(KTSG Online) - Không thu được kết quả kinh doanh đáng khích lệ tại các thị trường Đông Nam Á trong nhiều năm qua, ba nhà bán lẻ khổng lồ của Hàn Quốc như Lotte Shopping, Shinsegae và GS Retail đã thay đổi chiến lược kinh doanh toàn cầu. Họ chuyển hướng sang các thị trường tiên tiến hơn như Mỹ chẳng hạn, bởi sức mua cao hơn và môi trường kinh doanh ổn định hơn.
Đông Nam Á từng được các nhà bán lẻ và các chuỗi bánh ngọt Hàn Quốc xem là một trong ba khu vực tăng trưởng mạnh, bên cạnh Trung Quốc và Mỹ. Kể từ khi rút khỏi thị trường Trung Quốc hoàn toàn vào năm 2018, E-mart và Lotte Mart đã tập trung vào mở rộng kinh doanh tại Đông Nam Á, với hy vọng sẽ thu được những thành quả ngọt ngào.
Nhưng các chuỗi siêu thị và cửa hàng tiện lợi Hàn Quốc gặp phải hai rào cản lớn: sức mua kém hơn kỳ vọng và các quy định phòng chống dịch ngặt nghèo khiến các cửa hàng và siêu thị mất doanh thu do phải đóng cửa phòng dịch. Các chuỗi này đang chuyển sang các hợp đồng nhượng quyền và tránh sở hữu trực tiếp.
Khoản lỗ của chuỗi Lotte Mart thuộc Lotte Shopping chạm con số 2 tỉ won, khoảng 1,69 triệu đô la, ở thị trường Việt Nam với 14 siêu thị. Lotte Mart đang vận hành 49 siêu thị tại Indonesia và khoản lỗ cũng 2 tỉ won. Đây là số cửa hàng đáng kể, nhưng doanh số của chuỗi tại hai nơi này lại đang giảm dần. Tổng doanh số trong 9 tháng đầu năm tại Việt Nam và Indonesia của Lotte Mart đạt 911 tỉ won, giảm 13% so với cùng kỳ năm ngoái.
Thương hiệu E-mart của tập đoàn bán lẻ Shinsegae lớn nhất Hàn Quốc đã gia nhập thị trường Việt Nam tháng 12-2015, nhưng đã không thể mở rộng được thị phần tại đây. Nhà bán lẻ nỗ lực mở thêm siêu thị, nhưng khó khăn trong việc tìm địa điểm thích hợp và chậm chạp trong thủ tục của chính quyền sở tại khiến E-mart nản chí. E-mart quyết định bán cổ phần chi nhánh của mình cho THACO Group và chỉ nhận phí nhượng quyền. Tập đoàn THACO đã thành lập liên doanh với Shinsegae để giới thiệu chuỗi cửa hàng E-mart khi mới vào thị trường Việt Nam.
Sau khi chuyển đổi hoạt động kinh doanh tại Việt Nam thành hệ thống nhượng quyền, E-mart đã hướng đến Mỹ để tìm cơ hội mới. Mở màn cho việc xâm nhập thị trường khổng lồ này là sự kiện E-mart mua lại 5 thương hiệu siêu thị khác nhau ở bờ Tây nước Mỹ và có kế hoạch mở cửa hàng đầu tiên do E-mart điều hành trực tiếp tại Los Angeles vào đầu năm 2022.
"Chúng tôi sẽ củng cố hoạt động kinh doanh của mình tại Mỹ với các siêu thị địa phương mà chúng tôi đã tiếp quản. Tại đây quy định thoáng hơn và người dân địa phương có sức mua cao hơn”, một lãnh đạo của E-mart nói với tờ Korea Times.
E-mart hiện đang vận hành 51 cửa hàng tại Mỹ và sẽ mở thêm 10 cửa hàng nữa vào năm 2022. Phó Chủ tịch Shinsegae Chung Yong-jin và CEO E-mart Kang Heui-seok gần đây đã đi Mỹ để kiểm tra hoạt động của chuỗi bán lẻ.
Tình hình kinh doanh của E-mart tại Mỹ đang được cải thiện. Hãng con tại Mỹ là PK Retail Holdings đã đạt lợi nhuận 5,3 tỉ won trong quí 3 năm nay. Đây là thay đổi ngoạn mục bởi hãng con lỗ đến 1,2 tỉ won trong cùng kỳ năm ngoái.
GS Retail, tập đoàn bán lẻ đang điều hành hệ thống cửa hàng tiện lợi GS25 tại Việt Nam, đã bước vào thị trường Mông Cổ hồi tháng 9-2020 bằng cách ký hợp đồng nhượng quyền với tập đoàn Shunkhlai Group của nước này.
GS Retail xâm nhập thị trường Việt Nam bằng cách góp 30% vốn với một công ty Việt Nam lập liên doanh trong năm 2018. Kinh doanh không thuận lợi, khiến khoản lỗ ròng của liên doanh không ngừng tăng qua các năm. Năm 2018 chỉ lỗ 2 tỉ won, nhưng năm 2019 lên đến 3,4 tỉ won. Đến năm 2020, khoản lỗ lên đến 6 tỉ won. Chỉ trong nửa đầu năm nay, khoản lỗ của liên doanh lên đến 6,2 tỉ won.
"Một trong những lý do khiến GS Retail không bao giờ có lãi tại Việt Nam là do sự cạnh tranh mạnh của Vingroup – nhà điều hành chuỗi cửa hàng tiện lợi lớn nhất trong nước”, một nguồn tin nói với Korea Times.
Sau khi rút ra bài học kinh nghiệm tại quốc gia Đông Nam Á, GS Retail chỉ đang tìm cách thành lập các doanh nghiệp nhượng quyền, trong đó có một hợp đồng mới tại Malaysia. Nhưng hiện tập đoàn vẫn chưa tìm được đối tác thích hợp.