Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Thương mại điện tử trước thách thức khôi phục chuỗi cung ứng

Yên Minh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – Trong tuần qua, có hai sự kiện đáng chú ý liên quan đến thương mại điện tử mà Việt Nam đã có sự tham gia tích cực. Đó là việc bộ trưởng 11 nước thành viên Hiệp định CPTPP đã nhất trí thành lập tiểu ban về thương mại điện tử hướng tới thúc đẩy thương mại giữa các nước thành viên thông qua việc số hóa và Hội nghị thượng đỉnh thương mại dịch vụ toàn cầu năm 2021 tại Trung Quốc.

Sự nổi lên mạnh mẽ của các phương thức giao thương trực tuyến trong đợt bùng phát dịch bệnh lần thứ tư này đang được nhìn nhận ở các hai khía cạnh cơ hội và thách thức cho thương mại điện tử ở Việt nam.

Cơ hội thúc đẩy chuyển đổi số

Tham dự và phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh thương mại dịch vụ toàn cầu năm 2021 theo hình thức ghi hình, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chia sẻ quan điểm của Việt Nam đối với sự phát triển kinh tế số, công nghệ số và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực thương mại điện tử.

Một trong những nội dung quan trọng ông chia sẻ là việc Việt Nam tận dụng cơ hội phòng, chống đại dịch Covid-19 để chuyển đổi số với trọng tâm là công nghệ số, kinh tế số để đẩy nhanh hoàn thành mục tiêu phát triển bền vững 2030 của Liên hiệp quốc.

Ông cũng nhấn mạnh việc cần phát huy vai trò của công nghệ số trong thuận lợi hóa thương mại, hỗ trợ lưu chuyển hàng hóa, dịch vụ và sự đi lại của người dân, nhất là lưu chuyển hàng hóa bằng vận tải đa phương thức để bảo đảm cho chuỗi cung ứng không bị gián đoạn trong bối cảnh dịch Covid-19 có thể còn kéo dài. Ngoài ra, ông cho rằng các nền kinh tế cần có sự hợp tác để tăng cường thương mại điện tử qua biên giới trên cơ sở bình đẳng, cùng có lợi, qua đó giúp thúc đẩy xuất khẩu, nhất là xuất khẩu các loại nông thủy sản có tính thời vụ.

Trên thực tế, thương mại điện tử trước đây được nhiều nhà bán lẻ xem là một sự lựa chọn cộng thêm hơn là một chiến lược kinh doanh quan trọng. Khi Covid-19 định hình lại hành vi của người tiêu dùng và đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang mua sắm trực tuyến, thương mại điện tử đã trở thành một kênh hiệu quả để các công ty, bao gồm cả các doanh nghiệp nhỏ và vừa các nhà xuất khẩu, tiếp cận người tiêu dùng nội địa lẫn bán hàng xuyên biên giới.

Đơn cử là câu chuyện 3 tấn vải thiều Bắc Giang vào tháng 6 vừa qua đã được sàn thương mại điện tử Voso xuất khẩu và thông quan thuận lợi tại sân bay Frankfurt, Đức. Đây là lần đầu tiên nông sản Việt xuất khẩu sang thị trường châu Âu theo mô hình thương mại điện tử xuyên biên giới.

Tỉnh Bắc Giang bán được hơn 200.000 tấn vải thiều trong bối cảnh Covid-19 diễn biến phức tạp cũng nhờ vào kênh thương mại điện tử. Cùng với sự hỗ trợ từ các bộ ngành để đưa quả vải lên các sàn giao dịch trực tuyến lớn, người dân Bắc Giang cũng chủ động hơn nhiều để tận dụng các hình thức giao dịch qua mạng Internet như bán hàng trên các mạng xã hội, bán hàng trên các diễn đàn và hội nhóm trực tuyến.

Hay câu chuyện về “chợ dã chiến” trực tuyến của quận 5, TPHCM tại địa chỉ https://shop.ttvhq5.com.vn. Đây là kênh mua bán trực tuyến của chợ dã chiến rộng gần 4,7 héc ta tại Trung tâm Văn hóa quận 5, được lập ra nhằm bảo đảm sự thuận lợi và khoảng cách an toàn cho việc vận chuyển và lưu trữ, phân phối thực phẩm cho người “đi chợ hộ” trong khu vực. Người dân đặt hàng trực tuyến hoặc nhờ lực lượng “đi chợ hộ” tại phường để được hỗ trợ đặt hàng và nhận hàng trong ngày.

Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hoạt động chuyển đổi số đang diễn ra như một nhu cầu tự nhiên của nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh, nhằm đáp ứng hành vi tiêu dùng đang thay đổi của khách hàng. Bộ này đã xây dựng xong Chương trình hỗ trợ chuyển đổi số trong doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh giai đoạn 2021-2025, bao gồm cả việc hỗ trợ đào tạo, tư vấn, tham gia các gói ứng dụng giải pháp chuyển đổi số…

Bộ Thông tin và Truyền thông trong tháng 8 cũng đã tổ chức hội nghị trực tuyến về việc đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử giúp họ mở rộng các kết nối với nhà phân phối, nhà chế biến và xuất – nhập khẩu nông sản trong nước và quốc tế, từ đó giúp nhà nông chủ động hơn trong việc sản xuất và bán hàng…

Theo các chuyên gia kinh tế, thương mại điện tử xuyên biên giới có thể sẽ mở ra câu chuyện xuất khẩu cho các sản phẩm nông sản nói chung và các sản phẩm khác vốn là thế mạnh của Việt Nam, nhất là khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA) đã chính thức có hiệu lực. Đây là cơ hội không chỉ cho doanh nghiệp xuất khẩu nói chung mà cho cả các doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp địa phương, hợp tác xã, các cá nhân có sản phẩm chất lượng tốt và biết vận dụng thương mại điện tử xuyên biên giới.

