Thứ sáu, 20/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Thương mại, đầu tư là động lực quan trọng của quan hệ Việt – Đức

Thái Huy

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Sau lễ đón chính thức chiều 13-11, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã hội đàm với Thủ tướng Cộng hòa Liên bang Đức Olaf Scholz. Hai bên khẳng định, thúc đẩy hoạt động kinh tế thương mại song phương; xác định thương mại, đầu tư tiếp tục là động lực quan trọng của quan hệ hai nước.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Cộng hòa Liên bang Đức Olaf Scholz gặp gỡ báo chí sau cuộc hội đàm thành công - Ảnh: Chinhphu.vn

Hai bên đã nhất trí phương hướng thúc đẩy hợp tác nhằm đẩy mạnh tin cậy chính trị, đóng góp cho phục hồi, phát triển kinh tế bền vững. Cùng với đó là phối hợp chặt chẽ, hiệu quả trong ứng phó với các thách thức toàn cầu; xác định thương mại - đầu tư tiếp tục là động lực quan trọng của quan hệ hai nước; tiếp tục tận dụng đầy đủ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA)

Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Chính phủ Đức sớm phê chuẩn Hiệp định bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA) để tạo điều kiện cho quan hệ kinh tế phát triển hơn nữa; khuyến khích các doanh nghiệp Đức đầu tư vào Việt Nam, chú trọng các lĩnh vực như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, năng lượng tái tạo, hạ tầng chiến lược, công nghiệp sản xuất.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng mong muốn Đức thúc đẩy Ủy ban châu Âu sớm gỡ bỏ thẻ vàng IUU đối với thủy sản xuất khẩu của Việt Nam, tính tới những nỗ lực của Việt Nam thời gian qua trong việc thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các khuyến nghị của EC về tiêu chuẩn IUU nhằm hướng đến phát triển nghề cá bền vững.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết, hai bên đã tập trung thảo luận vấn đề mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa, duy trì chuỗi cung ứng, nguồn nguyên liệu và địa bàn sản xuất trong bối cảnh kinh tế và chính trị thế giới có nhiều biến động. Cùng với đó là thảo luận về dự án tuyến metro mới tại Hà Nội với sự tham gia của đối tác Đức.

Tại hội đàm, hai bên cũng thống nhất mở rộng hợp tác về phát triển năng lượng tái tạo, hỗ trợ các vùng dễ bị tổn thương bởi biến đổi khí hậu như Đồng bằng sông Cửu Long; đẩy mạnh hợp tác nhằm đóng góp cho việc giải quyết đứt gãy nguồn cung, ứng phó với an ninh lương thực toàn cầu...

Hai bên cũng cùng ý kiến trong việc mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực dạy nghề và di cư lao động, sớm đàm phán, ký Hiệp định dạy nghề chất lượng cao và Hiệp định hợp tác di cư lao động có kỹ năng, quốc phòng - an ninh, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, y tế, văn hóa, tư pháp - pháp luật…

Về hợp tác phát triển, Việt Nam đề nghị Đức tiếp tục duy trì ODA và vốn vay ưu đãi, hỗ trợ Việt Nam trong phát triển cơ sở hạ tầng, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, đào tạo nghề, năng lượng tái tạo và y tế.

 

Theo Chinhphu.vn

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới