(KTSG Online) - Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường khẩn trương hoàn thành Cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia.
- Bức tranh về minh bạch thông tin đất đai
- Mạnh tay thu hồi dự án treo để giải phóng nguồn lực đất đai
Yêu cầu này được người đứng đầu Chính phủ đưa ra tại phiên họp thứ ba của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số sáng 8-8.
Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường khẩn trương hoàn thành Cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia, sớm cung cấp các dịch vụ công trực tuyến liên quan đến lĩnh vực đất đai phục vụ người dân doanh nghiệp.
Trước đó, ông cho biết việc triển khai Cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia còn chậm. Việc kết nối, chia sẻ dữ liệu còn nhiều hạn chế, vướng mắc, chưa hiệu quả, chưa hình thành một hệ thống liên thông, thông suốt.
Với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Thủ tướng yêu cầu trình phê duyệt Đề án triển khai thí điểm mô hình giáo dục đại học số và lựa chọn thí điểm mô hình tại 5 trường đại học trước ngày 30-8-2022. Nghiên cứu thúc đẩy thành lập khoa mới, chuyên ngành đào tạo mới hoặc cập nhật, bổ sung vào chương trình đào tạo kiến thức, kỹ năng theo hàm lượng phù hợp tại các trường đại học, cơ sở giáo dục.
Với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, ông giao chủ trì, phối hợp với NHNN, Bộ Công an thúc đẩy việc triển khai chi trả qua tài khoản cho các đối tượng được hưởng trợ cấp từ ngân sách Nhà nước, trong đó bao gồm người có công, người nghèo, người khuyết tật, đối tượng yếu thế, người lao động, sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Ngoài ra, triển khai các nhiệm vụ, giải pháp tại Chương trình chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, trong đó tập trung vào việc phát triển các chương trình đào tạo chất lượng cao, các ngành nghề chuyên về công nghệ thông tin, công nghệ số phục vụ phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số.
Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu xây dựng Đề án chuyển đổi số ngành tiêu chuẩn đo lường chất lượng; trên cơ sở mục tiêu, phạm vi và nội dung của Đề án, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Bộ Nội vụ khẩn trương nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách, chế độ cho đội ngũ làm nhiệm vụ chuyển đổi số, trong đó có vận dụng Nghị định 140/2017 về chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ; đẩy mạnh cải cách hành chính thông qua chuyển đổi số.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khẩn trương phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan hoàn thiện trình Chính phủ Nghị định mới về thanh toán không dùng tiền mặt và sớm xây dựng, ban hành các thông tư hướng dẫn triển khai.
Trong 5 tháng đầu năm 2022, giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng 76% về số lượng và 30,6% về giá trị so với cùng kỳ 2021. Trong đó, qua điện thoại di động và QRCode có mức độ tăng trưởng ấn tượng nhất. Qua điện thoại di động tăng 99,1% về số lượng và 86,1% về giá trị, qua QRCode tăng 68,9% về số lượng và 113,2% về giá trị so với cùng kỳ 2021.
Cũng tại cuộc họp, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành tránh tư duy “cát cứ thông tin, số liệu, dữ liệu”. Theo đó, các bộ, ngành theo chức năng, nhiệm vụ quản lý dữ liệu được phân công nhưng trên hết đó đều là tài sản quốc gia, tài sản này chỉ được làm giàu thêm khi được liên thông, chia sẻ, xác thực cùng nhau hướng đến mục tiêu cuối cùng là phục vụ tốt nhất cho nhân dân.
Ngoài ra, lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể và là mục tiêu, động lực chuyển đổi số và người dân, doanh nghiệp phải tham gia vào quá trình chuyển đổi số.
“Chuyển đổi số phải để người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công, tiện ích xã hội thuận tiện hơn, nhanh hơn, hiệu quả hơn trước đây”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Những yêu cầu trên được Thủ tướng Phạm Minh Chính đưa ra trong bối cảnh công tác xây dưng thể chế, chính sách để hoàn thiện môi trường pháp lý cho chuyển đổi số còn chậm. Hạ tầng số cần tiếp tục cải thiện mạnh mẽ; tốc độ mạng băng rộng cố định, di động tuy có tăng những vẫn ở mức trung bình khá của thế giới, chưa tạo bước đột phá về hạ tầng phục vụ chuyển đổi số quốc gia.
Về phía người dân chưa thấy thuận tiện, dễ dùng, chưa được khuyến khích khi tiếp cận, sử dụng dịch vụ công trực tuyến và các nền tảng số. Điều này khiến Tỷ lệ xử lý hồ sơ công việc trên môi trường mạng 7 tháng của năm 2022 mới đạt gần 18%, con số này trong năm 2020 và 2021 chỉ đạt 1,78% và 9,51%.
An toàn, an ninh mạng nhiều nơi chưa được quan tâm đúng mức trong bối cảnh tội phạm công nghệ cao diễn biến ngày càng phức tạp. Nhân lực cho chuyển đổi số còn chưa đáp ứng được nhu cầu.
Bên cạnh đó, thiếu cơ chế giám sát triển khai chuyển đổi số; đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ đã đề ra của các bộ, ngành, địa phương chưa toàn diện, kịp thời; chưa đo lường, định lượng những chỉ tiêu đề ra, cũng như xử lý các vướng mắc. Thiếu công cụ hỗ trợ thống kê, phân tích, giám sát tình hình triển khai các dự án đầu tư công nghệ thông tin.
Tại cuộc họp, Bộ Thông tin và Truyền thông đã báo cáo về tình hình chuyển đổi số trong 6 tháng đầu năm 2022.
TÌNH HÌNH THỰC HIỆN MỤC TIÊU ĐẶT RA NĂM 2022
Chỉ tiêu | 6 tháng | Năm 2022 |
Các chỉ tiêu đã đạt được | ||
Tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử | 100% | 100% |
Tỷ trọng doanh thu thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ | 11,27% | 7% |
Tỷ lệ người dân từ 15 tuổi có tài khoản thanh toán | 66% | 65% |
Các chỉ tiêu cần tiếp tục nỗ lực trong 6 tháng cuối năm | ||
Tỷ lệ dân số trưởng thành có điện thoại thông minh | 70,91% | 85% |
Tỷ lệ hộ gia đình Internet cáp quang băng rộng | 71,75% | 75% |
Tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến phát sinh hồ sơ | 45,78% | 80% |
Tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính xử lý trực tuyến | 36,91% | 50% |
Tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng hợp đồng điện tử | 33% | 50% |
Tỷ lệ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC
Bộ phận một cửa cấp bộ, cấp Tỉnh Bộ phận một cửa cấp huyện |
- |
100% 100% |
Tỷ lệ báo cáo của CQNN được thực hiện trực tuyến | - | 50% |
Tỷ lệ cơ quan nhà nước cung cấp dữ liệu mở | 3% | 50% |
Tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số | 6% | 30% |