Thứ hai, 6/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Thủ tướng yêu cầu hoàn thiện khung pháp lý quản lý tiền ảo

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Thủ tướng yêu cầu hoàn thiện khung pháp lý quản lý tiền ảo

Chí Thịnh

Thủ tướng yêu cầu hoàn thiện khung pháp lý quản lý tiền ảo
Tiền ảo BitCoin vẫn chưa được công nhận tại Việt Nam. Ảnh: CoinDesk

(TBKTSG Online) - Dự kiến, trong vòng 3 năm tới sẽ có một số bước thực hiện xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý tiền ảo, tài sản ảo… tại Việt Nam.

Ngày 21-8, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án hoàn thiện khung pháp lý để quản lý, xử lý đối với các loại tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo… Các bộ ngành sẽ phải tiếp tục rà soát, hoàn thiện văn bản, khung pháp lý hiện tại để sửa đổi, xây dựng quy định pháp luật về quản lý tiền ảo.

Theo nội dung văn bản số 1225/QĐ-TTg thì đề án cần được xây dựng với mục tiêu nghiên cứu, nhận diện đầy đủ, chính xác bản chất của tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo theo kinh nghiệm nước ngoài và thực tiễn Việt Nam; mối quan hệ (giữa tiền ảo, tài sản ảo) với tài sản thực, tiền thực; vai trò của tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo và tác động của tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo tới pháp luật.

Bộ Tư pháp chủ trì công tác rà soát, đánh giá thực trạng pháp luật về tài sản ảo, tiền ảo ở Việt Nam, để tập hợp các vướng mắc, bất cập trong thực tiễn đối với các vấn đề liên quan đến tài sản ảo, tiền ảo. Bộ này cũng sẽ nghiên cứu, khảo sát kinh nghiệm quốc tế về pháp luật cũng như thực tiễn liên quan tới tiền ảo, tài sản ảo của các nước như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản... Đồng thời, tổ chức các buổi hội thảo, tọa đàm để nhận diện, làm rõ vai trò của tài sản ảo, tiền ảo và đề xuất hướng hoàn thiện pháp luật Việt Nam, trình Thủ tướng Chính phủ vào tháng 8-2018.

Bộ Tư pháp cũng sẽ là cơ quan chủ trì lập hồ sơ đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về tài sản ảo, tiền ảo vào tháng 12-2018, theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015.

Ngân hàng Nhà nước là cơ quan chủ trì các nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung, ban hành mới văn bản quy phạm pháp luật về thuế đối với tài sản ảo, tiền ảo, tiền điện tử trình Chính phủ vào tháng 8-2018. Đồng thời, tiến hành nghiên cứu, đề xuất các biện pháp phòng chống, xử lý các vi phạm hình sự về gian lận, rửa tiền, tài trợ khủng bố và các tội phạm khác liên quan đến tài sản ảo, tiền ảo vào tháng 9-2019.

Bộ Tài chính sẽ nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về thuế đối với tài sản ảo, tiền ảo vào tháng 6-2019. Bộ này cũng sẽ chú trọng đến việc nghiên cứu đề xuất biện pháp phòng chống, xử lý các vi phạm hành chính liên quan đến tài sản ảo, tiền ảo. Trong khi đó, Bộ Công an sẽ đưa các biện pháp đề xuất phòng, chống, xử lý các vi phạm hành chính liên quan đến tài sản ảo, tiền ảo vào tháng 9-2019.

Trước đó, các chuyên gia trong ngành công nghệ thông tin, ngân hàng, trọng tài quốc tế… cũng đã bàn thảo nhiều về vấn đề quản lý tiền ảo, tài sản ảo… Ví dụ như Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) cho rằng, trước khi xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật về tiền ảo, các cơ quan quản lý Nhà nước cần phải xác định tiền ảo là gì. Nếu như đã xác định tiền ảo được xem là tài sản thì không thể cấm, vấn đề cần tính đến là tiền ảo sẽ được phép giao dịch và thanh toán như thế nào…

Dự kiến, đến cuối năm 2020, Bộ Tư pháp sẽ phải hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng luật sửa đổi, bổ sung các luật liên quan đến tài sản ảo, tiền ảo…

Bên cạnh tiền ảo thì tiền điện tử (một dạng tiền tệ được số hoá, chuyển đổi, giao dịch trong môi trường kỹ thuật số) cũng đang phát triển mạnh. Trên thế giới đã có nhiều quốc gia đã đưa ra quy định về tiền điện tử. Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ sớm ban hành văn bản quy phạm pháp luật về tiền điện tử và hiện tại đã có một số loại tiền điện tử được chấp nhận là phương tiện thanh toán (như ví điện tử).

Mời đọc thêm

Sẽ có quy định về quản lý tiền ảo, tài sản ảo

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới