Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Thua là phải!

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Thua là phải!

Hồng Văn  

Các nhà nhập khẩu nước ngoài “rành” cà phê Việt Nam và luôn ở thế thượng phong khi đàm phán với các nhà xuất khẩu trong nước. Ảnh: Hồng Văn

(TBKTSG Online) – Một chuyên viên làm việc lâu năm tại văn phòng đại diện một nhà nhập khẩu nước ngoài, sau khi đọc bài “Giá cà phê: nông dân cươi, doanh nghiệp mếu” (đăng trên TBKTSG Online ngày 29-6) đã gặp người viết, cung cấp thêm nhiều thông tin số liệu liên quan đến ngành cà phê Việt Nam. Cuối cùng, anh buông một câu kết thúc, “thua là phải”.  

Những tài liệu mà anh ta cung cấp, với người ngoài cuộc là những con số thống kê khô khan nhưng với dân trong ngành, đó là những bí mật mà hiếm doanh nghiệp nào của Việt Nam có được.  

Toàn bộ việc xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong niên vụ 2007 – 2008 (niên vụ cà phê bắt đầu vào tháng 10 năm trước và kết thúc vào cuối tháng 9 năm sau) và niên vụ 2008 – 2009 cho tới tháng 7 đều được thống kê chi tiết trong tài liệu này.

Chi tiết tới từng lô hàng có sản lượng bao nhiêu tấn của từng công ty, ngày ký hợp đồng, ngày cà phê lên tàu, loại cà phê R1 hay R2, mức giá trừ lùi, nhà nhập khẩu, cảng đến của lô hàng; chẳng hạn trong tháng 12 năm ngoái, có 985 lô hàng cà phê được xếp lên tàu với tổng sản lượng 95.588 tấn.  

“Tuy trong thống kê không có giá xuất, mà chỉ có giá trừ lùi nhưng với dân trong nghề cà phê, chỉ cần mức trừ lùi có thể tính được ra giá xuất dựa vào giá giao dịch của thị trường London với cà phê robusta và từ đó, tính ra lời hay lỗ dựa vào giá trong nước tại cùng thời điểm”, vị chuyên viên này giải thích.

Người viết càng bất ngờ hơn khi vị chuyên viên này còn cho hay rằng các nhà nhập khẩu nước ngoài không chỉ bỏ tiền ra mua thông tin từ nhiều nguồn, thuê chuyên gia phân tích như bảng số liệu xuất khẩu từng tháng của Việt Nam, mà họ còn thống kê diện tích cà phê của Việt Nam hiện có bao nhiêu và trong đó bao nhiêu đang trong kỳ thu hoạch với những chi tiết cụ thể, độ chính xác cao. Khi người viết tỏ vẻ không tin thì anh ta liền trưng ra một file excel dữ liệu diện tích cà phê của ba tỉnh Dak Lak, Gia Lai và Lâm Đồng để chứng minh.

Có lẽ các cơ quan ngành nông nghiệp nếu xem dữ liệu này không khỏi ngạc nhiên khi các nhà nhập khẩu cà phê nước ngoài thống kê diện tích cà phê trồng mới, diện tích cà phê đang trong kỳ thu hoạch tới từng huyện, từng xã. “Thậm chí sau khi thống kê diện tích, làm cơ sở dự báo sản lượng, họ không tin lắm và dùng cả ảnh vệ tinh, từ đó dùng quang phổ để phân biệt lá cà phê và lá cây rừng rồi dựa theo tỉ lệ để tính ra diện tích cà phê”, anh ta nói.

Và như để chứng minh lời nói của mình, anh ta còn bảo lâu nay các cơ quan chức năng của Việt Nam dự báo sản lượng cà phê từng niên vụ theo kiểu phỏng đoán chung chung, nên kết quả đều “trật chìa”. Trong khi đó, các nhà nhâp khẩu nước ngoài dự báo chính xác tới mức chỉ chênh lệch vài phần trăm; do vậy mà họ ít khi tin các dự báo của ngành nông nghiệp Việt Nam.

Đợt rớt giá cà phê vào cuối tháng 6 vừa qua làm các nhà xuất khẩu cà phê Việt Nam chịu thiệt, anh ta cho rằng các nhà nhập khẩu (kể cả các quỹ đầu tư, đầu cơ cà phê thế giới) “làm mưa làm gió” với các nhà xuất khẩu Việt Nam là vì họ biết tường tận từng lô hàng của từng doanh nghiệp trong nước, giao tháng nào, giá bao nhiêu và lời lỗ bao nhiêu để ép giá.

Ông Lương Văn Tự, Chủ tịch Hiệp hội cà phê Việt Nam, đầu tuần này cho rằng đợt giá thảm hại của cà phê Việt Nam vào cuối tháng 6 là do các quỹ đầu tư, đầu cơ (có khi các quỹ này cũng là người mua hàng của cà phê Việt Nam) lũng đoạn thị trường. Thế nhưng tại sao họ lũng đoạn được thị trường cà phê, nhất là Việt Nam? Trong khi đàm phán ký hợp đồng, anh ta kể, các nhà xuất khẩu cà phê Việt Nam luôn ở thế yếu khi người mua hàng nắm tường tận “chân tơ kẽ tóc” của cả ngành cà phê Việt Nam lẫn từng doanh nghiệp cụ thể.  

“Thua là phải!”, anh ta kết luận.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới