Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Thuế quan carbon có thể tác động lớn đến kinh tế toàn cầu

Lạc Diệp

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – Chính phủ Mỹ, các nước châu Âu và những quốc gia phát triển khác đang bắt tay vào thực hiện một thử nghiệm chống biến đổi khí hậu: sử dụng thuế quan thương mại để cắt giảm lượng khí thải carbon. Ý tưởng này được dự báo có thể làm thay đổi các quy tắc thương mại trên toàn cầu.

Các nước phát triển nỗ lực đánh thuế carbon

Thông thường, khi một quốc gia áp thuế carbon hoặc một số quy định khác về giảm phát thải đối với các nhà máy thép nội địa, biện pháp này có thể làm gia tăng chi phí, giá thành sản phẩm, khiến doanh nghiệp trở nên kém cạnh tranh hơn. Người mua cũng sẽ có xu hướng nhập khẩu các loại thép có giá rẻ hơn, nhưng lại được sản xuất với mức phát thải cao hơn, từ đó khiến các doanh nghiệp trong nước gặp bất lợi.

Tệ hơn nữa, các nhà sản xuất sẽ có xu hướng dịch chuyển nhà máy sang các quốc gia có quy định thoáng hơn, từ đó triệt tiêu những lợi ích về môi trường mà chính sách thuế lẽ ra có thể đem lại. Các nhà kinh tế môi trường gọi đây là sự rò rỉ.

Để hạn chế những lỗ hổng này, các nhà hoạch định chính sách ở cả hai bờ Đại Tây Dương đang xem xét việc áp dụng thuế quan carbon – còn được gọi là cơ chế điều chỉnh biên giới carbon, nhắm vào các sản phẩm có mức độ phát thải cao trong quá trình sản xuất. Thuế quan được kỳ vọng sẽ mang lại lợi thế cạnh tranh cho các nhà sản xuất ở những quốc gia có lượng khí thải tương đối thấp.

Ý tưởng này đang nhận được sự ủng hộ từ nhiều doanh nghiệp sản xuất, cũng như các chính trị gia – những người nhận ra cơ hội để thu hút các công ty sản xuất trong nước và tạo thêm việc làm cho người lao động. Hôm 31-10, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã công bố thỏa thuận thương mại đầu tiên kết hợp một ý tưởng như vậy. Thỏa thuận với Liên minh châu Âu (EU) sẽ cùng hạn chế việc nhập khẩu thép có mức phát thải carbon cao.

Trước đó, EU – nền kinh tế đi đầu về các nỗ lực giảm phát thải, đã công bố một kế hoạch thuế quan carbon hồi tháng 7 vừa qua. Theo đó, các nhà sản xuất ngoại khối sẽ bị áp một mức phí tương tự các công ty nội khối, dựa trên hàm lượng carbon trong các sản phẩm được bán tại thị trường châu Âu. Các điều chỉnh ban đầu sẽ áp dụng cho bốn lĩnh vực gây ô nhiễm nặng là thép, nhôm, xi măng và phân bón.

Chính phủ Anh, Nhật Bản và Canada cũng đã bắt đầu nghiên cứu các kế hoạch tương tự. Tại Mỹ, hơn 10 dự luật đã được đề xuất trước Quốc hội kể từ năm 2015, bởi các nghị sĩ của cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa. Các dự luật này bao gồm việc áp các loại thuế quan carbon, chủ yếu nhằm vào các sản phẩm mà thị trường nội địa có sản xuất.

Những tác động đến sản xuất toàn cầu

Hãng tư vấn BCG nhận định, thuế quan carbon có thể nhanh chóng thay đổi các lợi thế thương mại xuyên biên giới. Thép của Trung Quốc và Ukraine đang được sản xuất bằng các công nghệ có mức độ phát thải cao, sẽ mất nhiều thị phần vào tay các nhà sản xuất sử dụng công nghệ ít phát thải hơn tại Canada hay Hàn Quốc.

Trong khi đó, các nhà sản xuất dầu của Arập Saudi, chuyên khai thác các nguồn dầu mỏ gần bề mặt trái đất hơn, có thể gia tăng thị phần tại châu Âu, bởi thuế quan carbon mà họ phải chịu sẽ chỉ bằng một nửa so với các đối thủ cạnh tranh là Nga và Canada, vốn sử dụng nhiều năng lượng hơn trong việc chiết xuất dầu.

Các công ty Mỹ sẽ có lợi thế lớn nhờ việc đã đầu tư mạnh mẽ và đẩy mạnh các cải tiến công nghệ để giảm phát thải carbon trong những năm gần đây, chủ yếu là để tuân thủ các quy định về môi trường.

Hội đồng Lãnh đạo Khí hậu – một tổ chức vận động hành lang cho việc áp thuế carbon trên toàn nền kinh tế cho biết, các sản phẩm được sản xuất tại Mỹ trong các lĩnh vực chủ chốt như kim loại, hóa chất, điện tử và ô tô, tạo ra lượng khí thải ít hơn 40% so với trung bình toàn cầu.

Tổ chức này ước tính rằng, một trong những đối tượng hưởng lợi lớn nhất từ thuế quan carbon sẽ là ngành công nghiệp thép. Các nhà sản xuất thép của Mỹ có nhiều khả năng sử dụng các phương pháp hiệu quả hơn để tái chế kim loại phế liệu, trong khi các nhà sản xuất châu Á vẫn tập trung vào phương pháp sản xuất thép từ sắt. Hệ quả là lượng khí thải carbon thải ra trong quá trình sản xuất thép nhập khẩu từ châu Á cao hơn 50-100% so với thép sản xuất tại Mỹ.

Hội đồng Lãnh đạo Khí hậu cho biết, mức thuế quan carbon 43 đô la Mỹ/tấn có thể làm giảm một nửa lượng thép nhập khẩu vào Mỹ và loại bỏ hoàn toàn việc mua hàng từ các quốc gia có mức phát thải cao nhất, bao gồm cả Trung Quốc và Brazil.

Những người ủng hộ tin rằng một mức thuế quan carbon có khả năng làm thay đổi các quy định về khí hậu, làm dịu đi sự phản đối từ những người bảo thủ, vốn hoài nghi về tính cần thiết của việc áp thuế và lo lắng về việc chi phí gia tăng.

Ông George David Banks, một quan chức chính sách môi trường kỳ cựu của đảng Cộng hòa từng làm việc tại Nhà Trắng dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump và hiện đang thúc đẩy việc áp thuế quan carbon, cho biết: “Một khi các cử tri đảng Cộng hòa nhận ra rằng đây là cách để đưa chuỗi cung ứng của chúng ta quay trở lại nước Mỹ, tôi nghĩ mọi người sẽ nhìn chương trình nghị sự về khí hậu với một thái độ rất khác”.

Bên cạnh đó, thuế quan carbon cũng có thể thu hút sự chú ý của các nhà lập pháp như một cách để giảm bớt các mối đe dọa kinh tế và an ninh từ Trung Quốc, quốc gia phát thải carbon lớn nhất thế giới. Thỏa thuận mới đạt được giữa Mỹ và EU là một phần của nỗ lực hạn chế tình trạng dư thừa thép và nhôm trên toàn cầu, mà các quan chức Mỹ cho rằng phần lớn bắt nguồn từ Trung Quốc. Tổng thống Mỹ Joe Biden đã chia sẻ với các phóng viên rằng thỏa thuận mới sẽ giúp “hạn chế quyền tiếp cận thị trường đối với thép bẩn từ các quốc gia như Trung Quốc và chống lại các quốc gia bán phá giá thép tại thị trường của chúng ta”.

Những lo ngại về tính khả thi và mức độ hiệu quả

Tuy nhiên, nhiều người khác lại không cảm thấy hấp dẫn bởi ý tưởng này, đặc biệt là các công ty sẽ phải trả nhiều tiền hơn cho hàng nhập khẩu có mức phát thải cao.

Báo cáo của BCG cho thấy, các nhà sản xuất giấy ở châu Âu, vốn tiêu thụ một lượng lớn bột gỗ có thể phải đối mặt với mức lợi nhuận giảm tới 65% do chi phí nhập khẩu gia tăng. Tương tự, các nhà nhập khẩu vàng bán thành phẩm – được sử dụng trong đồ trang sức, đồ điện tử, sản phẩm nha khoa và nhiều loại hàng hóa khác, có thể sẽ bị giảm 10% lợi nhuận. Theo BCG, các công ty sẽ phải lựa chọn giữa việc chấp nhận cắt giảm lợi nhuận, hoặc chuyển chi phí gia tăng cho khách hàng.

Một số chuyên gia thương mại cảnh báo rằng, sự thay đổi này sẽ không giúp làm giảm tổng lượng khí thải toàn cầu. Một nhóm thương mại công nghiệp, đại diện cho các nhà sản xuất nhôm tại châu Âu cho biết, Trung Quốc có thể né thuế carbon của EU bằng cách xuất khẩu sang châu Âu 10% lượng nhôm họ sản xuất bằng năng lượng thủy điện, đồng thời tiếp tục bán nhôm sản xuất bằng năng lượng nhiệt điện tại thị trường châu Á. Tương tự, nhà sản xuất nhôm Rusal PLC của Nga cũng đã công bố kế hoạch thành lập một công ty con có mức phát thải thấp nhằm phục vụ riêng cho thị trường châu Âu, trong khi vẫn sử dụng sản lượng còn lại để đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước.

Ông Markus Zimmer – chuyên gia kinh tế môi trường tại Allianz SE (Đức) cho biết: “Thuế carbon là một công cụ hoàn hảo trong lý thuyết kinh tế, nhưng chúng ta lại không sống trong một thế giới lý thuyết kinh tế đơn thuần. Một khi tất cả các chính trị gia và luật sư thông qua các quy định, chúng ta có thể nhận được kết quả ngược với dự kiến ban đầu”.

Rủi ro càng trở nên trầm trọng hơn do thiếu sự đồng thuận quốc tế về việc định lượng carbon trong hàng hóa. Các chính phủ đã đệ trình dữ liệu về mức khí thải carbon trung bình của các sản phẩm cơ bản như thép và xi măng như một phần của Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, tuy nhiên, mới chỉ là số liệu trung bình của từng quốc gia. Do đó, một nhà sản xuất riêng lẻ có mức phát thải thấp vẫn có thể bị áp mức thuế quan dành cho quốc gia có mức phát thải trung bình cao hơn.

Ông Stefan Koester, nhà phân tích cấp cao chuyên về chính sách khí hậu tại Quỹ Đổi mới và Công nghệ Thông tin ở Washington cho biết, việc tính toán và xác minh lượng khí thải tại từng cơ sở sản xuất riêng lẻ sẽ rất khó khăn và tốn kém, đồng thời tạo ra khả năng gian lận dữ liệu.

Tại Mỹ, định giá carbon – dù là thuế carbon hay kế hoạch giao dịch hạn ngạch khí thải kiểu châu Âu – vẫn chưa được phổ biến rộng rãi.

Nguy cơ xảy ra tranh chấp thương mại

Một số quốc gia cho rằng, các đề xuất này có thể là một công cụ tiềm năng cho chủ nghĩa bảo hộ, được các chính phủ thiết kế phù hợp với mục đích mang lại lợi ích cho các ngành công nghiệp trong nước thay vì chỉ tạo ra một sân chơi công bằng. Thuế quan carbon sẽ giáng đòn mạnh vào nền kinh tế các nước đang phát triển, vốn phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu, đồng thời có thể phá hoại các quy tắc thương mại thế giới và gây ra tranh chấp thương mại.

Bình luận về hiệp định thương mại thép và nhôm Mỹ – EU, ông Michael Mehling, Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chính sách môi trường và năng lượng tại Viện Công nghệ Massachusetts, thừa nhận: “Sẽ khó tránh khỏi những cáo buộc về chủ nghĩa bảo hộ xanh, nếu căn cứ vào xuất phát điểm rõ ràng là những lo ngại về hoạt động sản xuất chi phí thấp của nước ngoài”.

Trong cuộc họp của Ủy ban tiếp cận thị trường của WTO vào tháng 11 năm ngoái, các quan chức từ 19 quốc gia đã nêu quan ngại về kế hoạch điều chỉnh biên giới carbon của EU. Đại diện của Nga chỉ trích “các mục tiêu bảo hộ”, lưu ý rằng EU dự định sử dụng thuế quan như một nguồn ngân sách mới để hỗ trợ phục hồi kinh tế sau đại dịch. Nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình cũng đã trao đổi về kế hoạch thuế quan của châu Âu trong cuộc điện đàm hồi tháng 4 với Thủ tướng Đức lúc bấy giờ là bà Angela Merkel và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron.

Cần lưu ý rằng, trước đó, nỗ lực của các quốc gia nhằm cân bằng các cam kết xanh với một chương trình nghị sự về thương mại tự do đã không đạt được nhiều thành công. Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) từng cố gắng tạo ra một “hiệp định hàng hóa môi trường” toàn cầu nhằm cắt giảm thuế quan và hạn ngạch đối với các sản phẩm có thể giúp giảm lượng khí thải carbon như turbine gió và tấm pin mặt trời. Tuy nhiên các cuộc đàm phán đã sụp đổ vào năm 2016 khi Trung Quốc đưa ra yêu cầu vào phút chót về việc đưa cả xe đạp vào trong thỏa thuận, và châu Âu đã từ chối.

Theo các chuyên gia, WTO thường phải đối mặt với tình trạng khó khăn, thậm chí là tê liệt trong việc ra các quyết định quan trọng nếu thiếu sự đồng thuận giữa 164 nước thành viên. Điều này càng làm tăng nguy cơ thuế carbon sẽ gây ra sự trả đũa lẫn nhau khi các quốc gia áp dụng các biện pháp ứng phó của riêng mình, thay vì thúc đẩy hợp tác toàn cầu. Ông Alan Wolff, cựu Phó tổng giám đốc WTO, cho biết: “Hoặc là họ sẽ tìm ra cách để giải quyết vấn đề này một cách tập thể, hoặc là sắp xảy ra cuộc xung đột thương mại lớn nhất thế giới về vấn đề này”.

Nguồn: WSJ, Whitehouse.gov, BCG.com, Reuters

1 BÌNH LUẬN

  1. Người đề ra pháp luật luôn là người có sức mạnh áp đảo. Thuế carbon cũng là loại thuế do những nước lớn và giàu phác thảo ra và áp đặt cho cả thế giới. Cuộc chơi thương mại thời gian tới sẽ đầy rẫy bất công và kế sách lừa lọc lẫn nhau để tránh thuế loại này. Sẽ không có sự công bằng nếu thuế quan của cả thế giới lại chỉ do một số nước đề xuất và buộc nước khác phải sử dụng. Cần phải dùng quyền bỏ phiếu của tất cả các quốc gia để ấn định việc này thông qua Liên hiệp quốc.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới