Thương hiệu cá nhân: Sự nổi tiếng được tính bằng tiền
LS. Trần Hồng Phong (*)
(TBKTSG Online) - Với kỳ tích tại vòng chung kết bóng đá U23 châu Á, U23 Việt Nam đã trở thành một thương hiệu với giá trị không nhỏ. Điều này đặt ra tình huống thú vị là làm sao sử dụng và khai thác thương hiệu này một cách hiệu quả, có lợi cho đội bóng, cho mỗi cá nhân các cầu thủ và cho cả đất nước.
Thương hiệu của thủ môn Bùi Tiến Dũng và đội tuyển U23 Việt Nam cần được khai thác và sử dụng hiệu quả. Ảnh: AFC |
Mấy ngày qua, sự kiện một đơn vị truyền thông đưa ra bảng giá quảng cáo của thủ môn Bùi Tiến Dũng với giá hàng ngàn, hàng chục ngàn đô la Mỹ và sự phản đối của câu lạc bộ chủ quản FLC Thanh Hóa đã một lần nữa minh chứng cho giá trị của sự nổi tiếng. Điều này trong hoạt động thương mại gọi là "thương hiệu cá nhân".
Có thể nói một cách ngắn gọn: cá nhân càng nổi tiếng, thì giá trị thương hiệu của người đó càng lớn. Các doanh nghiệp, nhãn hàng thường sử dụng sự nổi tiếng của một cá nhân cụ thể (thường là ca sĩ, người mẫu, cầu thủ... nổi tiếng) để tiến hành các hoạt động quảng cáo, quảng bá thương hiệu của mình. Nhờ sự nổi tiếng của cá nhân mà nhiều người biết đến thương hiệu, nhãn hàng đó. Việc "hợp tác" giữa hai bên thường thông qua thỏa thuận trong bản hợp đồng có tên gọi "Hợp đồng đại sứ thương hiệu".
Trên thế giới, rất nhiều siêu mẫu, cầu thủ bóng đá nổi tiếng đã ký những hợp đồng đại sứ thương hiệu có giá trị hàng triệu, thậm chí hàng chục triệu đô la Mỹ. Ngay tại Việt Nam, từ nhiều năm qua, nhiều nghệ sĩ cũng đã ký hợp đồng đại sứ thương hiệu với doanh nghiệp trị giá hàng tỉ đồng.
Giá trị của sự nổi tiếng được tính bằng tiền. Tuy nhiên, để tạo dựng được sự nổi tiếng, trở thành một thương hiệu kiếm ra tiền hoàn toàn không phải chuyện đơn giản. Điều này đòi hỏi cá nhân phải có một quá trình rèn luyện, phấn đấu gian khổ, cộng với rất nhiều yếu tố khách quan khác.
Ngoài ra, cũng không đơn giản cứ nổi tiếng là có tiền. Người đại sứ thương hiệu còn phải có trách nhiệm giữ gìn hình ảnh của mình, bao gồm cả cuộc sống đời tư, cũng như chịu sự ràng buộc bởi rất nhiều điều kiện, điều khoản khác. Chẳng hạn, nếu cá nhân đã là đại sứ thương hiệu cho nhãn bánh ngọt A thì không được phép sử dụng hay làm đại sứ thương hiệu cho nhãn bánh ngọt B, vì đó là "đối thủ cạnh tranh". Người viết từng chứng kiến trường hợp một ca sĩ bị cắt nhiều hợp đồng đại sứ thương hiệu vì tai tiếng về đời sống tình cảm riêng tư.
Quay trở lại giá trị thương hiệu của đội tuyển bóng đá U23 Việt Nam, với kỳ tích tại vòng chung kết U23 châu Á mới đây, chắc chắn đội bóng này đã trở thành một thương hiệu với giá trị không nhỏ. Việc này đặt ra tình huống thú vị là làm sao sử dụng và khai thác thương hiệu này một cách hiệu quả, có lợi cho đội bóng, cho mỗi cá nhân các cầu thủ và cho cả đất nước Việt Nam.
(*) Đoàn Luật sư TPHCM
Mời xem thêm: