(KTSG Online) - Thế giới chuyển đổi mô hình phát triển sang hướng mới là kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế carbon thấp, với yêu cầu ngày càng cao về chất lượng nguồn nhân lực. Việt Nam cần thúc đẩy phát triển nhân lực chất lượng cao để tạo động lực cho mô hình phát triển mới.
- Giải bài toán nhân lực trên con đường phát triển công nghiệp vi mạch
- Lĩnh vực công nghệ cao TPHCM đang khan hiếm nhân lực
Đây là một trong những nội dung được Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đưa ra, nhằm làm rõ thêm các giải pháp phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung tại Quốc hội vào chiều 6-6.
Quochoi.vn đưa tin, tại phiên chất vấn và tranh luận với Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, đại biểu Quốc hội đã dẫn báo cáo của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), phần lớn nhân lực nghiên cứu và phát triển của các quốc gia trong OECD thuộc khu vực doanh nghiệp, trong khi đó ở Việt Nam, nguồn nhân lực này thuộc khu vực doanh nghiệp chỉ chiếm 15,17%, tỷ trọng rất nhỏ so với yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Đại biểu đề nghị lãnh đạo bộ, Chính phủ cho biết đã thực hiện cơ chế, chính sách như thế nào để thúc đẩy phát triển cũng như chuyển dịch, nâng cao tỷ trọng nhân lực nghiên cứu và phát triển R&D trong khu vực doanh nghiệp, nhất là khi các dự án về nghiên cứu phát triển AI trong doanh nghiệp gia tăng…
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết nguồn nhân lực R&D hết sức quan trọng và Đảng, Nhà nước đã, đang dành nhiều cơ chế, chính sách ưu tiên nhưng rất tiếc cho đến nay, năng suất lao động chưa đạt được tính bứt phá. Nhân lực R&D trong khu vực doanh nghiệp ở Việt Nam mới chiếm được trên 15% trong khi đó tại các doanh nghiệp khối Á – Âu, nhân lực R&D chiếm đến trên 50% và châu Âu là 56,3%.
Để đáp ứng nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực nghiên cứu trong các kết nối có tính liên thông, từ giáo dục phổ thông cho đến giáo dục chất lượng cao, ông cho rằng cần phải có sự phân bổ nguồn lực tập trung vào lĩnh vực công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI), Blockchain, công nghệ liên quan đến dược sinh học, kết nối vạn vật (IoT) và công nghệ liên quan đến máy tính, lượng tử cũng như rất nhiều công nghệ về năng lượng mới, năng lượng tái tạo.
Đây chính là tiềm năng có thể tạo ra công ăn việc làm mới, tạo ra những ngành nghề mới, nhưng xuất phát điểm vẫn liên quan đến con người và nguồn lực.
Vì thế thời gian tới, Chính phủ sẽ rà soát lại các vấn đề liên quan đến chính sách tăng trưởng xanh, các vấn đề liên quan đến phát triển nguồn nhân lực giáo dục và đào tạo, khoa học công nghệ và tập trung đẩy mạnh cho nghiên cứu, đổi mới sáng tạo.
Nếu chúng ta thay đổi được những vấn đề mang tính chất chủ trương và tư duy mới để phát triển theo mô hình thế giới đang áp dụng, Việt Nam dù đi sau vẫn có thể đón đầu, đặc biệt trong vấn đề chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và chuyển đổi năng lượng…, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.