(KTSG) - Mới đầu tháng Chạp mà đâu đó vài người khoe đã mua quất, mua đào hoặc tặng nhau cành mận về cắm trong nhà. Hỏi ra mới biết nhiều người trong số họ sẽ không được đón Tết ở nhà.
Cứ hai bảy, hai tám tết cả nhà sẽ về quê, căn nhà ở phố lại cửa đóng then cài. Đào, mận còn chưa kịp bung hoa chỉ trơ trọi cành nhánh thêm thắt vài lộc lá. Ấy thế mà nhìn đó vào người ta thấy sáng bừng không khí Tết.
Chẳng cần phải vất vả hình dung, ta như thấy trước mắt mình những bông hoa mận trắng hay trăm cánh đào phai. Cái thú chơi hoa nằm ở sự đợi chờ, nằm trong trí tưởng tượng của mỗi người. Nhiều năm nay tôi cũng không được đón Tết ở nhà. Có khi đóng lại cánh cửa để rời đi trong buổi chiều cuối năm lòng nôn nao khó tả. Dẫu biết quê nhà đang chờ ta phía trước với những bữa cơm sum vầy cùng cha mẹ già và anh em ruột thịt. Có khi lúc rời nhà cây đào chưa nở hoa, lúc quay về đã thấy những cánh tàn rơi đầy dưới đất. Ta không được ngắm hoa vào lúc nó đẹp nhất. Nhưng được an ủi bởi ý nghĩ nhờ có hoa mà ngôi nhà bớt lạnh lẽo hơn trong những ngày Tết đến xuân về.
Năm nào cũng vậy, sau chuyến hành trình về quê ăn Tết chúng tôi quay trở lại nhà mình để tiếp tục guồng quay công việc. Tôi mở cửa, trở thành người tự xông đất nhà mình. Lớp bụi mịn hiện ra vội vàng in dấu giày của lũ nhỏ chạy lon ton đi tìm món đồ chơi quen thuộc. Chú chó mừng vui sủa nhặng lên khi thấy chủ về, nhìn âu cơm đặt cạnh bờ rào biết hàng xóm đã luôn chăm sóc nó. Trên chuồng chim, hai quả trứng bồ câu đã kịp nở thành con. Trên bàn thờ may quá hoa vẫn còn tươi lắm. Tết xa nhà là việc thờ cúng cũng không chu toàn được. Nên mỗi đêm giao thừa ở quê tôi lại nhớ nhà mình. Lòng thầm nghĩ: “Chắc các cụ cũng đại xá cho kẻ xa quê, đã không thể nến hương ấm cúng”. Rồi những lúc nấu nướng mệt nhoài tôi thèm được thoải mái ngả lưng trên chiếc giường nhà mình. Nghe lũ chim ríu rít trên mái tôn và tiếng cá quẫy trong bể kính. Tôi nhớ góc cửa sổ yên bình, ước ao: “Giờ mà được ngồi đó, nhấm nháp chút mứt, trà. Nhẩn nha đọc cuốn sách mà mình thích có phải sẽ hạnh phúc lắm không?”.
Nửa đêm tỉnh giấc ở quê chồng nghe tiếng gà báo canh, gió khua ngoài cửa sổ, tôi trằn trọc thương con chó nhỏ không biết nó có đói lạnh không? Dù trước khi đi đã dặn dò hàng xóm trông nom. Thấy chồng trở mình, tôi chợt hỏi: “Không biết cây đào ở nhà đã bung hoa chưa nhỉ?”.
Dù đã sắp hết kỳ nghỉ nhưng khi trở về ngôi nhà của mình tôi mới thấy Tết như vừa bắt đầu. Tôi vội vàng quét dọn cửa nhà, ra vườn hái rau xanh, làm ấm lên căn bếp nhỏ. Tất bật đến trưa là xong mâm cơm cúng hóa vàng. Ngoài đường đã bớt xe cộ đi du xuân chơi Tết. Ông cụ bán hàng rong đẩy chiếc xe chở đầy hàng trên đường, không một tiếng rao. Ông đi đến đâu mang theo bài nhạc xuân rộn ràng thay mọi lời chào hỏi. Ai đó vẫy ông cụ lại mua vài quả bóng bay rực rỡ. Tôi như thấy mình của năm mười tuổi, chiều cuối năm nào cũng ngồi trên chảng ba cây khế chờ hàng rong đi qua nhà mua vài cuộn chỉ màu, đôi tòng teng bằng nhựa.
Mấy chục năm trôi qua, có trăm thứ đổi thay nhìn thấy ngay trước mắt. Nhưng may thay vẫn còn đâu đó vài ba điều giản dị đã đi cùng năm tháng thăng trầm, như một xe hàng rong hỏi thứ gì cũng có. Tôi chọn được vài chiếc nơ xinh xắn cài tóc cho con, mua thêm mấy món đồ lặt vặt trong nhà, hỏi ông cụ dăm ba câu chuyện đầu xuân. Ông nói: “Cả năm đi quen chân, mấy ngày Tết cứ quẩn quanh ở nhà tự nhiên tôi thấy nhớ những con đường. Đi thế này vừa khỏe vừa vui lại kiếm được đồng ra đồng vào đỡ đần con cháu”. Ông ngó vào sân nhà tôi nhìn cây hồng nở hoa, nhờ chiết xin một cành đợi khi nào ra rễ sẽ mang về trồng trước mộ vợ mình. “Từ khi vắng bà ấy, nhà như vắng Tết”.
Đứng nhìn theo cho đến khi bóng ông cụ mờ dần rồi khuất hẳn, tôi quay vào nhà thay hoa mới, bật một bản nhạc hay ngắm lũ trẻ chơi ú òa sau rèm cửa. Tiếng chúng cười rộn rã như muốn bù đắp lại cho căn nhà sau mấy ngày im ắng rời xa. Thời tiết mùa xuân đẹp đẽ và vừa vặn như một manh áo mới. Nó khiến cho lòng người hân hoan, rộng lượng, để quên đi những phiền muộn đã qua và thứ tha cho bao điều còn chưa trọn vẹn.