Thực hư chuyện 15 công ty Nhật Bản dịch chuyển sang Việt Nam
Lê Hoàng
(TBKTSG Online) - Tất cả 15 công ty Nhật Bản được chính phủ nước này phê duyệt trợ cấp vốn đầu tư ở Việt Nam đều là những nghiệp đang có hoạt động sản xuất ở thị trường Việt Nam nhiều năm nay.
Và một điểm đáng chú ý là một số công ty Nhật Bản trong danh sách này đến nay cũng chưa có nhà máy hoạt động ở thị trường Trung Quốc.
Các công ty Nhật về đâu khi rời khỏi Trung Quốc?
![]() |
Sản xuất của một doanh nghiệp Nhật Bản tai TPHCM. Ảnh minh họa: Lê Hoàng |
Hôm 17-7, truyền thông Nhật Bản đưa tin nước này công bố danh sách 87 công ty đầu tiên được nhận trợ cấp vốn của chính phủ để dời dây chuyền sản xuất ra khỏi Trung Quốc. Và xem đây là một phần của chiến lược của Thủ tướng Shinzo Abe nhằm giảm sự lệ thuộc vào nền kinh tế Trung Quốc và tái xây dựng chuỗi cung ứng tin cậy hơn.
Thông tin này được nhiều người hiểu rằng tất cả 87 công ty Nhật Bản này đang hoạt động sản xuất ở Trung Quốc được nhận trợ cấp của chính phủ để dời dây chuyền sản xuất ra khỏi Trung Quốc, trong đó có cả 15 công ty chuyển đến Việt Nam.
Tuy nhiên, chia sẻ với TBKTSG Online, ông Hirai Shinji, Trưởng đại diện Văn phòng Tổ chức Xúc tiến Ngoại thương Nhật Bản (JETRO) tại TPHCM, cho rằng bản chất là không phải những công ty Nhật Bản nói trên đóng cửa nhà máy ở Trung Quốc dời đi các nước khác hoặc mang trở về Nhật Bản.
Trên thực tế chương trình hỗ trợ này bao gồm các sáng kiến giúp các công ty Nhật Bản đa dạng hóa cơ sở sản xuất nhằm tăng cường khả năng phục hồi chuỗi cung ứng của họ. "Chương trình này không nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp chuyển cơ sở sản xuất sang các nước khác hoặc đưa trở về Nhật Bản", ông Hirai Shinji lưu ý.
Dự án chuyển các doanh nghiệp sang khu vực châu Á còn nhằm tăng cường mối quan hệ hợp tác kinh tế và công nghiệp Nhật Bản - ASEAN. Theo báo cáo của JETRO, có tới 124 đơn vị đăng ký và 30 công ty đầu tiên được chọn trong vòng tài trợ di dời sang khu vực Đông Nam Á lần này. |
Ông giải thích thêm rằng, chương trình này bao gồm hỗ trợ xây dựng các nhà máy sản xuất bổ sung, nâng cao hiệu quả sản xuất /hậu cần bằng cách sử dụng các công nghệ kỹ thuật số và sản xuất hàng hóa trung gian thay thế khác.
Cụ thể nói riêng về thị trường Việt Nam, ông Hirai Shinji khẳng định tất cả 15 doanh nghiệp Nhật Bản được trợ cấp vốn nói trên đều đang có nhà máy sản xuất ở thị trường Việt Nam, chứ không phải là doanh nghiệp được dịch chuyển từ Trung Quốc sang.
Trong đó có đến hơn một nửa số doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam này chủ yếu đang hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ sản xuất thiết bị y tế, đồ bảo hộ như khẩu trang y tế, áo phòng chống dịch, dây dẫn sản xuất vắcxin... là những mặt hàng thiết yếu, đang rất cần thiết cho cuộc chiến chống dịch Covid-19.
Số còn lại sản xuất linh phụ kiện cho ngành sản xuất thiết bị điện tử, công nghệ máy...
Và theo lãnh đạo JETRO tại TPHCM, những công ty này được khuyến khích mở rộng hoạt động, tăng công suất lên nữa nhằm đáp ứng nguồn cung đang bị thiếu hụt do ảnh hưởng Covid-19.
Người đại diện JETRO còn dẫn chứng thêm 2 trong số 15 công ty Nhật Bản được hỗ trợ vốn mở rộng đầu tư ở thị trường Việt Nam là Công ty TNHH Akiba Die Casting (chuyên sản xuất bộ phận module điện) và Công ty TNHH Pronics (chuyên sản xuất linh kiện máy điều hòa) hiện nay không có nhà máy ở Trung Quốc. Cả hai doanh nghiệp này hiện nay chỉ có nhà máy ở Việt Nam và Thái Lan.
![]() |
Dây chuyền sản xuất của một doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam. Ảnh minh họa: Lê Hoàng |
Hiện những doanh nghiệp này vẫn đang đợi thông tin triển khai từ phía JETRO ở Nhật Bản, nhưng người đại diện JETRO tại TPHCM cho biết sẽ sẵn sàng hỗ trợ các doanh nghiệp này triển khai dự án mở rộng hiệu quả để có thể tiếp cận được các gói hỗ trợ.
Theo người đứng đấu JETRO tại TPHCM, dịch bệnh cũng là lúc các doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam xem xét lại chuỗi cung ứng sản xuất của mình. Cũng như nhiều doanh nghiệp FDI khác tại Việt Nam, các doanh nghiệp Nhật Bản cũng đang gặp khó trong việc tìm kiếm các nhà cung cấp mới. Đây là thách thức không dễ giải quyết trong một thời gian ngắn hạn.
Cũng theo ông Hirai Shinji, trong giai đoạn tới có thể Chính phủ nước này sẽ chọn những doanh nghiệp Nhật Bản chưa có đầu tư ở Việt Nam để thực hiện dự án hoàn toàn mới. Tuy nhiên, điều này cũng không đồng nghĩa với việc chọn những công ty đang hoạt động ở thị trường Trung Quốc chuyển cơ sở sản xuất Việt Nam.
Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI) vừa công bố danh sách chi tiết 87 công ty sẽ được nhận số tiền hỗ trợ 70 tỉ Yên (tương đương 653 triệu đô la Mỹ) để thực hiện kế hoạch di chuyển nhà máy ra khỏi Trung Quốc. Hãng tin Nikkei cho biết, có 30 doanh nghiệp Nhật Bản sẽ chuyển đến các nước Đông Nam Á, phần còn lại sẽ quay về Nhật Bản. Trong số này có 15 công ty chọn Việt Nam làm vị trí để đặt nhà máy, bao gồm 6 công ty có quy mô lớn và 9 công ty có quy mô vừa và nhỏ. Phần lớn các công ty chuyển nhà máy đến Việt Nam chuyên về sản xuất thiết bị y tế, trong đó có 5 công ty chuyên về sản xuất linh kiện thiết bị điện, điện tử và ô tô. Đáng chú ý có Hoya Corporation, công ty chuyên sản xuất linh kiện ổ cứng máy tính, sẽ đặt nhà máy cả ở Việt Nam và Lào. Theo thông báo của Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO), đây là động thái để cải thiện lỗ hổng trong chuỗi cung ứng của Nhật Bản kể từ khi đại dịch Covid 19 bùng phát và lan rộng. Dự án chuyển các doanh nghiệp sang khu vực châu Á còn nhằm tăng cường mối quan hệ hợp tác kinh tế và công nghiệp Nhật Bản - ASEAN. Theo báo cáo, có tới 124 đơn vị đăng ký và 30 công ty đầu tiên được chọn trong vòng tài trợ di dời sang khu vực Đông Nam Á lần này. Trước đó hồi tháng 4, chính phủ từng dự định thanh toán khoảng 243 tỉ yên (hơn 2,2 tỉ đô la) để giảm dần phụ thuộc vào chuỗi cung ứng của Trung Quốc. Giới phân tích đánh giá Việt Nam đang được xem là điểm đến lý tưởng để thu hút đầu tư của nước ngoài, nhất là khi Việt Nam đang kiểm soát tốt đại dịch Covid-19 cùng với hội nhập kinh tế sâu rộng. |