Thứ Tư, 18/09/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Thực hành ESG không phải để ‘tẩy xanh’ doanh nghiệp

Hoàng An

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Trong khuôn khổ tọa đàm chủ đề “Vai trò quản trị trong ESG và Thương hiệu doanh nghiệp” tại lễ phát động Giải thưởng Thương hiệu Vàng lần thứ 5 – năm 2024, các chuyên gia đã nhấn mạnh việc thực hành ESG (Môi trường, xã hội và quản trị) không phải bắt buộc. Tuy vậy, đây là lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp trong bối cảnh hiện tại và bất kỳ đơn vị nào cũng có thể thực hiện dựa theo tiềm lực của mình một cách tử tế.

Các chuyên gia trao đổi về vai trò quản trị ESG và thương hiệu doanh nghiệp. Ảnh: BTC

Hướng đến thực hiện ESG nghiêm túc

Theo ông Phạm Phú Ngọc Trai, Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch Liên minh tái chế bao bì Việt Nam (PRO VIETNAM), hiện nay Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội để thực hành ESG một cách nghiêm túc. Cụ thể, Việt Nam đã có những định chế về luật pháp, quy định trong quá trình hành xử với môi trường, xã hội, quản trị để đảm bảo doanh nghiệp cùng nhau thúc đẩy một mục tiêu chung. “ESG là công cụ, bộ tiêu chuẩn để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển bền vững theo hướng quốc gia”, ông Trai nói.

Thực tế, mỗi doanh nghiệp đều có ba tác nhân ảnh hưởng đến sự phát triển của đơn vị là nhà đầu tư, khách hàng/người tiêu dùng, lực lượng lao động. Khi doanh nghiệp dựa vào ESG cũng là cách tạo nên thế mạnh cạnh tranh, thúc đẩy sự phát triển bền vững bên cạnh các vấn đề quản trị khác như bán hàng, truyền thông marketing… ông phát biểu tại sự kiện.

Chia sẻ về tiêu chí thực hành ESG, cụ thể ở yếu tố quản trị (Governance), đại diện Coteccons cho biết ngành xây dựng hằng năm tạo ra lượng phát thải lớn ngoài môi trường ước tính chiếm 30-40% tổng lượng phát thải. Ông Bolat Duisenov, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Công ty cổ phần Xây dựng Coteccons nhấn mạnh rằng đối với Coteccons, ESG không phải là một sự bắt buộc, đó là sự lựa chọn của doanh nghiệp.

Được biết, Coteccons đang nắm giữ vị trí công ty xây dựng số 1 trong việc xây dựng các công trình xanh, đạt được chứng chỉ LEED quốc tế, LOTUS của Việt Nam.

Năm 2024 đánh dấu cột mốc 20 năm hình thành và phát triển của Coteccons tại thị trường Việt Nam. “Chúng tôi muốn phát triển bền vững ở 50 năm, 100 năm tới và hơn thế nữa. Chính vì thế, ESG lại càng quan trọng hơn với Coteccons”, ông nói.

Ông Bolat Duisenov, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Công ty cổ phần Xây dựng Coteccons.

Doanh nghiệp quan tâm thực hành ESG với 2 vấn đề được coi là cốt lõi đối với các doanh nghiệp trong ngành xây dựng là giảm phát thải và chăm lo đời sống cho người lao động. Ông Bolat bộc bạch trăn trở nhất của Coteccons là làm sao để xây dựng một cơ chế chặt chẽ và một mạng lưới đối tác rộng lớn để có thể giảm lượng phát thải CO2 từ hoạt động xây dựng, góp phần vào mục tiêu Net Zero của Việt Nam. Hơn hết Coteccons làm sao tạo ra tác động tích cực để hướng tới đối tượng lao động trong ngành xây dựng, đặc biệt là những nhóm người dễ bị tổn thương.

Tuy vậy, việc thực hành ESG để tạo lợi thế cạnh tranh, xây dựng thương hiệu cho doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng là nỗi trăn trở. Với 98% doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ hiện nay, ông Ngọc Trai cho rằng ESG không phải chỉ dành cho công ty quy mô lớn. Mỗi doanh nghiệp đều có những cơ hội thực hiện ESG phụ thuộc vào nguồn lực, bản chất quản lý của công ty. Chẳng hạn trong khả năng, ban lãnh đạo có thể thực hiện những việc nhỏ như tính toán giảm rác thải, giảm tiêu hao năng lượng.

“ESG được thực hiện đơn giản từ những việc nhỏ. Nó phụ thuộc vào nhận thức của chủ doanh nghiệp để chọn lựa, quyết định trong lĩnh vực kinh doanh của mình. Thực tế không phải công ty lớn thì chính sách đảm bảo quyền lợi cho nhân sự sẽ tốt và ngược lại”, ông Trai phát biểu.

Đừng rơi vào “tẩy xanh” doanh nghiệp

Đặt câu hỏi với chuyên gia việc không ít doanh nghiệp thực hiện ESG như cách để đánh bóng tên tuổi thương hiệu, ông Ngọc Trai cho rằng ở Việt Nam đã có những hành lang pháp lý như luật lao động, luật kinh doanh… ngày càng được siết chặt để xử phạt những doanh nghiệp vi phạm tùy theo mức độ. Việc làm ESG như cách “tẩy xanh” sẽ dễ khiến doanh nghiệp nhận lấy hậu quả ảnh hưởng đến tài chính, thương hiệu, thậm chí bị chính khách hàng, người tiêu dùng tẩy chay.

“Với xu thế hiện tại, tôi nghĩ những tiêu cực đã phần nào được hạn chế do các quy định pháp luật. Để đi đường dài với nhà đầu tư, người tiêu dùng, doanh nghiệp không thể nghĩ đến lợi ích ngắn hạn”, ông nói.

Ông Bolat cũng đồng tình thị trường hiện tại không tránh khỏi tình trạng “tẩy xanh” để thu hút sự chú ý và lợi ích ngắn hạn. Hiện tượng “tẩy xanh” xuất phát từ mong muốn của doanh nghiệp làm đẹp hồ sơ của mình, chọn đi “đường tắt” để che giấu thực tế, đạt được lợi ích trước mắt.

Theo ông, có hai hình thức thường thấy hiện nay trong các doanh nghiệp khi đề cập đến ESG. Thứ nhất là bắt buộc thực hành ESG một cách chặt chẽ, có tiêu chí rõ ràng và thứ hai là khuyến khích, cổ động thực hành ESG trong hoạt động doanh nghiệp.

Với Coteccons, G – Governance trong ESG không chỉ đơn thuần dừng lại trong nội bộ doanh nghiệp mà còn là việc ảnh hưởng đến các đối tác, khách hàng, cộng sự, nhân viên và toàn xã hội để cùng chung tay thực hiện ESG.

Tuân thủ ESG phải dựa trên chính sách minh bạch, nhận được sự ủng hộ và đồng thuận của khách hàng và đối tác. Sự phản hồi tích cực từ đối tác và doanh nghiệp tương tự là minh chứng cho sự phát triển ESG bền vững.

“Khi cộng đồng trở nên bền vững và xã hội minh bạch, hành động “tẩy xanh” sẽ không còn tồn tại và thay vào đó là các hoạt động thực tiễn tác động tích cực cho tất cả các bên”, Chủ tịch Hội đồng quản trị, công ty cổ phần Xây dựng Coteccons nói thêm.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới