(KTSG Online) - Thủ tướng Phạm Minh Chính ngày 19-8 đã chủ trì Hội nghị trực tuyến với 61 điểm cầu là các cơ quan đại diện thương mại Việt Nam ở nước ngoài, phụ trách 176 thị trường trên thế giới. Hội nghị hướng đến các giải pháp thu hút nhà đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực công nghiệp sản xuất trong nước.
- Nhà đầu tư nước ngoài ‘bơm’ hàng tỉ đô la cho ngân hàng Việt Nam
- Đến năm 2030, kỳ vọng xuất khẩu thuỷ sản đạt 12 tỉ đô la Mỹ mỗi năm
Báo cáo của Bộ Công Thương tại hội nghị cho biết, hệ thống thương vụ tại nước ngoài đã đảm bảo thực hiện tốt chức năng đại diện và bảo vệ lợi ích quốc gia trong lĩnh vực kinh tế - thương mại; có những đóng góp tích cực vào việc xây dựng chính sách thương mại để phát triển quan hệ thương mại, công nghiệp giữa Việt Nam với nước sở tại, mở rộng thị trường ngoài nước; tích cực tham gia các hoạt động đàm phán, ký kết nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới.
Nhiều thương vụ đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan trong và ngoài nước tổ chức các diễn đàn doanh nghiệp, hội thảo về thương mại - đầu tư ở Việt Nam, Ngày mua hàng Việt Nam và tham gia quảng bá cho hàng Việt Nam trên các phương tiện thông tin đại chúng và tại các hệ thống siêu thị của nước sở tại.
Đáng chú ý, các thương vụ đã chủ động phát hiện, tháo gỡ các rào cản thương mại mà các nước áp dụng đối với hàng hóa Việt Nam, giải quyết các tranh chấp thương mại giữa nước ta và nước ngoài, bảo vệ tốt được quyền lợi kinh tế của quốc gia cũng như là chỗ dựa vững chắc cho các doanh nghiệp tại nước ngoài.
Thủ tướng Chính phủ cho biết, trước tình hình có nhiều diễn biến, có chiều hướng bất lợi cho xuất khẩu của đất nước. Thủ tướng muốn thông qua Hội nghị này để phân tích tình hình, đề ra các nhiệm vụ, giải pháp thích ứng với tình hình.
Thủ tướng cho rằng, để hệ thống thương vụ Việt Nam tại nước ngoài làm tốt hơn nhiệm vụ cung cấp thông tin về chính sách, nhu cầu thị trường, xúc tiến thương mại, kết nối giao thương, các thương vụ cần nghiên cứu, nắm vững hệ thống luật pháp, quy định và các phong tục, tập quán thương mại của nước sở tại để hỗ trợ, bảo vệ quyền lợi, lợi ích chính đáng của các doanh nghiệp Việt Nam, nhất là trong ứng phó với các vụ điều tra phòng vệ thương mại.
Thủ tướng đề nghị các thương vụ tăng cường tìm kiếm đối tác, kết nối các doanh nghiệp trong và ngoài nước hợp tác đầu tư, thu hút các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp trong nước, đặc biệt là những ngành công nghiệp có tính chất nền tảng như cơ khí, chế biến, chế tạo, điện tử, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp vật liệu, hoá chất, dược phẩm…Tích cực kết nối doanh nghiệp, thu hút đầu tư phát triển ngành năng lượng, trong đó tập trung năng lượng tái tạo, tiến tới làm chủ về công nghệ, đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu các thiết bị trong quá trình chuyển đổi năng lượng mới.
Bên cạnh đó, các thương vụ cần hỗ trợ đẩy mạnh hợp tác để phát triển lực lượng lao động kỹ thuật thông qua việc đưa lao động, thực tập sinh ra nước ngoài để học tập, làm việc, tiếp cận công nghệ sản xuất mới, quản trị mới, góp phần đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước.
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các thương vụ đẩy mạnh tìm kiếm, phát hiện, kết nối để đa dạng nguồn cung nguyên vật liệu phục vụ các ngành sản xuất trong nước; thúc đẩy hợp tác với nước ngoài để phát triển ngành công nghiệp vật liệu của Việt Nam, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước chủ động trong sản xuất và xuất khẩu, tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Theo Cổng thông tin Bộ Công thương