Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Thủ tướng: “Vì môi trường, phải thay đổi tư duy phát triển”

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Thủ tướng: “Vì môi trường, phải thay đổi tư duy phát triển”

Văn Nam

Thủ tướng: “Vì môi trường, phải thay đổi tư duy phát triển”
Nhà máy giấy Lee & Man ở Hậu Giang – Ảnh: Nam Nguyễn

(TBKTSG Online) – Môi trường sống ngày càng bị đe dọa bởi các dự án phát triển kinh tế, làm suy giảm chất lượng không khí, nguồn nước; cả sông suối, vùng biển ven bờ nhiều nơi bị xâm hại bởi xu hướng nới lỏng tiêu chuẩn bảo vệ môi trường nhằm cạnh tranh phát triển kinh tế. Trước thực trạng này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh sáng nay (24/8) rằng sẽ không vì lợi ích trước mắt mà đánh đổi môi trường.

Theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về bảo vệ môi trường diễn ra sáng nay (24-8), môi trường nước ta đang chịu nhiều áp lực lớn từ phát triển kinh tế-xã hội. Hàng năm có trên 2.000 dự án đầu tư thuộc diện phải lập đánh giá tác động môi trường.

Kinh tế đè nặng áp lực lên môi trường

Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, cả nước có 283 khu công nghiệp xả ra hơn 550.000 m3 nước thải/ngày đêm, 615 cụm công nghiệp trong đó chỉ có hơn 5% có hệ thống xử lý nước thải tập trung, hơn 500.000 cơ sở sản xuất trong đó có nhiều loại hình sản xuất ô nhiễm môi trường, công nghệ lạc hậu, hơn 4.500 làng nghề, 13.500 cơ sở y tế hàng ngày phát sinh hơn 47 tấn chất thải nguy hại và 125.000 m3 nước thải y tế.

Bên cạnh đó, cả nước có hơn 780 khu đô thị với hơn 3 triệu m3 nước thải mỗi ngày nhưng hầu hết chưa được xử lý.

Bộ Tài nguyên và Môi trường nhận định, môi trường đất, nước, không khí trên cả nước nhìn chung còn khá tốt; tuy nhiên, nguồn nước mặt ở một số nơi bị ô nhiễm, nhất là trong các khu đô thị, xung quanh các khu công nghiệp, làng nghề, chất lượng nước biển bị ô nhiễm cục bộ tại một số khu vực như vùng biển ven bờ từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế do sự cố môi trường vừa qua.

Tại các lưu vực sông, đoạn chảy qua các đô thị, đặc biệt là các khu vực tập trung khu công nghiệp đã xảy ra tình trạng nước bị ô nhiễm bởi các chất dinh dưỡng, chất hữu cơ và vi sinh, như sông Nhuệ đoạn chảy qua Hà Nội, sông Sài Gòn đoạn chảy qua Bình Dương, TPHCM, sông Đồng Nai chảy qua thành phố Biên Hòa và tỉnh Bình Dương…

Điều đáng chú ý, báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường đã nhấn mạnh Việt Nam có xu hướng nới lỏng các tiêu chuẩn bảo vệ môi trường nhằm cạnh tranh với các nước khác trong thu hút đầu tư FDI.

Chính vì vậy, sản xuất của doanh nghiệp vốn FDI cũng đang gây nên những tác hại rất lớn rất lớn đối với môi trường. Ví dụ như xả thải của công ty Vedan, Miwon trước đây, sự cố biển do Formosa gây ra tại 4 tỉnh miền Trung, khói bụi ô nhiễm của nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2, nhà máy giấy Lee&Man gây ô nhiễm ở Hậu Giang… Ngoài ra, các nhà đầu tư nước ngoài còn lợi dụng những hạn chế của Việt Nam về các quy chuẩn kỹ thuật để tuồn những công nghệ lạc hậu, thâm dụng tài nguyên, thâm dụng năng lượng và lao động nhằm tối đa hóa lợi nhuận.

Ông Nguyễn Đức Long, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, cho biết, hơn 60 mỏ than trên toàn tỉnh cung cấp hơn 90% lượng than cho cả nước (trong đó 25 mỏ lộ thiên với mỗi tấn than khai thác thải ra 10 – 11 tấn đất đá thải, nước thải lớn) và Quảng Ninh cũng là trung tâm nhiệt điện cả nước với 6 nhà máy nhiệt điện, tạo sức ép lên môi trường rất lớn cho địa phương phía Bắc này.

Ông Long nói thêm: dù đóng góp lớn về kinh tế, nhưng áp lực môi trường rất lớn với tỉnh Quảng Ninh giờ đây là việc giải quyết hậu quả môi trường từ hoạt động khai thác than, các nhà máy nhiệt điện, xi măng sử dụng công nghệ Trung Quốc, xả thải bụi ra môi trường ảnh hưởng đến cuộc sống người dân, đặc biệt là một số nhà máy xi măng được cấp phép ngay sát Vịnh Hạ Long …

“Hơn 90% than khai thác ở tỉnh được chở đi tiêu thụ các nơi cả nước, nhưng hậu quả môi trường thì người dân Quảng Ninh phải gánh chịu vì chi phí xử lý môi trường chưa đảm bảo”, ông Long lo lắng và kiến nghị Chính phủ xem xét cho Quảng Ninh hưởng 100% thuế bảo vệ môi trường của ngành than (hiện nay chỉ được hưởng 70%, 30% nộp về trung ương) để tập trung xử lý các bãi thải than.

Về giải pháp trước mắt và lâu dài, Bộ trưởng Môi trường Trần Hồng Hà đề xuất một số giải pháp cần được tập trung trong thời gian tới, gồm việc ban hành hệ thống các tiêu chí, đánh giá, sàng lọc, lựa chọn ưu tiên các dự án công nghệ cao, công nghệ thân thiện môi trường; thanh tra, kiểm tra, xử phạt về vi phạm môi trường, sớm đưa các chế tài hình sự về môi trường vào áp dụng, hoàn thành kế hoạch xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trước năm 2020.

Ông Hà cho rằng nên có cơ chế thu hút khối tư nhân đầu tư xử lý chất thải và được thu bù chi phí đầu tư trên nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải trả tiền, người hưởng lợi từ môi trường phải chi trả”.

Không vì lợi ích trước mắt đánh đổi môi trường

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị sáng nay, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng nêu thực trạng: thời gian qua tình trạng ô nhiễm môi trường, vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường bùng phát, nhiều sự cố môi trường nghiêm trọng ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của người dân, nhiều điểm nóng về môi trường xảy ra ở nhiều khu vực.

Theo Thủ tướng, ô nhiễm môi trường bùng phát do tích tụ nhiều năm trong quá trình phát triển. Ô nhiễm nguồn nước, không khí ngày càng nghiêm trọng, nhất là ở các khu đô thị, khu dân cư trên diện rộng. Nhiều điểm nóng không được chủ động xử lý dẫn đến tình hình an ninh chính trị, an toàn xã hội phức tạp. 

“Thực trạng trên buộc chúng ta phải thay đổi tư duy phát triển, kiên quyết không vì lợi ích trước mắt mà đánh đổi môi trường, vì cuộc sống bình yên của nhân dân”, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nêu và nhấn mạnh thực trạng ô nhiễm môi trường, những yếu kém còn hiện hữu, chưa được các bộ ngành, địa phương tập trung giải quyết. Do vậy, cần đánh giá lại thực chất hơn tình trạng ô nhiễm môi trường để nhận diện rõ hơn, trách nhiệm phải rõ ràng hơn, có biện pháp trước mắt, lâu dài về bảo vệ môi trường. 

Nhiệm vụ về phòng ngừa và kiểm soát ô nhiễm được Bộ Tài nguyên và Môi trường tập trung trong thời gian tới là ban hành các quy chuẩn kỹ thuật về môi trường, bảo đảm kiểm soát chặt chẽ, nghiêm ngặt với các ngành, lĩnh vực có khả năng gây ô nhiễm môi trường cao, quy chuẩn kỹ thuật về môi trường ngành phải nghiêm ngặt hơn, đặc biệt là các ngành nhuộm, thuộc da, sản xuất giấy, nấu nhựa, luyện thép từ quặng; tiến tới loại bỏ các dự án đầu tư vào loại hình sản xuất gây ô nhiễm môi trường.

Một báo cáo của Bộ Tài chính tại hội nghị sáng nay cũng cho thấy, trong giai đoạn 2011 – 2015 tổng kinh phí ngân sách nhà nước dành cho sự nghiệp bảo vệ môi trường là 47.452 tỉ đồng, trong đó ngân sách trung ương 6.622 tỉ đồng và ngân sách các địa phương chi 40.830 tỉ đồng.

Dự kiến nhu cầu chi cho công tác bảo vệ môi trường giai đoạn 2016 – 2020 cũng sẽ đảm bảo, ngân sách nhà nước đảm bảo 1% tổng chi ngân sách cho hoạt động môi trường và tăng dần tỉ lệ này theo tốc độ chi ngân sách nhà nước. Trong đó, riêng trong năm 2016 ngân sách nhà nước chi cho sự nghiệp môi trường là 12.290 tỉ đồng.

Còn theo Ngân hàng Thế giới, ô nhiễm môi trường tại Việt Nam gây thiệt hại đến 5% GDP quốc gia và đây là một con số khổng lồ đáng suy ngẫm.

Xem thêm:

>> Lỗ hổng gây ô nhiễm môi trường

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới