Thương lắm, chuối ơi!
Trân Lan (Michigan)
(TBKTSG) - Những ngày giáp Tết, cô em họ gọi điện thoại hỏi: “Tết sắp đến rồi, chị có gói bánh tét không?”. Một câu hỏi thật bình thường nhưng đã đánh thức cả một miền ký ức, tựa như chỉ cần chạm đến một thanh âm thôi là cả một khúc nhạc lòng xao động. Không nao lòng sao được khi mình nghe câu hỏi ấy lúc ngoài trời tuyết đang phủ trắng một màu còn mùa xuân thì ở một nơi xa lơ xa lắc. Chợt nhớ quay quắt những tàu lá chuối xanh mượt mà, bắp chuối đỏ tía và buồng chuối sứ trĩu quả nơi quê nhà.
Du khách nước ngoài đã trải nghiệm gói bánh chưng truyền thống dịp tết trong một lễ hội bánh chưng tại Phan Thiết (Bình Thuận). Ảnh: Thanhnien.vn |
Không rõ mình “nghiện” lá chuối từ lúc nào? Có lẽ từ ngày xửa ngày xưa, khi còn là cô bé tóc bum bê, ngày giỗ chạp, ngày cận Tết, mình đã thích ngồi cạnh bà nội say sưa nhìn bà gói bánh ít, bánh tét. Từ miếng lá xanh đơn giản, qua đôi tay xương xương của bà, những cái bánh nhìn sao mà đáng yêu thế! Bánh ít xếp hàng như những kim tự tháp, bánh tét tựa như... chiếc gối ôm xinh xinh. Thích nhất là lúc ngồi luộc bánh vì sẽ có cớ để không phải đi ngủ sớm (dù ngồi thì ngủ gà ngủ gật) và khi bánh chín được ngửi mùi lá chuối thơm thơm qua làn khói tỏa.
Mẹ không gói bánh khéo bằng bà nội nhưng mẹ làm cơm rượu cực kỳ ngon. Những viên nếp vo tròn xinh xắn được quấn bằng dải lá chuối bề ngang cỡ hai phân rồi đặt gọn gàng vào trong rổ, phía dưới là cái thố thủy tinh. Ba ngày sau, nước rượu nhỏ xuống thố, trong veo. Gỡ lá chuối bao quanh ra, viên cơm rượu nào ra viên đó. Mẹ bảo, đó là bí quyết vì lá chuối (nếu là chuối hột thì càng tốt) vừa giúp cho những viên nếp không bị dính vào nhau vừa giúp cho nước cơm rượu có mùi thơm dễ chịu. Bài học ấy, mình vẫn nhớ đến tận bây giờ để mỗi khi làm cơm rượu lại nhớ mẹ vô vàn...
Lại nhớ, sáng sớm Chủ nhật, ba dù đã ngoài 70 tuổi, vẫn thích đạp xe đi lễ nhà thờ. Tan lễ, ba thường ghé hàng xôi gần chợ Bà Chiểu mua cho cả nhà. Cầm gói xôi mà thương ba phải đạp xe nhanh hơn để khi về đến nhà, xôi còn ấm trên tay. Dù là xôi đậu xanh, đậu đen, xôi nếp cẩm... đều nổi bật trên nền lá chuối xanh mượt mà. Xôi bắp nhão còn được gói kèm theo một cái muỗng xinh xinh bằng cọng lá dừa.
Mùi thơm của lá chuối tiếp tục đưa mình về một miền nhớ nữa. Hồi mình chín, mười tuổi, sáng sớm chị Chi chở mình đi chợ. Ngồi sau xe, đang ngắm phố ngắm phường, tự dưng xe khựng lại, đầu mình đập vào lưng chị đau điếng. Chị cười hì hì bảo: “Thấy cái gì giống như đòn chả lụa, không biết chỉ là vỏ lá chuối bên ngoài hay có chả bên trong nên cán lên thử”. Đúng là chả lụa nóng hổi, chắc ai đó chở đi giao hàng làm rớt chăng? Đến bây giờ, hơn bốn mươi năm, vẫn còn nhớ mùi lá chuối quyện với mùi thơm của chả mới ra lò.
Còn nhiều, rất nhiều nữa. Là nhớ tiếng rao “Giò, chưng, gai...” lẻ loi đến nao lòng trong đêm mưa thanh vắng. Khi mình mở cửa mua dăm cái bánh, gương mặt khắc khổ ướt những giọt nước mưa của chú bán bánh ánh lên nụ cười héo hắt. Chiếc xe đạp cũ kỹ chất nặng nỗi niềm của cuộc mưu sinh nhọc nhằn và có lẽ cũng mang cả những ước mơ về một ngày mai tươi sáng hơn. Mình đã đứng tần ngần rất lâu trong lúc tiếng xích xe đạp cót két, cót két xa dần...
Là nhớ, tiết thanh minh hay những ngày giáp Tết Nguyên đán, cả gia đình về Cần Thơ tảo mộ, bao giờ khi trở lại Sài Gòn, quà quê mang theo ngoài rất nhiều những cây trái miệt vườn, bao giờ cũng có một buồng chuối sứ chín cây ửng hườm màu vàng. Và không chỉ có thế, còn có cả mấy gói chuối ép, khô vừa đủ độ, miếng nào cũng mỏng và hơi ươn ướt mật. Quà quê về phố thị, chia cho láng giềng cạnh nhà như một chút lòng thơm thảo gửi cho nhau kèm với nụ cười thật tươi.
Chờ cho chuối sứ chín muồi, thế nào mình cũng nấu một nồi chuối chưng cho cả nhà. Chén chè tỏa mùi thơm, vị dừa béo ngậy quyện với vị ngọt mềm của miếng chuối đỏ hồng, thêm chút đậu phộng rắc làm duyên; chỉ đơn giản vậy thôi mà vị ngon thấm sâu tận cõi lòng.
Nỗi nhớ cứ miên man đưa mình về một miền ký ức xa hơn. Nhớ những cái Tết trong thời bao cấp khó khăn, danh sách bánh mứt cứ dần ngắn lại. Duy chỉ có món chuối khô ngào đường là không hề vắng mặt - dù cái Tết có thiếu thốn nhiều thứ khác đi nữa. Mẹ kể, lúc về làm dâu, bà nội đã dạy mẹ làm mứt này. Ba thì nhắc, ở quê, trước Tết cả tháng, đã bắt đầu phơi chuối khô, giã gạo nếp làm bánh phồng, bánh tráng. Chuối khô ngào đường đã trở thành một món ăn đậm màu ký ức thân thương.
Bởi thế, mình vẫn nhớ như in hình ảnh ba tỉ mẩn cạo gừng (dường như mỗi năm chỉ được một lần vào dịp Tết), Mẹ rang đậu phộng, rang mè và hai chị em mình xắt chuối. Tết năm đầu tiên sau khi mẹ mất, ba hỏi: “Con có biết làm mứt chuối giống mẹ làm không?”. Có cái gì nghèn nghẹn ở cổ. Và mình hiểu, cần phải giữ gìn vẹn nguyên nếp cũ để với ba và cả nhà, mẹ vẫn còn hiện hữu đâu đây. Vì thế, chuối khô ngào đường trở thành món mứt “truyền thống” của gia đình mà mỗi dịp xuân về, khách đến nhà đều được mời nếm thử.
Mình đã mang nỗi nhớ niềm thương ấy trong suốt những năm tháng sống xa quê hương để rồi mày mò tự học, tự làm những món bánh, những thức ăn nào gói bằng lá chuối. Nơi đây, không có lá chuối tươi xanh mượt, khi sờ vào cảm thấy dễ chịu như chạm vào da em bé; chỉ có lá chuối đông lạnh đã chuyển sang màu xanh đậm, tai tái. Vậy mà cầm nó trên tay vẫn nao nao trong dạ. Mỗi khi hoàn tất món ăn, mình thích hít thật sâu mùi lá chuối, nhắm mắt lại để tưởng tượng đang ngồi nơi góc bếp bập bùng ánh lửa, có bà nội tóc trắng màu mây, có ba đang khơi hòn than hồng và mẹ thì lấm tấm những giọt mồ hôi trên trán. Bây giờ, những người thương yêu ấy đã mịt mờ nơi trời cao xa tít...
Có thể đòn chả lụa chưa khéo, chiếc bánh ít nhân đậu, đòn bánh tét nhân chuối hay cái bánh giò ở nơi xa xứ chưa đủ đậm đà hương vị như ở quê nhà nhưng với mình, đó là bản sắc Việt, là hồn dân tộc gói trọn trong đó. Đâu cần những gì cao sang, đâu cần ca ngợi bằng những từ ngữ hoa mỹ, giữ gìn bản sắc Việt là nâng niu sự mộc mạc, chất tinh tế trong từng món ăn dân dã để tình yêu quê hương luôn thấm sâu trong tim những con người Việt Nam dù có sống ở bất cứ nơi nào đi nữa.
Giữ gìn bản sắc Việt với những người con xa xứ còn là trong những ngày cận Tết Nguyên đán sẽ quây quần bên nhau trong nhà thờ, trong ngôi chùa để cùng nhau gói bánh tét, bánh chưng, cùng nhau ôn lại chuyện ngày xưa nơi quê nhà. Lau từng miếng lá, cắt những sợi dây, cột từng đòn bánh trong tiếng cười nói rộn ràng của đồng hương, chợt cảm nhận được những thanh âm mùa xuân đang âm vang khe khẽ trong tim mình, thấy ấm lòng hơn giữa mùa đông giá buốt và thấy dường như mình đang gần, rất gần với quê hương.