Thứ tư, 22/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Thúc đẩy tự do kinh doanh: cần cải cách và giải pháp đột phá

Vân Ly

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Việt Nam đang tiến tới một nền kinh tế thị trường đầy đủ hơn thông qua việc thừa nhận sở hữu tư nhân và tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân phát triển. Tuy nhiên, qua những khó khăn doanh nghiệp gặp phải trong thực tế, cần có những chính sách mang tính đột phá để thúc đẩy tự do kinh doanh và nâng cao hiệu quả thị trường, theo khuyến nghị từ giới phân tích, chuyên gia.

Nội dung kể trên được ghi nhận tại hội thảo “Thúc đẩy tự do kinh doanh và nâng cao hiệu quả thị trường” do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VERP), thuộc trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội và Viện Friedrich Naumann Foundation phối hợp tổ chức vào ngày 16-12.

Ảnh hưởng dịch bệnh và kinh doanh khó khăn khiến nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa. Ảnh minh họa: TL

Yêu cầu về cải cách điều kiện kinh doanh

Phát biểu khai mạc sự kiện, PGS.TS Nguyễn Anh Thu, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội, cho biết từ năm 2014, cùng với sự ra đời của Nghị quyết 19/NQ-CP, Nghị quyết 02 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, Việt Nam đã xác định cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, hướng tới phát triển bền vững là một trọng tâm cài cách quan trọng, thường xuyên.

Qua 8 năm nỗ lực cải cách hưởng tới thị trường tự do và cải thiện môi trường kinh doanh, vị trí của Việt Nam trên các bảng xếp hạng uy tín toàn cầu đã được “thăng hạng", thứ hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam đã thay đổi vượt bậc, xếp thứ 78 (năm 2014) lên vị trí 6 (năm 2019), chỉ số tự do kinh tế năm 2022 cũng tăng 6 bậc từ vị trí 84 từ vị trí 90.

Ở thời điểm hiện tại, khi mà các bất ổn toàn cầu kèm theo nguy cơ suy thoái kinh tế hiện hữu thì sự phục hồi tăng trưởng và hiệu quả thị trường của Việt Nam cũng gặp thách thức nghiêm trọng. Đây là thời điểm rất quan trọng để đánh giá lại các thách thức toàn cầu và khu vực châu Á nói chung và đối với quyền tự do kinh doanh và các cải cách thể chế của Việt Nam nói riêng.

TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM, thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư) ) trong phần điểm lại một số vấn đề của nền kinh tế trong nước đã đưa ra lời cảnh báo về tình trạng của doanh nghiệp. Ông cho biết, qua ghi nhận, doanh nghiệp đang suy yếu, chưa phục hồi đầy đủ sau đại dịch Covid-19, tới đây, tình hình kinh tế sẽ còn khó khăn hơn nữa; nhất là khi nhu cầu bên ngoài suy giảm mạnh hơn (10 năm trước tăng trưởng xuất khẩu liên tục 2 con số). Giá đầu vào, nhất là nhập khẩu tăng cao hơn; tất cả chi phí đầu vào đều tăng cao hơn nhiều tốc độ tăng của chỉ số giá tiêu dùng (CPI); việc tiếp cận vốn ở tất cả các kênh đều khó hơn; giải ngân đầu tư công chậm, thủ tục phiền hà và chỉ theo đợt, không theo khối lượng xây lắp hoàn thành. Các doanh nghiệp từ cung cấp đất, đá sỏi và vật liệu, máy móc, nhà thầu… đều nợ lẫn nhau; chỉ được trả khi giải ngân. Doanh nghiệp phải vay ngân hàng, đến hạn không được vay đáo hạn; bị hạ bậc tín nhiệm; không được vay tiếp...

Về phía cơ quan nhà nước còn chưa linh hoạt trong điều chỉnh một số chính sách và cách thức quản lý, điều hành phát triển kinh tế - xã hội (giá vật liệu xây dựng, room tín dung, tỷ giá, mục tiêu lạm phát….., hay một số nội dung của chương trình phục hồi không còn phù hợp, mà không được điều chỉnh, bổ sung, sửa đổi…). Với những biến động bất thường của thị trường xăng dầu hay trái phiếu doanh nghiệp cũng cho thấy việc kém năng lực trong xử lý tình huống của cơ quan nhà nước. Cùng với đó là sự thiếu vắng những cải cách đột phá để cải thiện môi trường kinh doanh; tạo luồng sinh khí mới cho phát triển…

Về phía cơ quan nhà nước, ông cho rằng có biểu hiện cho thấy xu hướng kiểm tra, thanh tra, xử phạt, can thiệp hành chính đang thay thế cho “nhà nước kiến tạo”, tạo thuận lợi, giảm rủi, giảm chi phí cho đầu tư, kinh doanh.

Chia sẻ tại hội thảo, bà Hoàng Minh Thảo, Chuyên gia về Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của CIEM, cho rằng mặc dù đã có sự cải thiện nhờ sự quyết liệt của Chính phủ trong những năm gần đây, cụ thể, giai đoạn 2014-2015, Chính phủ đã đưa ra 40 văn vản chỉ đạo về cải thiện môi trường kinh doanh, vì thế các bộ, ngành đã có sự vào cuộc, nhiều điều kiện kinh doanh được cắt giảm.

Tuy nhiên, từ năm 2020 đến nay, có thể do tác động của dịch bệnh nên tiến trình cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam đang bị chững lại, bà Thảo cho biết, và thông tin thêm rằng mức độ can thiệp của Nhà nước vào thị trường có dấu hiệu tăng lên trong những năm gần đây. Mức độ này ở Việt Nam chỉ thấp hơn mỗi Lào và Campuchia, còn lại cao hơn tất cả các quốc gia còn lại của ASEAN. Điều này cho thấy, quyền tự do kinh doanh của Việt Nam chưa được đảm bảo.

Cần giải pháp mang tính thực tiễn, đột phá

Từ những phân tích nêu trên, các chuyên gia kinh tế cho rằng, Việt Nam còn rất nhiều dư địa để thúc đẩy cải thiện tự do kinh doanh và nâng cao hiệu quả thị trường. Đặc biệt, theo ông Fred Mcmahon, Chủ trì nghiên cứu về tự do kinh tế tại Viện Fraser (Canada), việc cải thiện thể chế, thúc đẩy tự do kinh doanh là yêu cầu tất yếu của Việt Nam hiện nay. Điều này càng quan trọng hơn trong bối cảnh Việt Nam có tốc độ tăng trưởng kinh tế khoảng 25%/mỗi năm trong suốt nhiều năm qua, đây là một mức tăng trướng khá tốt.

Song ông Fred Mcmahon cho rằng, muốn tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng GDP nhanh hơn, bền vững hơn, không còn cách nào khác là Việt Nam cần phải tập trung cải cách kinh tế, cải cách thị trường. Muốn làm được như vậy, thúc đẩy tự do kinh doanh đóng vai trò quan trọng, từ đó sẽ tác động đến tăng trưởng kinh tế.

Đồng tình với quan điểm này, TS Nguyễn Đình Cung cũng nhận định bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước đang tạo ra những thách thức không nhỏ đối với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Cụ thể, suy thoái kinh tế toàn cầu diễn ra vào cuối năm 2023 và năm 2024, lạm phát gia tăng tại nhiều quốc gia trên thế giới sẽ khiến suy giảm tiêu dùng, cắt giảm đơn hàng nhập khẩu tại một số quốc gia trên thế giới sẽ tác động đến doanh nghiệp Việt Nam, khiến doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất để phù hợp với bối cảnh mới.

Trong bối cảnh đó, TS Nguyễn Đình Cung cho rằng, thúc đẩy tự do kinh doanh nâng cao độ an toàn kinh doanh, từ đó nâng cao hiệu lực, hiệu quả thị trường là yêu cầu cấp thiết.

Cụ thể, để thúc đẩy tự do kinh doanh và nâng cao hiệu quả thị trường, TS Nguyễn Đình Cung cho rằng Chính phủ cần tiếp tục duy trì ổn định kinh tế vĩ mô bằng các giải pháp phù hợp; thúc đẩy tăng trưởng hợp lý, bảo đảm an sinh xã hội. Mục tiêu lạm phát 5,5-5% trong 2 năm 2023-2024, sau đó giảm dần.

Bên cạnh đó cần bỏ trần tín dụng đối với từng tổ chức tín dụng và chuyển sang điều hành cung tín dụng linh hoạt hơn; các chỉ tiêu tín dụng là tham chiếu; không ấn định pháp lệnh như hiện nay. Tiếp tục cho phép các tổ chức tín dụng cơ cấu lại nợ đối với doanh nghiệp như thời kỳ đại dịch Covid-19; xem xét, chỉ đạo mở rộng và cung ứng tín dụng có mục tiêu chỉ định;  duy trì chế độ quản lý tỷ giá như hiện nay.

Việc quản lý, điều tiết thị trường nên tiến hành bằng các giải pháp thị trường thay cho mệnh lệnh hành chính, hạn chế việc thay đổi luật pháp theo lối “giật cục”, khó đoán định, làm đứt gãy hoạt động bình thường của thị trường. Trường hợp có quy định pháp luật chồng chéo, khác biệt hoặc chưa cụ thể, thì áp dung quy định phù hợp nhất có thể giải quyết được khó khăn, vướng mắc có liên quan.

Từ năm 2000 đến nay, xếp hạng Tự do kinh tế đối với Việt Nam (theo đánh giá của Viện Fraser) luôn nằm dưới thứ hạng 100, thể hiện hiệu quả thị trường kém. Mặc dù qua các năm, điểm số và thứ hạng có cải thiện nhẹ, nhưng vẫn rất thấp. Trong đó, Việt Nam đạt 5,58 điểm và thứ hạng 105 (năm 2000); 5,9 điểm và thứ hạng 128 (năm 2010); 6,04 điểm với thứ hạng 126 (năm 2015); 6,4 điểm với thứ hạng 118 (năm 2019). Theo xếp hạng Tự do kinh tế 2022, Việt Nam ở vị trí cuối bảng (thứ 113/165 nền kinh tế) với 6,42 điểm (thang điểm 10).Chỉ số Tự do kinh tế thế giới (Economic Freedom of the World) của Viện Fraser là chỉ số đánh giá mức độ chính sách và thể chế của một quốc gia ủng hộ tự do kinh tế trong 5 lĩnh vực: quy mô của chính phủ; hệ thống pháp lý và quyền tài sản; tiếp cận với đồng tiền lành mạnh; tự do thương mại quốc tế; quy định về thị trường tín dụng, thị trường lao động và kinh doanh.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới