(KTSG Online) – Nửa thế kỷ sau ngày đất nước thống nhất (30-4-1975/30-4-2025), TPHCM đã trải qua quá trình chuyển mình mạnh mẽ, vươn lên từ một đô thị hậu chiến tranh trở thành trung tâm kinh tế tài chính hàng đầu của cả nước. Trong dòng chảy phát triển không ngừng ấy, có những doanh nghiệp đã trưởng thành cùng thành phố, kiên trì vượt qua bao thăng trầm, linh hoạt thích ứng với sự thay đổi của thời cuộc và không ngừng khởi tạo những giá trị mới.
- Doanh nghiệp Việt ‘lên dây cót’, hướng đến phát triển bền vững
- Động lực tăng trưởng của Coteccons đến từ đâu trong tình hình mới?
Nhân sự kiện trọng đại kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Tạp chí Kinh tế Sài Gòn thực hiện chương trình Doanh nhân chính truyện – Signature Voice với chủ đề "Vượt thăng trầm – Những thương hiệu vững bền cùng TPHCM". Đây không chỉ là chuỗi đối thoại với các doanh nhân về chuyện làm ăn mà còn là không gian để nhìn lại hành trình của những thương hiệu Việt đã song hành cùng thành phố trong suốt nửa thế kỷ qua, một hành trình bền bỉ, sáng tạo và luôn sẵn sàng đổi mới để thích nghi.
Chương trình sẽ mang đến câu chuyện của Công ty sản xuất hàng tiêu dùng Bình Tiên (Biti’s), thương hiệu ra đời vào năm 1982 với khát vọng "người Việt có giày để mang" trong bối cảnh thị trường giày dép nội địa gần như vắng bóng sản phẩm Việt.
Theo bà Vưu Lệ Quyên, CEO Biti’s: “Một quốc gia mạnh là quốc gia có thể tự sản xuất và kinh doanh sản phẩm của chính mình”. Đến nay, sau hơn 40 năm, Biti’s đã trở thành một trong những thương hiệu quốc dân, không chỉ dẫn dắt thị trường trong nước mà còn truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ thông qua nhiều chiến dịch sáng tạo.
Hay Công ty Cổ phần Phát hành sách TPHCM (Fahasa), một cái tên đã trở nên thân thuộc với bao thế hệ học sinh, sinh viên, người yêu sách từ thuở nào. Được thành lập từ năm 1976 với vai trò ban đầu là phát hành sách phục vụ công tác tuyên truyền cách mạng, Fahasa đã từng bước chuyển mình trở thành một hệ thống với 130 nhà sách trải rộng trên 50 tỉnh thành. Theo ông Phạm Nam Thắng, Quyền Tổng giám đốc Fahasa, “Giai đoạn cổ phần hóa là bước ngoặt lớn nhất. Chúng tôi không chỉ thay đổi tư duy kinh doanh mà còn tái cấu trúc toàn bộ mô hình vận hành để thích ứng với một thị trường liên tục biến đổi”.
Không dừng lại ở đó, khi thương mại điện tử trở thành xu hướng phát triển mới, Fahasa cũng không ngần ngại thay đổi, đầu tư vào trải nghiệm mua sắm trực tiếp, biến mỗi nhà sách thành một “trạm dừng văn hóa” mang đậm dấu ấn riêng của từng địa phương.
Còn với ABC Bakery, đó là câu chuyện về hành trình lao động không ngừng nghỉ của ông Kao Siêu Lực, người được mệnh danh là “vua bánh mì”. Từ thành công với thương hiệu Đức Phát vào những năm 1980 đến việc bắt đầu lại từ con số không với ABC Bakery vào năm 2007, rồi đưa bánh Việt vươn ra thị trường quốc tế, tên tuổi ông còn gắn với thương hiệu “bánh mì thanh long” từng vực dậy tinh thần sản xuất trong giai đoạn khó khăn Covid-19.
Đến nay, dù đã ngoài 70 tuổi, ông Kao Siêu Lực vẫn tiếp tục thử sức với chuỗi nhà hàng Go Gelato. Với ông, làm bánh không chỉ là sản xuất thực phẩm mà còn là “giữ nghề, giữ người và giữ niềm tin vào sự sống”.
Cũng trong chương trình, câu chuyện của Tập đoàn Thiên Long sẽ mang đến một góc nhìn khác về sự bền bỉ. Khởi đầu từ một xưởng nhỏ vào năm 1981, Thiên Long đã phát triển thành một trong những tập đoàn văn phòng phẩm hàng đầu Việt Nam, có mặt tại hơn 70 quốc gia. Giữa kỷ nguyên kỹ thuật số, khi thói quen viết tay dần bị thay thế, Thiên Long vẫn giữ vững thị phần và giá trị truyền thống. Bà Trần Phương Nga, Tổng Giám đốc Tập đoàn Thiên Long, chia sẻ: “Có lúc chúng tôi tự hỏi làm bút trong kỷ nguyên kỹ thuật số còn phù hợp không? Nhưng mỗi khi thấy học sinh, sinh viên vẫn cầm bút viết, chúng tôi biết rằng trách nhiệm mình vẫn còn đó”.
Những câu chuyện kinh doanh này sẽ lần lượt được mang đến quý khán giả của Kinh tế Sài Gòn Online trong chương trình talkshow Doanh nhân chính truyện – Signature Voice được phát sóng vào 9h sáng thứ ba hàng tuần trên website (thesaigontimes.vn), fanpage và youtube của báo từ ngày 22-4-2025.
Kính mời quý khán giả đón xem!
Những câu chuyện thăng trầm 50 năm qua, rất hay. Nhưng mới chỉ phác họa được một nửa cuộc chơi. Sẽ là hay hơn, toàn diện hơn, nếu đề cập thêm những thương hiệu, dù vang bóng một thời, nhưng đã biến mất trên thương trường. Lý do là gì, chết tức tưởi, hoặc chết tất nhiên… ? Cũng nên phân tích kỹ hơn. Không việc gì phải giấu giếm thất bại. Đó sẽ là những bài học “thực chiến” vô giá, sâu sắc và bổ ích cho các thế hệ doanh nghiệp/ doanh nhân hôm nay và mai sau.