Thách thức không nhỏ

Cơ hội không ít nhưng bao giờ cũng đi kèm với thách thức. Đó là những khó khăn trong vận chuyển hàng hóa, bảo quản hàng hóa, khâu thông quan hàng hóa, hiểu biết về thủ tục xuất nhập khẩu và đặc biệt là đối với lĩnh vực thương mại điện tử xuyên biên giới. Đây chính là những vấn đề mà doanh nghiệp, các nhà bán hàng Việt Nam cần phải tìm hiểu, nắm bắt và thực hành thao tác thành thạo.

Quay trở lại với thị trường trong nước, khi dịch bệnh bùng phát mạnh tại TPHCM, song song với hệ thống điểm bán hàng bình ổn, “mũi tiến công” thứ hai được các tổ chức, doanh nghiệp đẩy mạnh triển khai là kênh thương mại điện tử và các điểm bán hàng lưu động để giảm tải cho hệ thống bán lẻ truyền thống, tăng cường nguồn cung cho thành phố.

Tổ công tác đặc biệt của Bộ Công Thương cũng xác định thương mại điện tử là phương thức giao thương đặc biệt quan trọng nhằm vừa đảm bảo hàng hóa cho người dân, vừa hạn chế tiếp xúc. Hàng loạt sàn trực tuyến như Sendo, Voso, Tiki, Postmart, Shopee, Lazada… đã triển khai cung ứng hàng hóa cho TPHCM và các tỉnh phía Nam áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.

Bà Nguyễn Thị Minh Huyền, Phó cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), cho biết với tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp như hiện nay, kênh thương mại điện tử đang góp phần hỗ trợ kênh phân phối truyền thống, giúp người dân có thể mua sắm thuận lợi tại nhà và giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm. Lượng đơn đặt mua hàng trên các sàn giao dịch trực tuyến được ghi nhận tăng gấp 2-3 lần so với bình thường. Đáng tiếc, hàng hóa từ nhà sản xuất không đến được tay người tiêu dùng bị gián đoạn ở khâu giao nhận hàng hóa.

Các ứng dụng vận chuyển, như NowFresh (đi chợ), NowShip (giao hàng hóa thiết yếu) đều phải dừng hoạt động sau khi Hà Nội siết chặt hoạt động của các nhân viên giao hàng, shipper công nghệ. Tại TPHCM, các dịch vụ cung cấp dịch vụ vận chuyển hàng hóa bằng xe máy, như Grab, Be, Gojek, My Go và FastGo có lúc phải dừng hoạt động hoặc vận hành chật vật.

Bên cạnh đó, các sàn Sendo, Voso cho hay không thể tập kết, phân luồng hàng do một số kho bãi nằm trong khu vực bị hạn chế đi lại do giãn cách xã hội dẫn đến thiếu hụt nguồn cung tạm thời…

Một thách thức không nhỏ khác là làm sao đảm bảo được chất lượng cho các loại hàng hóa đặc thù, như hàng nông sản vốn đòi hỏi điều kiện nhất định trong các khâu từ thu hoạch, đóng gói, vận chuyển từ nông trại đến tay người tiêu dùng. Trong giãn cách, thời gian trên đường đi quá dài, điều kiện bảo quản hạn chế, nông sản xuống chất lại phải qua những lòng vòng giao hàng nội thành và đến tay người tiêu dùng hầu như đã thối rữa. Vòng luẩn quẩn hàng quay đầu khiến không chỉ gây áp lực lên người bán, người giao hàng mà còn góp phần vào cuộc khủng hoảng mất niềm tin về chất lượng hàng thương mại điện tử nơi người tiêu dùng.

Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số vào cuối tháng 7 đã bảy tỏ quan điểm cần duy trì hệ thống giao nhận thương mại điện tử ở các tỉnh, thành phố nơi đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 của Chính phủ. Trong công văn gửi đến các sở công thương địa phương, Cục này còn nhấn mạnh “trong trường hợp cần thiết, thiết lập “điểm tập kết hàng hóa”” cho thương mại điện tử ngay tại các khu cách ly tập trung hoặc các khu vực cư dân bị phong tỏa.

Ông Đặng Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, trong một cuộc họp gần đây cũng cho biết Bộ Công Thương ủng hộ phương án các địa phương cho phép hệ thống logistics của các sàn thương mại điện tử tiếp tục được hoạt động bình thường trong địa bàn của mình.

Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) cũng đã đề xuất với Chính phủ về việc cho phép lưu thông như trong điều kiện bình thường các hàng hóa cần vận chuyển với điều kiện đảm bảo phòng chống dịch Covid-19 và cần ưu tiên tiêm vaccin ngừa Covid-19 cho đội ngũ giao hàng. Hiệp hội cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao cho UBND các địa phương, đặc biệt là TPHCM và Hà Nội, căn cứ tình hình thực tế để hỗ trợ người giao hàng tối ưu hoá hoạt động, qua đó cũng giúp các sàn phục vụ tốt hơn người dân trong giai đoạn giãn cách xã hội.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới