(KTSG Online) - Bộ Tài chính đã chuẩn bị các kịch bản giảm thêm thuế với xăng và dầu, hai trong số nhiều nguyên liệu đầu vào quan trọng, để giữ giá mặt hàng này ở mức thấp nhằm kiểm soát lạm phát dưới 4%.
- Xăng dầu giảm nhiệt, cước vận tải hành khách cũng hạ dần
- Kiến nghị điều chỉnh giá xăng dầu đúng chu kỳ, bất kể ngày nghỉ
Tại cuộc họp báo thường kỳ quý 3-2022 do Bộ Tài chính tổ chức chiều 29-9, ông Nguyễn Đức Chi, Thứ trưởng Bộ Tài chính, cho biết bình ổn giá xăng, dầu là một trong những giải pháp quan trọng để kiểm soát chỉ tiêu lạm phát dưới 4% theo yêu cầu của Quốc hội.
Theo đó, Bộ Tài chính đã chuẩn bị sẵn các kịch bản giảm mức chịu thuế với mặt hàng xăng và dầu qua các sắc thuế gồm thuế bảo vệ môi trường và thuế nhập khẩu ưu đãi (đã áp dụng - PV), thuế giá trị gia tăng và thuế tiêu thụ đặc biệt (đang lấy ý kiến - PV). Việc giảm thuế giá trị gia tăng và tiêu thụ đặc biệt tùy thuộc diễn biến của giá xăng, dầu trên thị trường thế giới.
“Các kịch bản được đưa ra trên tinh thần sẵn sàng ứng phó kịp thời với các biến động của thị trường để giữ được giá mặt hàng nguyên liệu đầu vào này ở mức thấp”, ông Chi nói.
Góp ý dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng và thuế giá trị gia tăng đối với xăng dầu, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) kiến nghị Bộ Tài chính xem xét miễn giảm toàn bộ thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng xăng, thay vì giảm 50% như đề xuất tại dự thảo.
Cơ quan này cũng đề nghị Bộ Tài chính tiếp tục xem xét nghiên cứu, đánh giá tác động của chính sách miễn giảm toàn bộ thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng này.
Bên cạnh việc giảm thuế xăng dầu, ông Chi cho biết các cơ quan điều hành đã áp dụng nhiều chính sách tài khóa và tiền tệ như giảm thuế giá trị gia tăng với nhiều loại hàng hoá, nguyên vật liệu để giảm gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp và người dân. Đồng thời, kiểm soát giá các mặt hàng và dịch vụ thiết yếu như nông sản, lương thực, y tế, giáo dục.
Ngoài ra, là một số giải pháp để bảo đảm nguồn cung hàng hoá – nguyên liệu, không đứt gãy chuỗi cung ứng.
“Nói vậy để thấy Chính phủ đang tập trung rất nhiều nguồn lực để đưa ra các giải pháp đồng bộ nhằm kiểm soát lạm phát. Không chỉ chính sách tài khóa mà còn cả chính sách tiền tệ, công thương, sản xuất”, Thứ trưởng Chi nhấn mạnh.
Về rủi ro lạm phát những tháng cuối năm, ông Nguyễn Văn Truyền, Phó cục trưởng Cục Quản lý giá thuộc Bộ Tài chính, cho biết chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9-2022 tăng 0,4% so với tháng trước và tăng 4,01% so với cuối năm 2021. Nếu so với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng CPI là 3,94%.
CPI bình quân quý 3-2022 tăng 3,32% so với cùng kỳ và bình quân 9 tháng tăng 2,73%.
Với bối cảnh hiện tại, ông Truyền cho biết tỷ lệ lạm phát thực tế sau 9 tháng vẫn còn cách khá xa so với mức 4% được Quốc hội đề ra. Nhưng nền kinh tế vẫn tồn tại một số yếu tố gây áp lực tăng giá từ nay tới cuối năm.
Cụ thể, giá nhiên liệu và năng lượng tiếp tục biến động phức tạp do cuộc chiến Nga - Ukraine kéo dài. Ngoài ra, áp lực lạm phát toàn cầu gia tăng sẽ tác động đến chuỗi cung ứng hàng hóa, lương thực thực phẩm, hàng nhập khẩu, qua đó gây áp lực lên giá hàng hóa trong nước.
Bên cạnh đó, cơn bão số 4 (Noru) và một số cơn bão khác cũng gây ảnh hưởng cục bộ tới giá hàng hóa thiết yếu tại một số địa phương.
Ngược lại, ông Truyền cho rằng thị trường tồn tại các yếu tố làm giảm áp lực giá dịch vụ hàng hóa như các mặt hàng do Nhà nước định giá gồm điện, dịch vụ công được kiểm soát theo chỉ đạo của Chính phủ, Ban chỉ đạo điều hành giá.
Sự kiên định với chủ trương điều hành ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát của Chính phủ cùng các chính sách miễn giảm thuế, phí cũng làm giảm áp lực tăng giá với một số hàng hóa quan trọng.
“Nhìn chung còn 3 tháng nữa là hết năm, nhưng với dư địa hiện tại, nhiệm vụ kiểm soát lạm phát dưới 4% có thể thực hiện được nếu không có yếu tố tác động quá bất ngờ”, ông Truyền khẳng định.