Thứ hai, 20/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Thương hiệu gạo Việt Nam bị… ‘lạnh nhạt’!

Trung Chánh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Sự kiện công bố logo và việc xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam/Vietnam Rice cách đây gần 5 năm (vào tháng 12-2018) được kỳ vọng sẽ giúp tạo ra những bước đột phá cho ngành hàng này của Việt Nam. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, logo thương hiệu gạo Việt cũng chỉ dừng lại ở sự kiện công bố, hầu như không có doanh nghiệp gắn logo này vào sản phẩm của họ khi giao dịch với khách hàng.

Logo thương hiệu gạo Việt Nam

Tại Festival lúa gạo Việt Nam lần thứ III được tổ chức ở tỉnh Long An vào tháng 12 năm 2018, Cục chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã chính thức công bố logo thương hiệu gạo Việt Nam/Vietnam Rice.

Việc công bố logo thương hiệu gạo Việt lúc bấy giờ được kỳ vọng sẽ giúp khẳng định thương hiệu của gạo Việt Nam, tạo đột phá cho ngành hàng chủ lực này của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Để phổ biến logo thương hiệu gạo Việt Nam, ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã ký Quyết định ban hành quy chế sử dụng nhãn hiệu chứng nhận quốc gia gạo Việt Nam. Trong đó, nhấn mạnh đến mục đích quảng bá sản phẩm, giữ gìn uy tín, tạo niềm tin cho người tiêu dùng, nâng cao năng lực cạnh tranh cho các sản phẩm gạo của Việt Nam trên thị trường trong nước và quốc tế.

Muốn sử dụng, phải đáp ứng tiêu chí nào?

Quyết định về ban hành quy chế sử dụng nhãn hiệu chứng nhận quốc gia gạo Việt Nam nêu rõ tổ chức, cá nhân được quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận khi đáp ứng các điều kiện: được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy chứng nhận đầu tư có nội dung đăng ký hoạt động sản xuất, chế biến, kinh doanh sản phẩm gạo.

Được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm về chế biến, bảo quản, kinh doanh gạo hoặc cơ sở đã được cấp một trong các giấy chứng nhận: thực hành sản xuất tốt (GMP), hệ thống phân tích mối nguy và điểm kiểm soát tới hạn (HACCP), hệ thống quản lý an toàn thực phẩm ISO 22000, tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế (IFS), tiêu chuẩn toàn cầu về an toàn thực phẩm (BRC), chứng nhận hệ thống an toàn thực phẩm (FSSC 22000) hoặc tương đương còn hiệu lực.

Được tổ chức chứng nhận cấp giấy chứng nhận sản phẩm gạo phù hợp với tiêu chuẩn Việt Nam; hoàn thành nghĩa vụ thuế và thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường.

Các sản phẩm gạo mang nhãn hiệu được chứng nhận gồm gạo trắng, gạo trắng thơm và gạo nếp trắng.

Về chất lượng sản phẩm, gạo mang nhãn hiệu gạo Việt Nam phải đảm các yêu cầu chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia. Trong đó, đối với gạo trắng phải đáp ứng tiêu chuẩn: TCVN 11888:2017; gạo thơm trắng là TCVN 11889:2017 và gạo nếp trắng là TCVN 8368:2010. Trường hợp khi có thay đổi về tiêu chuẩn, thì phải đáp ứng theo tiêu chuẩn mới nhất.

Quyết định nêu trên của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định tổ chức, cá nhân được quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận kèm nhãn hiệu riêng của tổ chức, cá nhân trên bao bì sản phẩm, phương tiện kinh doanh, quảng cáo và các giấy tờ giao dịch khác cho sản phẩm gạo đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận.

Được khai thác, sử dụng và hưởng các lợi ích kinh tế phát sinh từ nhãn hiệu chứng nhận. Được tham gia các chương trình quảng bá, phát triển nhãn hiệu chứng nhận quốc gia gạo Việt Nam trên các phương tiện truyền thông.

Tuy nhiên, tổ chức, cá nhân phải có nghĩa vụ: chỉ được sử dụng nhãn hiệu chứng nhận cho các loại sản phẩm gạo đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận; đảm bảo chất lượng sản phẩm mang nhãn hiệu chứng nhận và duy trì, bảo vệ, phát triển giá trị tài sản trí tuệ đối với nhãn hiệu chứng nhận; thông báo đến đơn vị quản lý nhãn hiệu chứng nhận khi không còn nhu cầu sử dụng nhãn hiệu chứng nhận; nộp chi phí theo quy định cho hoạt động cấp và duy trì hiệu lực giấy chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận…

Gạo thương hiệu “Cơm ViệtNam Rice” bán tại hệ thống siêu thị Carrefour. Ảnh: LTG

Thương hiệu gạo Việt phải xuất phát từ doanh nghiệp

Trao đổi với KTSG Online, Giám đốc một doanh nghiệp sản xuất kinh doanh lúa gạo ở ĐBSCL (xin không nêu tên) xác nhận, đơn vị này chưa có nhu cầu gắn logo thương hiệu gạo Việt lên các sản phẩm do doanh nghiệp sản xuất và thương mại. Bởi lẽ, đối với xuất khẩu, đơn vị này xây dựng sản phẩm theo tiêu chuẩn, yêu cầu của từng thị trường, trong khi ở thị trường nội địa cũng đã xây dựng nhãn hiệu có uy tín riêng.

Theo vị này, muốn sử dụng logo thương hiệu gạo Việt, doanh nghiệp phải đóng phí, nhưng chưa chắc đã giúp tăng được uy tín cũng như giá bán cho sản phẩm. "Đây cũng là lý do mà chúng tôi không quan tâm", ông nói.

Trao đổi với KTSG Online, TS Lê Văn Bảnh, Cựu Cục trưởng Cục chế biến nông, lâm, thuỷ sản và nghề muối (sau đó được đổi tên thành Cục chế biến và phát triển thị trường nông sản)- người đảm nhận trách nhiệm xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam lúc bấy giờ- xác nhận, sau khi xây dựng, logo thương hiệu gạo Việt Nam cũng đã được đăng ký bảo hộ trên thế giới.

Tuy nhiên, theo ông Bảnh, logo thương hiệu gạo Việt rất khó để phát triển, bởi lẽ thương hiệu phải xuất phát từ thương hiệu của doanh nghiệp, chứ không phải đi từ thương hiệu của quốc gia. “Chẳng hạn, nước ngoài người ta có hãng xe Toyota, Honda, Hyundai…, là thương hiệu của doanh nghiệp, nhưng khi nói đến các hãng xe này người ta biết đó là của Nhật Bản và Hàn Quốc”, ông dẫn chứng.

Đối với gạo Việt Nam, Công ty cổ phần nông nghiệp công nghệ cao Trung An hay Tập đoàn Lộc Trời đều có thương hiệu được xây dựng theo tiêu chuẩn, chất lượng riêng của từng đơn vị. Trong khi đó, quy chế sử dụng nhãn hiệu gạo Việt Nam cũng có tiêu chuẩn riêng và doanh nghiệp muốn gắn logo lên sản phẩm, thì phải đạt tiêu chuẩn đó. "Hai bên "không khớp" về mặt tiêu chuẩn nên doanh nghiệp không quan tâm sử dụng", ông Bảnh giải thích.

PGS- TS Dương Văn Chín, Cựu phó viện trưởng Viện lúa ĐBSCL cũng nhấn mạnh rằng, thương hiệu của một quốc gia phải xuất phát từ các thương hiệu uy tín của doanh nghiệp. “Ví dụ, khi nói đến xe hơi của Nhật Bản, thì có các hãng lớn như Honda, Toyota, Mazda, Mitsubishi…., tức phải có thương hiệu mạnh của doanh nghiệp, có ảnh hưởng cả trong nước và quốc tế, thì khi nói đến thương hiệu đó người ta nghĩ ngay đến Nhật Bản”, ông dẫn chứng.

Theo ông Chín, việc vẽ ra logo gạo Việt Nam rồi đăng ký bảo hộ trên thế giới sẽ không thể tạo ra được thương hiệu cho gạo Việt Nam. “Doanh nghiệp tự xây dựng thương hiệu rồi gắn thêm logo gạo Việt Nam vào có bán được giá cao hơn không?, ông nêu câu hỏi và cho rằng, không vì nhãn hiệu gạo Việt Nam chưa đủ uy tín để tăng được giá bán, thậm chí không được lợi vì phải tốn thêm chi phí để gắn logo.

Để xây dựng thành công thương hiệu cho gạo Việt Nam, theo ông Chín, cần “khích lệ” doanh nghiệp thực hiện thông qua lựa chọn 1-2 giống thơm trắng (đối với phân khúc gạo thơm trắng- PV) ngon nhất Việt Nam chẳng hạn như giống Lộc Trời 28 và ST25) để sản xuất hàng trăm nghìn tấn, thậm chí cả triệu tấn mỗi loại với tiêu chuẩn chất lượng đảm bảo, có giá bán cao và được đặt tên riêng (Thái Lan có Hom Mali). “Chỉ có làm như vậy mới thành công, giống như Nhật Bản có Honda, Toyota, Mazda… Như vậy mới thành thương hiệu gạo thơm trắng của Việt Nam được”, ông cho biết.

Tương tự cách làm như trên, đối với phân khúc gạo trắng hạt dài, có thể lựa chọn 1-2 giống xuất sắc nhất hiện nay như OM 18, OM 5451 để sản xuất và bán ra hàng triệu tấn với chất lượng đảm bảo và xây dựng thương hiệu riêng, thì khi nói đến thương hiệu đó người ta sẽ biết ngay là gạo Việt Nam.

Theo ông Chín, việc Tập đoàn Lộc Trời làm thương hiệu “Cơm ViệtNam Rice” từ giống lúa Jasmine 85 và xuất khẩu, bán hàng vào một số hệ thống siêu thị lớn của châu Âu là một câu chuyện điển hình. “Tuy nhiên, số lượng đơn hàng còn nhỏ, chỉ vài chục ngàn tấn là không ăn thua, mà phải hàng trăm ngàn, thậm chí hàng triệu tấn, thì mới ra thương hiệu quốc gia được”, ông cho biết.

25% gạo xuất khẩu mang thương hiệu gạo Việt Nam vào năm 2030Quyết định phê duyệt chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo Việt Nam đến năm 2030 vừa được Chính phủ phê duyệt.Theo đó, mục tiêu sẽ nâng cao giá trị gia tăng gạo xuất khẩu, giảm khối lượng đến năm 2030 xuống còn khoảng 4 triệu tấn với kim ngạch tương đương khoảng 2,62 tỉ đô la Mỹ. Phấn đấu đạt khoảng 25% gạo xuất khẩu trực tiếp mang nhãn hiệu gạo Việt Nam/Vietnam rice.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới