Thứ sáu, 22/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Thúc đẩy kết nối đường thủy giữa cảng Hải Phòng với khu vực phía Bắc

T.Đào

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Bộ Giao thông Vận tải đã giao Cục Đường thủy Nội địa Việt Nam nghiên cứu những giải pháp, cơ chế để phát triển dịch vụ vận tải thủy kết nối các khu vực kinh tế trọng điểm với cảng biển thuộc khu vực Hải Phòng. Trước mắt, đơn vị triển khai tuyến kết nối đường thủy nội địa từ các cảng Hải Phòng với một số tỉnh như Bắc Ninh, Bắc Giang.

Cảng Quốc tế Lạch Huyện, Hải Phòng. Ảnh minh họa: TTXVN

Trang web Bộ Giao thông Vận tải cho biết, để phát triển giao thương qua đường thủy nội địa kết nối giữa các cảng Hải Phòng với một số tỉnh khu vực phía Bắc, đơn vị liên quan sẽ cần cải tạo, nâng cấp hệ thống luồng tuyến đường thủy với đầy đủ biển báo hiệu, thiết bị phụ trợ đảm bảo giao thông thông suốt trên các tuyến sông kết nối từ ICD Quế Võ đến cảng biển Hải Phòng; hình thành đội tàu là những phương tiện vận chuyển container bằng đường thủy với trọng tải đến 128 Teus. Đồng thời, các cảng, bến thủy nội địa, kho bãi hiện đại, có khả năng tiếp nhận sà lan chở container sẽ là đầu mối giao thông kết hợp phương thức thủy - bộ.

Hiện tại, Bộ Giao thông Vận tải đang triển khai đầu tư dự án nâng tĩnh không cầu Đuống và tăng chiều dài toàn tuyến là 220km, kết nối thuận lợi từ cảng Hải Phòng đến các tỉnh như Bắc Ninh, Hà Nội, Vĩnh Phúc và Phú Thọ.

Bộ Giao thông Vận tải sẽ nghiên cứu phát triển phương tiện thủy nội địa chuyên dùng, chở container phù hợp với đặc thù kết cấu hạ tầng (luồng tuyến, tĩnh không cầu…) đường thủy nội địa theo từng khu vực và tuyến vận tải ven biển; khuyến khích, hỗ trợ đầu tư phát triển hệ thống cảng theo cụm; kết nối với đường bộ, cảng cạn, tạo điều kiện hình thành các cảng đầu mối có quy mô lớn có công nghệ bốc xếp hiện đại.

Lợi ích của việc sử dụng dịch vụ sà lan và làm thủ tục thông quan, giao nhận hàng hóa tại cảng sông gần nhà máy sẽ giúp các doanh nghiệp chủ động hơn trong kế hoạch sản xuất, giảm thiểu rủi ro xảy ra đối với hàng hóa; cắt giảm chi phí logistics.

Theo TTXVN, số liệu của Cục Đường thủy nội địa Việt Nam cho biết, số lượng doanh nghiệp xung quanh tỉnh Bắc Ninh là hơn 50 đơn vị. Lượng hàng hóa khu vực này chiếm khoảng 65-68% lượng hàng hóa thông qua cảng Hải Phòng, đạt khoảng 4 triệu Teus/năm. Hiện tại, tỉnh Bắc Ninh có kết nối với đường thủy nội địa đến cảng Hải Phòng qua các tuyến như sông Đuống, sông Thái Bình, sông Kinh Thầy, sông Cấm.

Một điểm thuận lợi khác nữa là sà lan có trọng tải 128 Teus có thể hoạt động thông suốt với chiều dài toàn tuyến khoảng 120km từ cảng biển Hải Phòng thông qua các tuyến sông Cấm – sông Kinh Thầy – sông Thái Bình – sông Đuống đến cảng cạn  - ICD Tân Cảng Quế Võ (cảng cạn).

Cục dự báo, đây là một thị trường đầy tiềm năng cho ngành logistics đường thủy phát triển với sản lượng hàng hóa xuất nhập khẩu khu vực Bắc Ninh – Bắc Giang – Thái Nguyên chiếm tới 40% tổng lượng hàng hóa xuất nhập khẩu ở khu vực phía Bắc.

Theo TTXVN, trước đó, từ năm 2020, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam đã có những dự án để phát triển tuyến vận tải đường thủy kiểu mẫu từ ICD Tân Cảng Quế Võ đến cảng biển Hải Phòng.

Cụ thể, tại huyện Quế Võ (Bắc Ninh), Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn đã đầu tư cảng Quế Võ, cảng thủy nội địa và hệ thống kho bãi với diện tích là 9,6 héc-ta (giai đoạn mở rộng là 100 héc-ta). Về quy mô, ICD Quế Võ có cảng thủy với 650m cầu tàu, năng lực tiếp nhận sà lan trọng tải tối đa 160 Teus.

Tại khu vực Hải Phòng, bến cảng Lạch Huyện (TC-HICT) có bến chuyên dụng cho phương tiện cập cảng. Bến cảng với 41 hec-ta, có 750m cầu cảng chính đón tàu 132.000 DWT và 150m bến phương tiện chuyên dụng, 2 cẩu bờ có thể tiếp nhận cùng lúc 2 phương tiện 160 Teus.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới