phiếu. Các doanh nghiệp đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét thành lập "ban công tác đặc biệt" hoặc "tổ công tác đặc biệt" để gỡ khó cho một số doanh nghiệp, dự án điển hình.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới