Thứ Tư, 7/08/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Thực trạng ô nhiễm đất ở Long An đặt vấn đề cho chiến lược phát triển bền vững

Trung Chánh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Kết quả điều tra, đánh giá đất, nước trên địa bàn tỉnh Long An cho thấy thực trạng ô nhiễm kim loại nặng rất đáng báo động. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng hơn, theo ý kiến của chuyên gia, đó là trên phạm vi vùng, thậm chí cả nước cần có chiến lược hành động để có hướng đi phù hợp hơn với vấn đề này trong tương lai.

Hôm 30-7-2024 vừa qua, UBND tỉnh Long An đã có Quyết định 7620/QĐ-UBND về việc phê duyệt kết quả thực hiện dự án điều tra, đánh giá ô nhiễm đất trên địa bàn tỉnh Long An.

Đất, nước ở Long An bị ô nhiễm kim loại nặng từ hoạt động sản xuất công nghiệp. Trong ảnh là nhà máy sản xuất giấy đã ngưng hoạt động ở Long An. Ảnh minh hoạ: Trung Chánh

“Báo động” đất và nước ô nhiễm kim loại nặng

Dự án đã phân tích 812 mẫu đất và 372 mẫu nước ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh. Trong đó, số mẫu đất bị ô nhiễm là 31, chiếm 3,82% tổng số mẫu phân tích và có 81 mẫu cận ô nhiễm, chiếm 9,98% số mẫu đánh giá; số mẫu nước bị ô nhiễm là 111, chiếm 29,84% tổng số mẫu phân tích và 76 mẫu cận ô nhiễm, chiếm 20,43% tổng số mẫu phân tích.

Kết quả điều tra đã xác định được các nguồn gây ô nhiễm (kể cả cận ô nhiễm), bao gồm khu/cụm công nghiệp (635,94 héc ta); nguồn ô nhiễm từ nghĩa trang/nghĩa địa (200,58 héc ta); nguồn từ bãi rác/xử lý rác thải (112,56 héc ta); nguồn từ các cơ sở y tế (164,83 héc ta); từ khai thác khoáng sản (13,61 héc ta); các khu vực thâm canh cao (557,84 héc ta); nuôi trồng thuỷ sản (1.182,76 héc ta) và nguồn khác làm phát sinh ô nhiễm/cận ô nhiễm với diện tích 73,01 héc ta.

Trong số các nguồn ô nhiễm như nêu trên, thì khu vực khu/cụm công nghiệp; bãi rác/xử lý rác thải và khu vực thâm canh cao đã bị ô nhiễm các nguồn kim loại nặng khá nhiều, bao gồm chì (Pb), kẽm (Zn), Cadmium (Cd), đồng (Cu) và Asen (As). Đây là những chất rất độc, gây nguy hiểm đối với sức khoẻ của con người, thậm chí có thể tử vong nếu hấp thụ một lượng lớn.

Đối với khu vực nuôi thuỷ sản, kết quả điều tra cho thấy, trong tổng số hơn 1.182 héc ta đất bị ô nhiễm/cận ô nhiễm, thì có trên 760 héc ta bị nhiễm và cận nhiễm kim loại nặng.

Kết quả điều tra cũng đưa ra cảnh báo ô nhiễm và nguy cơ ô nhiễm đối với hàng loạt khu/cụm công nghiệp, bao gồm khu công nghiệp Đức Hoà 1, Lê Long, Tân Đức, Hải Sơn, Tân Đô, Xuyên Á, Tân Kim, Tân Kim mở rộng, Nhật Chánh, Thịnh Phát, Phú An Thạnh, Phúc Long, Thuận Đạo, Thuận Đạo mở rộng, Cầu Trạm; các cụm công nghiệp, gồm Liên Minh, Liên Hưng, Đức Hoà Hạ, Hoàng Gia, Anova Group, Thiên Lộc Thành, Đức Hoà Đông, Đức Mỹ, Hải Sơn, Hựu Thạnh- Liên Á, Hiệp Thành, Hoàng Long, Kiến Thành và khu vực Công ty TNHH Mai Phương.

Ngoài ra, rất nhiều khu vực cơ sở y tế, khai thác khoáng sản, nuôi trồng thuỷ sản, sản xuất thâm canh cao ở nhiều khu vực trên địa bàn tỉnh Long An được cảnh báo là nguồn gây ô nhiễm và nguy cơ ô nhiễm.

Từ kết quả điều tra nêu trên của tỉnh Long An có thể thấy tình trạng đất, nước bị ô nhiễm/cận ô nhiễm do hoạt động sản xuất công nghiệp, sản xuất thâm canh cao, nuôi trồng thuỷ sản, y tế, khai thác khoáng sản và cả nghĩa trang, nghĩa địa gây ra là rất đáng báo động, trong đó, có nhiều nguồn làm phát sinh ô nhiễm kim loại nặng.

Sản xuất nông nghiệp thâm canh cao, nuôi trồng thuỷ sản cũng phát sinh ô nhiễm kim loại nặng. Trong ảnh là hoạt động nuôi tôm ở tỉnh Long An. Ảnh: Trung Chánh

Điều tra tổng thể để có chiến lược ứng phó

Trao đổi với KTSG Online liên quan câu chuyện nêu trên, TS Trần Hữu Hiệp, Chuyên gia kinh tế vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) cho rằng, đây là vấn đề không nằm ngoài khuyến nghị của các nhà kinh tế, nhà môi trường nhiều năm qua. “Phát triển kinh tế, đặc biệt là công nghiệp và nông nghiệp lạm dụng phân, thuốc trừ sâu để gia tăng năng suất luôn có mặt trái”, ông nói.

Thời gian qua, việc xây dựng cơ chế pháp lý (như Luật bảo vệ môi trường) liên tục được sửa đổi, bổ sung cũng như cập nhật hệ thống văn bản hướng dẫn thi hành. Tuy nhiên, qua thực tế diễn ra, rõ ràng việc bảo vệ môi trường cần đặt ra tiêu chuẩn nghiêm ngặt hơn, với biện pháp bảo vệ mạnh mẽ hơn để đảm bảo “không đánh đổi môi trường để lấy phát triển công nghiệp, tăng trưởng kinh tế”.

Theo ông Hiệp, từ vấn đề của Long An, các địa phương cũng phải xem đây là câu chuyện cần quan tâm trong bài toán phát triển bền vững của địa phương. “Tất nhiên, để có luận cứ, cơ sở khoa học thì các địa phương cũng nên nghiên cứu, khảo sát, đánh giá tương tự”, ông gợi ý.

Còn về mặt tổng thể, vị chuyên gia kinh tế này cho rằng, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng cần có nghiên cứu tổng thể tác động môi trường từ phát triển công nghiệp, kinh tế và cả sản xuất nông nghiệp. “Phát triển kinh tế tác động đến môi trường là có, nhưng mức độ tới đâu? Khẩn cấp hay có thể chấp nhận được? Những giải pháp gì phù hợp để ứng phó với tình hình đó là câu chuyện cần những luận cứ rõ ràng”, ông nhấn mạnh.

Chính vì vậy, theo ông Hiệp, qua thực trạng của Long An, các địa phương, kể cả Bộ Tài nguyên và Môi trường cần phải khảo sát, đánh giá toàn diện nhằm đưa ra giải pháp, bao gồm bổ sung các kịch bản phát triển của địa phương. “Nó là cơ sở để khuyến nghị ở nhiều lĩnh vực, chứ không chỉ phát triển công nghiệp”, ông nói.

Còn riêng với Long An, tại kết quả khảo sát, nghiên cứu nêu trên, ông Nguyễn Minh Lâm, Phó chủ tịch UBND tỉnh đã nêu ra 4 nhóm giải pháp để ứng phó, bao gồm tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong bảo vệ môi trường; nhóm giải pháp về chính sách như bảo vệ đất trồng lúa, đảm bảo an ninh lương thực hay hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu cây trồng; giải pháp quản lý tài nguyên và môi trường và giải pháp về kỹ thuật.

Trong khi đó, tại một hội nghị về phát triển bền vững mới đây ở tỉnh Đồng Tháp, liên quan vấn đề môi trường tại các khu công nghiệp, TS Phan Hữu Thắng, Nguyên cục trưởng Cục đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng, ảnh hưởng sản xuất công nghiệp đến môi trường hiện nay là rất lớn vì nước thải, khí thải trong quá trình sản xuất không được xử lý phù hợp.

Theo ông Thắng, xu hướng các nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư nước ngoài (FDI) chọn vào các khu/cụm công nghiệp để phát triển nhà máy sản xuất thời gian tới vẫn tiếp diễn. Do đó, để bảo vệ môi trường thì cần phải chuyển đổi mô hình công nghiệp truyền thống sang công nghiệp sinh thái, công nghiệp xanh bền vững. “Nếu Việt Nam nói chung và ĐBSCL nói riêng không dịch chuyển sang công nghiệp sinh thái sẽ mất cơ hội thu hút các nhà đầu tư tiềm năng cùng các dự án quy mô lớn”, ông nhấn mạnh.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới