Chủ Nhật, 18/05/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Thừa hung dữ, thiếu văn minh trên mạng?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Thừa hung dữ, thiếu văn minh trên mạng?

Đoàn Khắc Xuyên

(TBKTSG) - Xếp hạng 5 thế giới về mức độ kém văn minh trên mạng

Thừa hung dữ, thiếu văn minh trên mạng?
Người phụ nữ áo cam-người hành hung hai du khách Thái Lan. Ảnh: F.B

Dịch Covid-19 rồi sẽ qua đi, không chóng thì chầy, như bao nhiêu dịch bệnh khác. Nhưng có một thứ “dịch bệnh”, tạm gọi như thế, đang có chiều hướng lan rộng trong cộng đồng, làm xấu xí hình ảnh của người Việt, có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của nền kinh tế, của đất nước, và cần có thời gian lâu dài để khắc phục, xóa bỏ. Đó là những biểu hiện của sự kém văn minh và tính hung dữ nơi một số không nhỏ người Việt. Những ngày đầu năm 2020 này, có hai sự kiện trùng hợp xảy ra gần như đồng thời chỉ ra thứ “dịch bệnh” nói trên trong tính cách của người Việt.

Theo khảo sát được công bố ngày 11-2 vừa qua nhân Ngày Quốc tế An toàn Internet (Safer Internet Day) của Microsoft, thì Việt Nam nằm trong số 5 quốc gia có chỉ số mức độ kém văn minh trên không gian mạng (DCI, Digital Civility Index) cao nhất, trong đó Việt Nam xếp thứ 5, chỉ sau Nga, Columbia, Peru và Nam Phi về mức độ kém văn minh trên mạng.

Khảo sát được thực hiện nhằm tìm hiểu những trải nghiệm của người dùng đối với 21 rủi ro do các hành vi cư xử không đúng mực gây ra. Nhóm tham gia khảo sát là thanh thiếu niên, người trưởng thành ở 25 quốc gia. Tại Việt Nam, có 500 người, tuổi từ 13-74, tham gia cuộc khảo sát.

Năm 2019, Việt Nam tăng 7 điểm về ứng xử kém văn minh trên mạng so với năm 2018. Các rủi ro phổ biến trên không gian mạng tại Việt Nam gồm: liên lạc không mong muốn (49%), tin lừa đảo (39%), tin nhắn gợi dục không mong muốn (41%), quấy rối tình dục (30%), gạ gẫm tình dục (29%).

Các chủ đề mà người Việt hành xử thiếu văn minh trên không gian mạng gồm: các mối quan hệ tình cảm (48%), giới tính (48%), ngoại hình (35%), chủng tộc (23%) và quan điểm chính trị (23%).

Để xây dựng cộng đồng văn minh hơn, Microsoft đã đưa ra các quy tắc ứng xử trên không gian mạng gồm:

- Luôn cảm thông, thấu hiểu và tôn trọng mọi cá nhân tham gia tương tác trực tuyến.

- Tôn trọng sự khác biệt và các cách nhìn nhận đa dạng. Khi có sự bất đồng quan điểm, hãy thận trọng suy nghĩ, tránh các công kích cá nhân.

- Suy nghĩ trước khi trả lời những bất đồng, tránh đăng tải gửi những gì có ảnh hưởng tiêu cực đến người khác.

- Sẵn sàng đấu tranh trước những hành vi ứng xử thiếu văn minh và chưa chuẩn mực.

Láo là đánh

Một tuần sau đó, dưới tựa “Du khách Thái Lan bị hành hung vì nhắc dân Việt xếp hàng”, BBC ngày 18-2 cho biết: Mạng xã hội những ngày qua lan truyền hình ảnh, video về việc hai nữ du khách Thái Lan bị một phụ nữ Việt Nam hành hung vì nhắc nhở xếp hàng. Sự việc diễn ra ở Khu du lịch Đường hầm điêu khắc ở Đà Lạt, thuộc Công ty cổ phần Sao Đà Lạt.

Đại diện Công ty Sao Đà Lạt xác nhận là có xảy ra vụ xô xát giữa một người Việt và nhóm du khách Thái Lan vào khoảng 10 giờ 30 ngày 11-2 vừa qua. Người đại diện này cho biết, khi đoàn du khách Thái Lan đang xếp hàng để chụp ảnh tại hồ Vô cực, thì một phụ nữ mặc áo cam và một đàn ông Việt Nam chen ngang. Nữ du khách người Thái nhắc nhở họ xếp hàng, hai bên xảy ra tranh cãi. Tuy nhiên, khi đoàn du khách Thái Lan lên bờ, bất ngờ người phụ nữ Việt Nam lao đến giật tóc một nữ du khách Thái Lan khiến cô bị trầy mũi, gãy kính. Nữ du khách người Thái khác trong đoàn vào can ngăn cũng bị kéo đứt tóc. Đại diện công ty cũng nói thêm, hành vi của nhóm người Việt Nam không đẹp, ảnh hưởng đến hình ảnh du lịch Lâm Đồng nói riêng và Việt Nam nói chung.

Cô Warakorn J Kulsawad, nữ du khách người Thái bị đánh trầy mũi, gãy kính, kể lại: “Bảy người trong nhóm chúng tôi phải xếp hàng để chụp hình tại mõm đá thì một người phụ nữ áo cam bước ngược từ lối ra bên trái đến, cắt ngay trước mặt. Tôi nhắc bà ấy bằng tiếng Anh là xếp hàng đằng kia. Người phụ nữ hét lên bằng tiếng Anh: “Get out! Get out” nhưng tôi không quan tâm, tiếp tục chụp hình”. “Nhưng bà ấy không để yên, lấy nước từ dưới hồ tát vào người chúng tôi. Nhóm tôi kêu bà ấy dừng lại nhưng bà lại hét lên: “You are foreigners, get out!”. Trước khi tôi kịp chụp hình cho bạn mình thì bà ấy xấn tới, kêu bạn tôi theo bà ra phía ngoài để nói chuyện. Tôi đi đến chỗ họ thì thấy bà ấy bắt bạn tôi phải xin lỗi vì tôi đã vô lễ. Khi thấy tôi, bà ấy lao vào tát thẳng vào mặt tôi khiến tôi ngã xuống đường” - cô Warakorn kể lại. Cô nói thêm: “Bạn tôi cố gắng tách bà ấy ra thì bị bà ấy túm đứt mất một nhúm tóc, còn kính của tôi thì vỡ nát. Trong video tôi quay lại, người phụ nữ còn cố tình lấy giày muốn đánh tôi thêm. Người đàn ông khác trong nhóm bà ấy thì chạy đi tìm mảnh gỗ để tấn công bạn bè tôi. Cuối cùng, nhân viên tại khu du lịch cản chúng tôi ra”.

Tài xế lái xe cho đoàn du khách Thái Lan, cũng xác nhận: “Khi sự việc xảy ra, tôi đứng bên ngoài xe. Tôi chạy vào thì thấy khách mình người bị trầy hết mũi, người bị đứt hết tóc. Tôi đi xuống hồ tìm nhóm người Việt để hỏi sự tình. Khi biết tôi là tài xế thì họ đòi đánh tôi. Họ nói: “Bộ người nước ngoài không được đánh hả. Láo là đánh. Tôi sợ quá bỏ chạy ra ngoài và đề nghị quản lý khu du lịch gọi cho công an”.

Cô Warakorn cho biết: “Tôi thực sự không hài lòng lắm. Cảnh sát bảo đây là vụ tranh chấp nơi công cộng dù chúng tôi bị thương cả về thân thể lẫn tài sản và không hề đánh lại phía bên kia. Nếu là luật ở Thái, đây rõ ràng là vụ hành hung”. Cô nhận định thêm rằng đây chỉ là trường hợp cá nhân, không phải người Việt nào cũng hung hăng như vậy. “Tôi rất biết ơn tài xế và người phiên dịch, họ đã rất tận tình giúp đòi lại công bằng cho chúng tôi”.

“Sau tai nạn, cả nhóm hủy hết mọi kế hoạch tham quan ở Việt Nam và ra sân bay ngày hôm sau trở về Thái Lan”, cô Warakorn cho biết. Phiên dịch người Việt cho đoàn thì nói: “Cá nhân tôi thấy người phụ nữ Việt Nam thực sự quá đáng. Tôi là người phiên dịch mà còn thấy tức giùm cho nhóm du khách Thái Lan vì khi vào làm việc với công an, người phụ nữ kia liên tục chửi các bạn ấy. Người chồng ban đầu cũng bênh vợ nhưng cuối cùng đến nhờ tôi dịch giùm rằng ông đại diện cho vợ xin lỗi nhóm du khách người Thái. Tuy nhiên, các bạn Thái Lan vẫn thấy ấm ức vì người phụ nữ đánh các bạn không chịu nhận lỗi, nên các bạn mới chia sẻ câu chuyện lên Facebook” - người phiên dịch cho biết thêm.

Bài đăng trên Facebook cá nhân của người bạn trai đi cùng với cô Warakorn kể lại việc bạn gái mình bị đánh khi du lịch ở Việt Nam được hơn 4.000 like, hơn 4.000 tương tác, cùng hàng trăm lời bình. Đa số các lời bình nhận xét rằng hành động này “quá hung dữ” và “mọi rợ’’. Bài viết về vụ việc thu hút hơn 8.000 lượt tương tác trên Facebook. Một Facebooker Thái bình luận: ‘’Đọc xong muốn chửi thề. Hung ác và kém văn minh quá. Tôi sẽ bảo bạn bè đừng đến Việt Nam du lịch nữa’’.

Đáng chú ý là người phụ nữ Việt hành hung du khách Thái Lan biết nói tiếng Anh, chứng tỏ bà ta thuộc thành phần có học chứ không phải loại sống đầu đường xó chợ, nhưng suy nghĩ và hành động của bà ta đúng là “hung ác và kém văn minh quá”. Và đấy không phải là vụ việc hiếm hoi bộc lộ sự thừa hung dữ mà thiếu văn minh của người Việt.

Vài vụ việc xảy ra gần đây cũng tiêu biểu cho sự hung hãn, kém văn minh, bất chấp các quy định, nguyên tắc chung của không ít người Việt, cả dân thường và nhân viên công quyền. Ngày 11-8-2019, nữ đại úy công an Lê Thị Hiền đã đại náo sân bay Tân Sơn Nhất, hung hãn xô đẩy, chửi bới nhân viên sân bay sau khi không được giải quyết cho gửi hành lý quá ký. Ngày 11-9-2019, thượng úy Nguyễn Xô Việt (35 tuổi) đánh, tát nhân viên bán hàng tại trạm dừng nghỉ Hải Đăng, Thái Nguyên, khi được nhân viên này nhắc nhở trả tiền món đồ mà con trai anh ta mua nhưng chưa trả tiền. Mới đây nhất, vào ngày 29-2 tại sân bay Tân Sơn Nhất, một nữ hành khách đi chuyến bay BL752 từ TPHCM - Hà Nội nhưng quá ký hành lý xách tay, khi nhân viên kiểm tra hành lý dẫn đến cự cãi, nữ hành khách này đã lao vào cắn tay của nhân viên.

Khi nói về tính cách của người Việt, chúng ta thường hay có những mặc định, chẳng hạn như hiếu hòa, thông minh, ham học hỏi (những điều tiến bộ, văn minh)... Qua những sự việc kể trên, không biết xưa kia những mặc định đó đúng đến mức độ nào, nhưng ngày nay, rõ ràng phải xét lại không ít những mặc định có sẵn, để tự sửa mình.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới