Thủ tướng: Phân tích kỹ về giá điện trong Quy hoạch điện VIII
Lan Nhi
(KTSG Online) - Đó là kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trong danh sách các vấn đề cấp bách cần tập trung chỉ đạo của Bộ Công Thương. Thủ tướng yêu cầu nghiên cứu, phân tích kỹ về giá điện, việc cân đối cơ cấu hợp lý về nguồn.
Điện mặt trời vẫn được ưu tiên phát triển trong Tổng sơ đồ điện VIII. Ảnh: TL KTSG |
Thông báo kết luận của Thủ tướng hôm 31-5 về các công việc cấp bách của Bộ Công Thương, Thủ tướng Phạm Minh Chính giao Phó Thủ tướng Lê Văn Thành tập trung chỉ đạo, rà soát kỹ nội dung Quy hoạch điện VIII. Quy hoạch này phải bảo đảm phù hợp với thực tiễn, đặt lợi ích quốc gia và dân tộc lên trên hết, trước hết, đặc biệt chú ý đến chống tiêu cực trong xây dựng chính sách.
“Trong đó, cần lưu ý nghiên cứu, phân tích kỹ về giá điện, việc cân đối hợp lý về cơ cấu các nguồn điện (thủy điện, nhiệt điện, năng lượng tái tạo) và bảo đảm sự phù hợp giữa các vùng miền, tránh để lãng phí nguồn lực xã hội”, kết luận nhấn mạnh.
Trước đó, theo đúng kế hoạch, cuối quí 3-2020, Bộ Công Thương đã trình lên Chính phủ dự thảo Quy hoạch điện VIII (gọi tắt là Tổng sơ đồ VIII). Dự thảo này sẽ ưu tiên nguồn phát điện theo hướng đa dạng hơn để đảm bảo an ninh cung cấp điện, cơ cấu và phân bổ hợp lý hơn trong từng khu vực, vùng, miền và trên toàn quốc. Trong đó, nhiệt điện than được khai thác một cách hợp lý, tỷ trọng nguồn giảm dần.
Nguồn thủy điện được huy động tối đa. Ưu tiên khai thác, sử dụng triệt để và hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo, phát triển nhanh nhiệt điện khí sử dụng LNG. Phát triển nguồn thủy điện tích năng và các nguồn trữ năng lượng để điều tiết hệ thống và tăng khả năng hấp thụ nguồn năng lượng tái tạo (NLTT).
Quy hoạch lưới điện cũng sẽ phải đảm bảo với sự phát triển của tình hình mới, định hướng phát triển lưới điện thông minh, lưới điện truyền tải siêu cao áp trên 500kV, truyền tải một chiều. Hệ thống truyền tải có khả năng tích hợp quy mô lớn nguồn năng lượng tái tạo, khả năng truyền tải các nguồn điện gió xa bờ...
Chương trình phát triển nguồn điện tới năm 2030 của Việt Nam đạt 137,2 GW (trong đó nhiệt điện than là 27%, nhiệt điện khí là 21%, thủy điện 18%; điện gió, điện mặt trời và NLTT khác 29%. Nhập khẩu khoảng 4%; thủy điện tích năng là các loại thiết bị lưu trữ năng lượng khác khoảng gần 1%). Năm 2045, tổng công suất đặt của nguồn điện đạt gần 276 GW. Trong đó, NLTT chiếm gần 44%. Viện Năng lượng (Bộ Công thương), cơ quan chủ trì soạn thảo đề án nhấn mạnh: “Cơ cấu nguồn điện cho thấy, Quy hoạch điện VIII khuyến khích phát triển mạnh mẽ NLTT (ngoài thủy điện), từ khoảng 13% năm 2020 lên đến gần 30% (2030) và 44% (2045). Đây là xu hướng phù hợp với sự phát triển của thế giới”. |
Bộ Công Thương sẽ đề xuất chính sách, giải pháp để huy động vốn đầu tư, chú trọng đến cơ chế xã hội hóa đầu tư phát triển điện lực. Cơ chế đấu thầu, đấu giá lựa chọn nhà đầu tư,đặc biệt trong các dự án đầu tư NLTT. Đồng thời có cơ chế để đảm bảo tiến độ thực hiện các dự án điện ra trong quy hoạch VII trước đó.
Trước mắt, trong ngắn hạn, mục tiêu cung cấp điện đang đặt ra nhiều thách thức. Các nguồn cung năng lượng sơ cấp trong nước không đủ đáp ứng yêu cầu. Thủy điện lớn đã khai thác gần hết, nguồn khí suy giảm dần, phải nhập khẩu năng lượng ngày càng lớn. Nhiều dự án điện bị chậm so với quy hoạch.
“Quy hoạch điện VII cho thấy việc thiếu hụt công suất nguồn điện liên tục tăng và nguy cơ thiếu điện giai đoạn 2021-2024 là hiện hữu”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói trước Quốc hội hồi tháng 6-2020.
Đề cập đến điện mặt trời, đến nay, tổng công suất điện mặt trời đã được quy hoạch khoảng 10.300 MW, trong đó đã vào vận hành trên 90 dự án điện mặt trời với tổng công suất khoảng 5.000 MW.
Đối với điện gió, theo đề xuất của Bộ Công Thương, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý chủ trương bổ sung quy hoạch thêm 7.000 MW điện gió, nâng tổng quy mô công suất điện gió được quy hoạch lên 11.630 MW. Đây là giải pháp khả thi, hiệu quả để bổ sung kịp thời nguồn điện cho hệ thống; phù hợp với cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo hiện hành của Chính phủ.
Tuy nhiên, số lượng và công suất các dự án điện mặt trời, điện gió được các địa phương đề nghị bổ sung quy hoạch trong thời gian qua là rất lớn (hơn 25.000 MW điện mặt trời và 45.000 MW điện gió). Các đề xuất này tiếp tục được nghiên cứu, xem xét trong Quy hoạch điện VIII, chứ không vội đưa vào quy hoạch.
Dự thảo Đề án của Bộ Công Thương cũng đề xuất nghiên cứu xem xét xây dựng giá bậc thang 2 thành phần công suất điện và điện năng, xem xét thu phí cố định hàng tháng, đề xuất điều chỉnh giá điện theo quý khi chi phí nhiên liệu thay đổi và xem xét hệ số giảm giá néu sử dụng ít điện. Đề xuất xem xét điều chỉnh giá điện theo quý khi chi phí nhiên liệu thay đổi; xem xét hệ số giảm giá nếu sử dụng ít điện.
Tổng vốn đầu tư phát triển điện lực giai đoạn 2021-2030 cần khoảng 128,3 tỉ đô la Mỹ. Trong đó cho nguồn điện là 95,4 tỉ đô la, cho lưới điện khoảng 32,9 tỉ đô la. Cơ cấu trung bình vốn đầu tư nguồn và lưới là 74% và 26%. Giai đoạn 2021-2030 cần 12,8 tỉ đô/năm. Giai đoạn sau đó (2031-2045) cần 192,3 tỉ đô la, nghĩa là nếu tính trung bình hàng năm thì khoản kinh phí cần là 12,8 tỉ đô la. Chi phí biên bình quân cho phần nguồn sản xuất điện là 8,8 cent Mỹ/kWh (2021-2030); 9,6 cent/kWh (2031-2045). Chi phí biên bình quân đến lưới phân phối là 11,4 cent/kWh (2021-2030) là 12,3 cent/kWh (2021-2045). |
Mời xem thêm:
Lối đi nào cho quy hoạch điện VIII?