Thứ ba, 28/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Thương mại hóa 3 dự án khởi nghiệp của học sinh trung học

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Thương mại hóa 3 dự án khởi nghiệp của học sinh trung học

Mỹ Dung

(TBKTSG Online) - Ngày 21-7, đại diện Ban tổ chức Ngày hội khởi nghiệp Quốc gia của học sinh - sinh viên (HSSV) năm 2020 cho biết, qua 3 mùa thi đã có 3 dự án được các doanh nghiệp chọn và đưa vào sản xuất, thương mại hóa.

Đó là các dự án “Nghiên cứu, bào chế, sử dụng dịch chiết và cao đặc từ cây sim để điều trị bỏng” của Trường THPT Phúc Trạch - Hà Tĩnh; dự án Nano Rutin của nhóm học sinh trường THPT Phan Đình Phùng, Hà Nội; Dự án “Máy làm sạch bề mặt đáy ao nuôi tôm” của nhóm học sinh ở Quảng Ninh.

Tại lễ phát động cuộc thi "Học sinh sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp năm 2020" được tổ chức tại trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM hôm nay ngày 21-7, ông Bùi Tiến Dũng, Thư ký tổ công tác triển khai Đề án 1665 (Quyết định số 1665/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án "Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025" - PV) cho biết, năm nay có 400 dự án đăng ký tham gia, trong đó có 120 dự án là của các em học sinh THCS, THPT. Mục tiêu của Đề án 1665 “Hỗ trợ học sinh sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025” nhằm thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp của học sinh, sinh viên ngay từ ghế nhà trường.

Cuộc thi hỗ trợ cho các em học sinh, sinh viên phát triển và mở rộng dự án, đặc biệt là ứng dụng thực tiễn thông qua các câu lạc bộ khởi nghiệp, doanh nghiệp hỗ trợ nguồn vốn và cơ sở vật chất. Đây cũng là cơ hội để các đội thi tiếp cận với cơ hội đầu tư cũng như kiến thức từ hội đồng giám khảo danh dự là các doanh nghiệp có khả năng đầu tư.

Chia sẻ với TBKTSG Online, ông Dũng cho hay, qua 3 mùa thi đã có 3 dự án được các doanh nghiệp chọn và đưa vào sản xuất, thương mại hóa. Trong đó có dự án “Nghiên cứu, bào chế, sử dụng dịch chiết và cao đặc từ cây sim để điều trị bỏng” của Trường THPT Phúc Trạch - Hà Tĩnh; Dự án Nano Rutin của nhóm học sinh trường THPT Phan Đình Phùng, Hà Nội; và Dự án “Máy làm sạch bề mặt đáy ao nuôi tôm” của nhóm học sinh ở Quảng Ninh.

Dự án “Nghiên cứu, bào chế, sử dụng dịch chiết và cao đặc từ cây sim để điều trị bỏng” do em Đinh Anh Tú - học sinh lớp 12A1, Trường THPT Phúc Trạch (Hương Khê, Hà Tĩnh) thực hiện, vận dụng kinh nghiệm dân gian và khoa học hiện đại để biến sim rừng thành sản phẩm dùng điều trị bỏng. Từ cây sim mọc tự nhiên trong rừng, em Đinh Anh Tú đã chuẩn hóa quy trình sản xuất cao sim dùng điều trị bỏng.

Với sản phẩm cao chữa bỏng từ cây sim, Đinh Anh Tú đã vượt qua hơn 200 dự án của học sinh, sinh viên cả nước, giành giải Nhì cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp - SWIS 2018” vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo trao thưởng vào cuối năm 2018.

Chia sẻ về những dự định trong tương lai, Tú cho biết, trước mắt em vẫn tập trung cho kỳ thi THPT và đại học sắp tới. Đồng thời, dành thời gian để nghiên cứu thêm một số thành phần bổ sung vào sản phẩm cao sim để tăng hiệu quả và có thể được bảo quản lâu hơn.

Dự định khởi nghiệp của em là có thể mở xưởng sản xuất cao sim tại quê nhà. Em vẫn đang tìm hiểu về máy móc, thiết bị để hoàn thiện quy trình sản xuất theo hướng công nghiệp, quy mô lớn hơn, giảm được giá thành. Dự án đã được Công ty Dược Hà Tĩnh đưa vào sản xuất, thương mại hóa.

Thương mại hóa 3 dự án khởi nghiệp của học sinh trung học
Đinh Anh Tú đã vượt qua hơn 200 dự án của học sinh, sinh viên cả nước, giành giải Nhì cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp - SWIS 2018”. Ảnh: https://dean1665.vn

Thứ hai là dự án Nano Rutin của nhóm học sinh trường THPT Phan Đình Phùng, Hà Nội, với mong muốn tạo ra một sản phẩm phục hồi và ngăn ngừa đột quỵ. Thực phẩm bảo vệ sức khỏe được sản xuất từ tinh chất Rutin có trong cây hoa hòe, được trồng phổ biến ở Thái Bình.

Đánh giá cao tính khả thi về mặt triển khai của Nano Rutin, bà Lê Thục Phương, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Bệnh viện Đa khoa Hà Nội và Công ty Đầu tư tài chính VBS cam kết song hành với hai dự án này, đầu tiên là hoàn thiện ý tưởng sản phẩm. Với Nano Rutin, bà Phương cho biết sẽ sang Nhật Bản để trao đổi với đối tác, giúp xuất khẩu sản phẩm này sang Nhật.

Thứ ba là dự án “Máy làm sạch bề mặt đáy ao nuôi tôm” của nhóm học sinh ở tỉnh Quảng Ninh do em Ngô Anh Tài, lớp 10 Trường THPT Bạch Đằng và em Nguyễn Đức Hoàn, lớp 9, Trường THCS Tân An, thị xã Quảng Yên thực hiện.

Dự án này đã giành được giải ba tại vòng chung kết Cuộc thi Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp 2019. Dự án đã được công ty Dược Hà Nam đưa vào thực tiễn sau khi kết thúc cuộc thi.

Ông Bùi Văn Linh - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác HSSV, Bộ GD&ĐT cho biết, cuộc thi năm nay tính riêng hồ sơ của các em học sinh THPT, THCS BTC dự kiến sẽ có khoảng 120 hồ sơ nộp. Bao gồm những lĩnh vực logistic và nông nghiệp, dược sinh học, y tế, giáo dục.

Học sinh Đinh Anh Tú (thứ 5, bên trái) nhận giải trong cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp - SWIS 2019. Ảnh: baoquangninh.com.vn

Cũng theo ông Linh, các em học sinh THCS đạt giải cao trong cuộc thi sẽ được tuyển thẳng vào các trường THPT, các em đang học THPT sẽ có cơ hội tuyển thẳng vào đại học thông qua các chế độ ưu tiên của các trường.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới