Chủ Nhật, 22/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Thủ tướng yêu cầu sớm có chính sách kích thích kinh tế

Hoàng Thắng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ ngành sớm có chính sách kích thích kinh tế, đưa dòng tiền vào nền kinh tế đúng hướng và có hiệu quả, đồng thời nghiên cứu nới trần nợ công, bảo đảm các chỉ số kinh tế vĩ mô phù hợp tình hình.

Đây là một nội dung quan trọng trong kết luận của Thủ tướng tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9 diễn ra ngày 2-10.

Sớm ban hành kế hoạch khôi phục kinh tế

Thủ tướng cho biết Chính phủ quyết tâm đẩy mạnh mọi biện pháp để tháo gỡ cơ chế, khơi thông nguồn lực và đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công trong những tháng cuối năm, qua đó đưa đất nước trở lại trạng thái bình thường mới, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh.

Thủ tướng nêu rõ việc phục hồi, mở cửa kinh tế phụ thuộc rất lớn vào phòng, chống dịch. Ảnh: Nhật Bắc.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng kế hoạch khôi phục và phát triển kinh tế trong trạng thái bình thường mới, trình các cơ quan có thẩm quyền ban hành trong tháng 10. Ngoài ra, cơ quan này và các bộ, ngành, địa phương cần tập trung giải ngân vốn ODA.

Với Bộ Tài chính và các bộ, ngành, địa phương, Thủ tướng lưu ý triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, nhất là chi tiêu hội họp, đi lại.

Yêu cầu các bộ sớm có chính sách kích thích kinh tế, đưa dòng tiền vào nền kinh tế, nghiên cứu nới trần nợ công, bảo đảm các chỉ số kinh tế vĩ mô phù hợp tình hình.

Ngoài ra, các bộ, ngành, địa phương cần thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 63 về thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải ngân vốn đầu tư công và thúc đẩy xuất khẩu; Nghị quyết 105 về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19.

Với các địa phương, Thủ tướng nhắc lại yêu cầu thống nhất toàn quốc về lưu thông hàng hoá, theo hướng dẫn của các cơ quan chức năng và chỉ đạo của Chính phủ. Đồng thời, bảo đảm sản xuất bình thường, thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch linh hoạt theo hướng dẫn của Bộ Y tế, không cứng nhắc.

Theo đó, cần triển khai các giải pháp phục hồi hoạt động tại các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu công nghệ cao, khu chế xuất. Ngoài ra, tháo gỡ các khó khăn giúp doanh nghiệp giữ đơn hàng, duy trì chuỗi cung ứng, nỗ lực sản xuất cho mùa cao điểm, nhất là các bạn hàng lớn ở châu Âu, Hoa Kỳ, Đông Bắc Á.

Cần tập trung tháo gỡ vướng mắc, cắt giảm tối đa các thủ tục hành chính ở các cấp, các ngành, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin.

Những yêu cầu của Thủ tướng được đưa ra trong bối cảnh tình hình kinh tế và đời sống người dân rất khó khăn, tăng trưởng GDP quí 3-2021 giảm 6,17%, còn tăng trưởng GDP 9 tháng năm 2021 chỉ tăng 1,42% so với cùng kỳ. Hầu hết các ngành đều suy giảm trong quí 3, tổng cầu suy yếu mạnh, giải ngân đầu tư công chưa đạt mục tiêu đề ra.

Theo Thủ tướng, Bộ Y tế được giao xây dựng dự thảo thích ứng an toàn với dịch bệnh để hướng dẫn tạm thời, gửi các tỉnh, thành và lấy ý kiến tới cấp huyện, xã. Ngoài ra, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống Covid-19 và Bộ Y tế cũng nhiều lần lấy ý kiến các cơ quan liên quan, lắng nghe, tham khảo ý kiến chuyên gia, nhà khoa học về dự thảo.

Các địa phương phối hợp đưa đón người dân trở về an toàn

Để nâng cao hiệu quả các chính sách hỗ trợ người dân, Thủ tướng yêu cầu Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội phối hợp với các cơ quan liên quan quan theo dõi hằng ngày diễn biến đời sống người dân, thực hiện các chính sách hỗ trợ nhanh nhất, đơn giản nhất, hiệu quả nhất có thể.

Ông cũng lưu ý các địa phương một số nội dung liên quan tới việc người dân trở về quê sau khi nới lỏng giãn cách tại một số địa bàn. Cụ thể, Thủ tướng đề nghị các địa phương tiếp tục vận động người dân ở lại, đồng thời triển khai các biện pháp ổn định cuộc sống, tiêm vaccine, quan tâm giải quyết việc làm cho người dân.

Với những người thực sự cần trở về, các địa phương phối hợp, chia sẻ, hợp tác chặt chẽ để đưa đón người dân một cách an toàn, trật tự, trên tinh thần tương thân, tương ái, tránh những căng thẳng không cần thiết, theo Thủ tướng.

Về kết quả hỗ trợ người dân chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, ông Đào Ngọc Dung - Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội - cho biết đã hỗ trợ hơn 18,1 triệu người với số tiền hơn 14.900 tỉ đồng.

Với chính sách hỗ trợ từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp có hiệu lực từ ngày 1-10, các cơ quan đã hỗ trợ 3.570 người lao động tính tới 12 giờ trưa ngày 2-10.

“Các cơ quan phấn đấu trong 5 ngày hỗ trợ cho tất cả người sử dụng lao động và hỗ trợ cho 12,8 triệu lao động trong tối đa trong 45 ngày, rút ngắn 2/3 thời gian so với yêu cầu”, ông Dung báo cáo.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới