Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Thương lắm tóc dài ơi!

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Thương lắm tóc dài ơi!

BS.Lê Hùng (*)

(minh họa: Khều)

(TBKTSG) – Thương cho thân phận và cuộc đời của người phụ nữ.

Ngoài trời đang mưa, ngồi nghe bài hát “Thương lắm tóc dài ơi” của nhạc sĩ Phú Quang mà thấy buồn rười rượi, thương cho thân phận nữ nhi, dù có được bình quyền bao nhiêu chăng nữa vẫn có những thiệt thòi, thua sút, những nỗi niềm phải gánh chịu, cam chịu trọn cả cuộc đời.

Chúng ta hãy nhìn lại vòng đời, những thăng trầm trong cuộc sống của người phụ nữ và nếu có trái tim nhạy cảm, ta sẽ thấy thương họ rất nhiều bởi những thiệt thòi này!

Ngay từ lúc chuẩn bị chào đời đã thua thiệt! Khi người mẹ có thai, ai cũng hỏi “con trai hay con gái” dù hiện nay quan niệm này không còn quá khắc nghiệt, nhưng dù sao có một đứa con trai vẫn là điều mong ước của mọi người.

Trong trường hợp cả hai bên nội ngoại đều thiếu con trai thì niềm mong ước sinh con trai càng lớn. Nếu điều này không đạt được có thể sẽ ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình. Theo một thông lệ rất bất công, khi không có con trai dường như mọi tội lỗi đều đổ lên người vợ! Những bé gái sinh ra trong một gia đình “trọng nam khinh nữ” sẽ chịu nhiều thiệt thòi hơn đám con trai.

Lớn lên, đến tuổi dậy thì sẽ xuất hiện chu kỳ kinh nguyệt. Trên nguyên tắc, dấu hiệu này chỉ là tình trạng sinh lý bình thường của người phụ nữ, đánh dấu thời điểm dậy thì, có thể lấy chồng, sinh con. Tuy nhiên, nó mang lại khá nhiều phiền toái cho phái nữ. Họ luôn phải tính ngày, đến ngày phải có những điều chỉnh sinh hoạt cho phù hợp, phải tốn kém tiền bạc.

Trường hợp những người có một số rối loạn kèm theo chu kỳ kinh nguyệt như nhức đầu, đau bụng kinh, rong kinh, hiện tượng thay đổi tính tình (cáu gắt, giận dữ, vui buồn thất thường…) thì rất khổ sở. Trong những ngày này của nữ giới, nếu người chồng hoặc những người xung quanh không biết về hiện tượng này để thông cảm và chia sẻ đôi khi gây ra những tranh cãi, ngộ nhận đáng tiếc.

Đến tuổi lấy chồng, người con gái lại ở thế thụ động, nếu không biết nắm lấy cơ hội, thời gian sẽ trôi qua. Sau 30 tuổi mà vẫn còn “phòng không gối chiếc” thì xung quanh bắt đầu râm ran bàn tán và lời bàn thường chẳng có mấy lời hay. Sống độc thân không phải là chuyện dễ dàng. Ngoài dư luận của gia đình, xã hội, trong sâu thẳm của mình, người phụ nữ luôn mong có được một mái nhà với tiếng nói ấm áp của người đàn ông và tiếng cười của con trẻ. Trong những ngày nghỉ cuối tuần, không còn bạn bè để đi chơi, tán gẫu (do phần lớn đã có gia đình), người con gái cảm thấy rất cô đơn! Hoàn cảnh này làm cho một số người nữ không có bản lĩnh trở nên khép kín, tránh bạn bè, người thân, sống cô độc rồi rơi vào trạng thái suy nhược thần kinh, trầm cảm…

Nếu lấy chồng, sau những ngày trăng mật thơ mộng, trừ những trường hợp xuất thân ở các gia đình giàu có, đa số bắt đầu những chuỗi ngày phải âu lo toan tính và gánh nặng thường đặt lên vai người phụ nữ. Phải chi tiêu như thế nào cho hợp lý và phải để dành tiền sinh con, phòng khi đau ốm, mua nhà, mua xe… Một số ước muốn ấy đôi khi trở thành những giấc mộng nặng nề của biết bao người phụ nữ. Tiếp đến là chuyện sinh con trai hay con gái với những tình tiết như đã nói ở trên. Trong trường hợp hiếm muộn không có con, do “lỗi” của mình thì người phụ nữ sẽ chịu không biết bao nhiêu nỗi khổ, sự dằn vặt của chồng, bên nhà chồng, có trường hợp phải ly hôn để chồng đi lấy vợ khác!

Nếu mọi chuyện êm đẹp và mang thai thì người phụ nữ cũng chịu đựng không biết bao nhiêu nỗi nhọc nhằn của chín tháng mười ngày mang nặng, với khúc dạo đầu là ốm nghén. Một số người không có triệu chứng hoặc có triệu chứng rất nhẹ thì thật là may mắn, đa số đều bị nôn mửa liên tục, ăn uống không được, mệt mỏi, đau nhức mình mẩy (đặc biệt trong ba tháng đầu của thai kỳ). Tiếp đến là giai đoạn hết ốm nghén, ăn nhiều, tăng cân rất nhanh, người nặng nề, đi đứng ngủ nghỉ đều bị hạn chế, hai chân phù lên từ từ. Thay đổi về nội tiết có thể làm xuất hiện rất nhiều mụn trên mặt, dị ứng và nhiều bệnh khác như nhức đầu, đau thắt lưng, đau khớp…

Khi bị bệnh thì rất tội nghiệp cho thai phụ do phải cố gắng chịu đựng các triệu chứng bệnh lý, chờ đến khi chúng tự hết hay cho đến sau khi sinh mới được điều trị tích cực vì đa số thuốc Tây y thường có chống chỉ định trong thai kỳ. Siêu âm cho thấy tình hình thai nhi bình thường thì an tâm. Nếu có gì bất thường, nỗi lo âu sẽ tràn ngập. Khi sinh con cũng là những giây phút “vượt cạn” một mình đầy đau đớn và nguy hiểm của người mẹ. Sinh con, nhìn con khỏe mạnh và đầy đủ “mọi thành phần” xem như đã có thể thở phào nhẹ nhõm. Nếu con có gì khiếm khuyết, tật nguyền thì không nói chúng ta cũng có thể mường tượng được nỗi thống khổ sẽ đeo đẳng người mẹ suốt cả đời!

Quá trình nuôi con lớn lên, vai trò người mẹ cũng quá lớn, ấp ủ con với bầu sữa căng đầy, lo cho con từng miếng ăn, giấc ngủ, vui buồn theo từng bước chập chững của con. Con khỏe mạnh thì mẹ vui mừng. Con đau yếu lại bắt đầu chuỗi ngày nằm bệnh viện cùng con, thức khua dậy sớm lo cho con… mà đâu phải chỉ lo cho con, còn lo cho chồng nữa chứ! Dù có đi làm việc như mọi người nhưng chuyện đi chợ, nấu ăn cho gia đình cũng một tay của người phụ nữ. Nếu người chồng biết được sự hy sinh thầm lặng của vợ mà giúp đỡ, chăm sóc thương yêu, cùng với vợ lo cho gia đình nhiều hơn thì thật là tuyệt. Nhưng có biết bao trường hợp “chồng chúa vợ tôi”, ăn nhậu, chơi bời đã đời rồi về nhà lại bạo hành với vợ, gieo rắc những mầm bệnh thế kỷ cho vợ mình.

Thấm thoát rồi thấy mình tóc đã bạc, ngực teo đi, cơ teo đi, da khô hơn, nhăn nheo, đặc biệt là những vết chân chim bên khóe mắt, trên trán, như những vết hằn năm tháng. Người bứt rứt khó chịu, hay cáu gắt giận dữ, bốc nóng từng cơn, kinh nguyệt rối loạn, rồi hết kinh. Ham muốn tình dục cũng không còn bao nhiêu, ráng cố gắng để cho chồng thỏa mãn, rồi âm thầm chịu đựng nỗi đau buốt rát khó chịu sau mỗi lần gặp gỡ… Người phụ nữ bước vào giai đoạn tiền mãn kinh và mãn kinh, chấm dứt chuyện sinh nở và rơi vào tuổi già với không biết bao nhiêu bệnh tật sẽ xuất hiện nếu không biết giữ gìn.

Lấy chồng cùng tuổi hay chỉ kém vài tuổi thì ở thời điểm này xuất hiện sự khập khễnh vì chồng vẫn còn trẻ, sung mãn trong khi vợ đã già rồi. Nếu người chồng hết mực thương yêu và chung thủy thì không nói làm gì, nhưng nhiều trường hợp người chồng thấy vợ mình thua kém rất nhiều so với những cô gái trẻ đẹp xung quanh và bắt đầu thói trăng hoa, đàng điếm. Như thế nỗi khổ của người vợ lại một lần nữa ập đến ở tuổi về chiều với tâm trạng bị phản bội, tuyệt vọng chán chường.

Không đoán thì ai cũng biết, kết quả của sự gặm nhấm bởi những nỗi khổ chất ngất đó là bệnh tật của tuổi già mà người phụ nữ phải gánh chịu, dù chưa hưởng hạnh phúc bao nhiêu! Tiếng hát trầm buồn của một nam ca sĩ lặp lại điệp khúc “Thương lắm tóc dài ơi…” hòa lẫn trong tiếng mưa dai dẳng, rứt ray từng hạt nặng.

___________________________________________________

(*) Nguyên Phó viện trưởng Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Bạn đọc có nhu cầu tư vấn về sức khỏe, vui lòng truy cập địa chỉ: www.thesaigontimes.vn/Home/doanhnghiep/suckhoe.

Chúng tôi sẽ chuyển câu hỏi đến các bác sĩ chuyên về từng lĩnh vực để giải đáp cho bạn đọc.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới