Thứ bảy, 23/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Thương hiệu phương Tây ‘thấm đòn’ khi người dân Trung Quốc thắt chặt hầu bao

Khánh Lan

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Các thương hiệu hàng đầu của phương Tây từ Apple, nhà sản xuất iPhone, Estée Lauder, hãng mỹ phẩm cao cấp của Mỹ cho đến Canada Goose, nhà sản xuất hàng thời trang mua đông của Canada, đang cảm nhận rõ rệt tác động khi người tiêu dùng Trung Quốc chi tiêu dè sẻn trong bối cảnh kinh tế khó khăn.

Gian hàng của Estée Lauder ở một hội chợ thương mại tại thành phố Hải Khẩu, tỉnh Hải Nam, Trung Quốc hồi tháng 4. Ảnh: Reuters

Apple, Estée Lauder, Canada Goose cùng nhiều thương hiệu cao cấp khác của phương Tây báo cáo kết quả yếu kém trong quí gần nhất do nhu cầu ở thị trường Trung Quốc không như kỳ vọng. Một số thương hiệu cho biết, nhiều khách hàng Trung Quốc vẫn chưa “mở ví” trở lai sau gần một năm Bắc Kinh dỡ bỏ các hạn chế kiểm soát Covid-19.

Hôm 1-11, giá cổ phiếu của Estée Lauder giảm 17%, chạm mức thấp nhất trong nhiều năm, sau khi công ty đứng sau các thương hiệu như M.A.C và Clinique, cắt giảm triển vọng kinh doanh, một phần do doanh số bán các sản phẩm làm đẹp cao cấp ở Trung Quốc đại lục phục hồi chậm hơn.

Estée Lauder, có trụ sở New York, kỳ vọng doanh số bán hàng trong năm tài chính 2024 chỉ tăng cao nhất 1% so với năm trước, thay vì tăng trưởng từ 5-7% như mục tiêu trước đó. Trong kịch bản xấu hơn, công ty dự báo doanh số giảm 2%.

Fabrizio Freda, chủ tịch kiêm CEO của Estée Lauder, cho biết tăng trưởng doanh số bán lẻ cho khách ở châu Á và Trung Quốc đang chậm lại. Điều này được xác nhận qua lượng đơn hàng đặt mua yếu ớt trước thềm lễ hội mua sắm giảm giá Ngày Độc thân 11-11 ở Trung Quốc.

Nhìn chung, người tiêu dùng Trung Quốc vẫn thận trọng chi tiêu sau khi giới chức trách dỡ bỏ các hạn chế liên quan đến Covid-19 hồi cuối năm ngoái. Đà phục hồi tiêu dùng ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới suy yếu dần trong những tháng gần đây sau đợt bùng nổ ngắn hạn nhờ chi tiêu cho du lịch và các dịch vụ khác vào hồi đầu năm.

Niềm tin của người tiêu dùng Trung Quốc hầu như không được cải thiện trong năm qua và vẫn dao động quanh mức thấp trong lịch sử. Vòng xoáy khủng hoảng của thị trường bất động sản khiến nhiều hộ gia đình Trung Quốc lo lắng khi giá trị ngôi nhà của họ suy giảm. Áp lực trên thị trường lao động, đặc biệt là khi tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên đạt mức cao kỷ lục trong mùa hè này, cũng khiến nhiều người cắt giảm chi tiêu.

Tình cảnh đó thúc đẩy nhiều người tiêu dùng Trung Quốc chọn mua hàng hóa giá rẻ, một xu hướng mang lại lợi ích cho nhiều thương hiệu trong nước, hơn các sản phẩm nước ngoài từ mỹ phẩm đến ô tô, vốn thường được coi là cao cấp hơn.

Alicia Guan, sống ở Chiết Giang, một trong những tỉnh giàu có nhất ở miền đông Trung Quốc, cho biết, cô từng sở hữu một tủ chứa đầy ắp sản phẩm chăm sóc da cao cấp như La Mer, một thương hiệu của Estée Lauder, cùng với các sản phẩm khác của các công ty Nhật Bản và Thụy Sĩ.

Sau khi đóng cửa cửa hàng quần áo trực tuyến của mình trong thời kỳ đại dịch, cô bắt đầu cắt giảm chi tiêu. Khẩu hiệu mua sắm của cô giờ đây là: Mua ít hơn và rẻ hơn.

“Tôi thực sự không thấy sự khác biệt giữa các thương hiệu Trung Quốc và những thương hiệu đắt tiền hơn”, người phụ nữ 36 tuổi nói và cho biết thêm cô sẽ chỉ mua sản phẩm chăm sóc da cao cấp khi thu nhập phục hồi.

Hôm 2-11, Apple cho biết doanh số bán hàng trên toàn cầu giảm trong quí thứ tư liên tiếp. Tại Trung Quốc, thị trường lớn thứ ba của Apple, doanh số giảm 2,5% so với quí trước xuống còn 15,1 tỉ đô la, thấp hơn ước tính của các nhà phân tích.

Apple cũng đối mặt với sự giám sát ngày càng chặt chẽ của chính phủ Trung Quốc cũng như sự cạnh tranh trong nước mạnh mẽ hơn từ những đối thủ bản địa như Huawei. Trong những tháng gần đây, Huawei bắt đầu bán các mẫu điện thoại thông minh cao cấp, có khả năng liên lạc vệ tinh và kết nối dữ liệu cực nhanh giống như 5G.

Khi được hỏi về nhu cầu ở Trung Quốc, CEO Tim Cook giải thích doanh số bán hàng bị ảnh hưởng bởi sự biến động của tỷ giá hối đoái và khẳng định, Apple có 4 mẫu điện thoại bán chạy nhất ở khu vực thành thị của Trung Quốc trong năm qua.

Hôm 1-11, nhà sản xuất quần áo mùa đông Canada Goose dự báo doanh số trong năm tài chính 2024 sẽ ở mức từ 1,2 -1,4 tỉ đô la Canada, giảm do với mục tiêu trước đó là 1,4-1,5 tỉ đô la Canada.

Jonathan Sinclair, Giám đốc tài chính của Canada Goose, thừa nhận người tiêu dùng Trung Quốc đang chi tiêu dè sẻn hơn do nền kinh tế trong nước khó khăn.

Cách đây 5 năm, thị trường tiêu dùng Trung Quốc vẫn nằm dưới  thống trị của các thương hiệu nước ngoài, khiến các thương hiệu trong nước chật vật cạnh tranh. Các thương hiệu Trung Quốc lép vế thường do chất lượng kém và hoạt động tiếp thị yếu. Nhưng giờ đây, các sản phẩm của họ trở nên phổ biến trên các nền tảng trực tuyến và các kệ hàng.

Ngay cả một số công ty Trung Quốc cũng đang cảm thấy khó khăn. Tuần trước, Yum China, công ty điều hành các cửa hàng thức ăn nhanh KFC, Pizza Hut và Taco Bell ở Trung Quốc báo cáo kết quả kinh doanh quí 3 không đạt được kỳ vọng. Theo Andy Yeung, Giám đốc tài chính của Yum China, nhu cầu của người tiêu dùng Trung Quốc suy yếu vào cuối tháng 9 và trong tháng 10.

“Hiệu ứng thịnh vượng từ thị trường chứng khoán và bất động sản gần như đã biến mất”, Jason Yu, Tổng giám đốc của CTR Media Convergence Institute, một công ty nghiên cứu thị trường, nói khi đề cập đến thực tế là xu hướng suy giảm của thị trường chứng khoán cùng với giá nhà ở Trung Quốc đang khiến người tiêu dùng lo lắng và cắt giảm chi tiêu.

“Người dân Trung Quốc từng tin rằng họ sẽ có thể kiếm được nhiều tiền hơn trong tương lai. Nhưng sau đại dịch, tâm lý đó không còn nữa”, ông nói.

Theo WSJ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới