Chủ Nhật, 4/05/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Thuế quan ‘giáng đòn’ lên nhà máy châu Á

Chánh Tài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

A.I

(KTSG Online) - Hoạt động nhà máy khắp châu Á phần lớn suy giảm trong tháng Tư khi đơn hàng mới sụt giảm trong bối cảnh Tổng thống Donald Trump áp mức thuế cơ bản 10% với hầu hết đối tác thương mại.

Công nhân làm việc việc trên dây chuyền sản xuất của một nhà sản xuất phụ tùng ô tô ở Tân Châu, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. Ảnh: CNS Photo

Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất của các nền kinh tế xuất khẩu hàng đầu trong khu vực như Hàn Quốc và Đài Loan đều sụt giảm mạnh trong tháng qua, khi bất ổn thương mại toàn cầu khiến đơn hàng mới và sản lượng bị cắt giảm, theo các khảo sát do S&P Global công bố hôm 2-5.

Đài Loan ghi nhận PMI ở mức 47,8 điểm trong tháng Tư, thấp nhất trong 16 tháng và nằm sâu dưới ngưỡng 50 điểm, phân định giữa tăng trưởng và suy giảm.

Lượng đơn hàng mới của các nhà máy tại Đài Loan giảm lần đầu tiên sau hơn một năm, kéo theo sản lượng và hoạt động mua hàng sụt giảm. Nhiều công ty cho biết, nhu cầu yếu hơn ở trong nước lẫn tại các thị trường xuất khẩu chủ chốt ở châu Á và châu Âu một phần do các đợt tăng thuế của Tổng thống Trump.

“Ảnh hưởng từ thuế quan Mỹ và dự báo tăng trưởng toàn cầu chậm lại cũng làm mờ đi triển vọng sắp tới. Các công ty nhìn chung dự đoán sản lượng sẽ giảm trong 12 tháng tới, với mức độ bi quan rõ rệt nhất kể từ tháng 1 -2023”, Annabel Fiddes, phó giám đốc kinh tế của nhóm khảo sát và chỉ số kinh tế ở S&P Global nhận định về dữ liệu sản xuất của Đài Loan.

Tại Hàn Quốc, PMI ngành sản xuất giảm xuống 47,5 điểm, mức thấp nhất kể từ tháng 9-2022. Các chỉ số phụ cho thấy, sản lượng lẫn đơn hàng mới của các nhà máy tại Hàn Quốc sụt giảm mạnh nhất kể từ tháng 6-2023. Trong đó, lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới giảm lần đầu tiên kể từ tháng 10-2024 và cũng đánh dấu mức giảm lớn nhất trong 22 tháng. Các công ty sản xuất của Hàn Quốc cũng bi quan về triển vọng trong 12 tháng tới.

“Điều kiện kinh tế trong nước đầy thách thức và tác động của thuế quan Mỹ đã gây áp lực nặng nề lên lĩnh vực sản xuất của Hàn Quốc, cản trở việc ra mắt sản phẩm mới và doanh số bán hàng ở cả thị trường trong nước lẫn ngoài nước”, Usamah Bhatti, nhà kinh tế của S&P Global bình luận.

Tại Nhật Bản, PMI ngành sản xuất do ngân hàng au Jibun Bank khảo sát nhích lên 48,7 điểm trong tháng Tư từ 48,4 điểm trong tháng Ba, nhưng vẫn nằm trong vùng suy giảm (dưới 50 điểm) trong tháng thứ 10 liên tiếp. Chỉ số phụ về đơn hàng xuất khẩu mới giảm mạnh nhất kể từ tháng 10-2024 do nhu cầu suy yếu ở các thị trường xuất khẩu lớn như Trung Quốc, Liên minh châu Âu và Mỹ.

Theo khảo sát của Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc, PMI ngành sản xuất của nền kinh tế lớn nhất châu Á giảm xuống 49 điểm trong tháng Tư, từ 50,5 điểm trong tháng 3, đánh dấu mức sụt giảm mạnh nhất trong 16 tháng.

Zhao Qinghe, chuyên gia thống kê cấp cao của NBS giải thích, sự thu hẹp trong hoạt động của nhà máy là do những thay đổi mạnh mẽ về môi trường bên ngoài và các yếu tố khác.

Robin Xing, nhà kinh tế trưởng Trung Quốc của ngân hàng Morgan Stanley nhận định, sự suy giảm của PMI ở Trung Quốc cho thấy tác động của thuế quan, dẫn đến nhu cầu bên ngoài suy yếu.

“Chúng tôi tin rằng tác động của thuế quan sẽ là nghiêm trọng nhất trong quí 2 này vì nhiều nhà xuất khẩu của Trung Quốc đã dừng sản xuất và giao hàng sang Mỹ do bất ổn về thuế quan gia tăng”, ông nói.

Ở Đông Nam Á, hoạt động nhà máy cũng co hẹp tại Thái Lan, Malaysia và Indonesia. S&P Global chưa công bố PMI ngành sản xuất của Việt Nam.

Trong khi đó, PMI của Singapre giảm xuống mức 49,6 điểm, giảm một điểm so với tháng trước và chấm dứt chuỗi 19 tháng mở rộng, theo dữ liệu từ Viện Quản lý mua sắm và vật liệu Singapore (SIPMM).

“Bối cảnh toàn cầu bảo hộ hơn, dẫn đầu là mức thuế quan cao hơn của Mỹ đối với nhiều đối tác thương mại bao gồm cả Trung Quốc , có khả năng sẽ làm giảm thêm nhu cầu bên ngoài, tác động tiêu cực đến triển vọng sản xuất của Singapore, đặc biệt là trong nửa cuối năm 2025”, nhà kinh tế Chua Han Teng của ngân hàng DBS nhận định.

Philippines là điểm sáng hiếm hoi khi với PMI bật lên vùng tăng trưởng ở mức 53 điểm, tăng mạnh so với 49,4 điểm của tháng trước.

Tổng thống Mỹ Donald Trump tạm hoãn áp dụng các mức thuế đối ứng cao trong 90 ngày. Kể từ đó, một loạt cuộc đàm phán đã diễn ra khi các chính phủ trên toàn cầu tìm cách tránh các khoản thuế này. Các nước châu Á thuộc nhóm chịu thiệt hại nặng nề nhất trong cuộc chiến thương mại vì nhiều nền kinh tế như Việt Nam và Hàn Quốc phụ thuộc lớn vào xuất khẩu sang Mỹ.

Theo Bloomberg, Business Times, Straits Times

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới