Thứ Bảy, 3/06/2023, 07:48
28 C
Ho Chi Minh City

Đặt báo in

Thông tin quảng cáo

Thông tin quảng cáo


Thương vụ được tăng quyền, trách nhiệm tăng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Thương vụ được tăng quyền, trách nhiệm tăng

Giao diện trang web của Thương vụ Việt Nam tại Chi Lê, đây là trang web duy nhất có đầy đủ thông tin về Việt Nam ở khu vực châu Mỹ La tinh với 15 ngôn ngữ.

(TBKTSG Online) – Chỉ có hai lời cám ơn ít ỏi của 2/200 hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam dành cho 55 thương vụ  tại 54 quốc gia đã giúp các doanh nghiệp thành viên của họ thâm nhập thị trường nước ngoài tại hội nghị hôm 20-2. Đã đến lúc phải có những “đơn đặt hàng” cụ thể hơn cho tham tán. 

Thương vụ phái góp phần vào chỉ tiêu xuất khẩu

Hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư của các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế trong nước không phải chỉ có con đường duy nhất là thông qua các thương vụ Việt Nam ở nước ngoài. Nhưng cũng không thể phủ nhận rằng, các thương vụ mà đứng đầu là các tham tán là một trong những kênh thông tin hữu ích về thị trường nước sở tại cho các doanh nghiệp trong nước. Hơn nữa, các thương vụ đều hoạt động bằng tiền ngân sách nhà nước cấp nên việc phục vụ cho các hoạt động xúc tiến thương mại trong và ngoài nước là điều không thể bỏ phí.

Thay cho các cuộc gặp mặt tham tán thương mại hàng năm mang nặng tính thủ tục, tại Hội nghị tham tán thương mại 2008, Chính phủ, Bộ Công thương và cộng đồng các doanh nghiệp đều mong muốn sự tham gia tích cực hơn nữa của lực lượng tham tán vào việc tăng thêm 22% chỉ tiêu xuất khẩu. Bởi xét cho cùng, nhiệm vụ số một của các cơ quan thương vụ Việt Nam tại nước ngoài là giúp hàng hóa sản xuất trong nước ngày càng có mặt ở thị trường quốc tế nhiều hơn nữa, cao hơn là đưa các nhà đầu tư nước ngoài vào các dự án lớn của Việt Nam.

Tại hội nghị hôm 20-2, lần đầu tiên Bộ Công thương đã chính thức giao chỉ tiêu xuất khẩu cho từng thị trường. “Đây là căn cứ lớn nhất để đánh giá tính hiệu quả hoạt động trong năm của thương vụ, thay cho những nhận xét chung chung như trước kia”, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng nói. Ông Hoàng nhấn mạnh điều này sau khi 55 thương vụ đã nhận được văn bản do Thứ trưởng Bùi Xuân Khu ký, nêu rõ yêu cầu xác định tỷ lệ tăng trưởng của từng thị trường kèm theo yêu cầu xúc tiến các mặt hàng cụ thể.

Cục Xúc tiến thương mại cũng đã xây dựng một văn bản về quy trình phối hợp hoạt động xúc tiến trong và ngoài nước, trong đó các thương vụ được coi như một “mắt xích” trong vai trò thẩm định 112 chương trình xúc tiến quốc gia trong năm nay.

Các thương vụ sẽ phải đề xuất các hình thức xúc tiến thương mại (XTTM) cụ thể có thời gian, quy mô, đối tượng và phương thức triển khai phù hợp. “Họ cũng có quyền nói không với các chương trình hoặc các chuyến khảo sát thị trường của các đoàn doanh nghiệp nếu chuẩn bị vội vàng hoặc không hiệu quả”, Cục trưởng Cục xúc tiến thương mại Đỗ Thắng Hải nói trong buổi làm việc với các tham tán hôm 19-2 tại Hà Nội.

Ông Hải bổ sung thêm, năm nay sẽ hạn chế các đoàn khảo sát thị trường (bằng tiền ngân sách), thay vào đó gia tăng việc tham gia hội chợ, triển lãm ở nước ngoài. Vì thế, các  thương vụ cũng phải “chạy việc” hơn trước nhiều.

Có làm được không?

Phản ứng của nhiều tham tán về việc được tăng quyền không phải là thái độ vui mừng.

Một số tham tán ở thị trường châu Âu nói với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online: “Thực ra giao chỉ tiêu thị trường cho thương vụ chỉ mang tính định hướng. Đánh giá theo đó sẽ là cảm tính bởi vì tăng hay giảm xuất khẩu ở mỗi thị trường phải có người thực hiện, có tiền và có hàng”.

Các tham tán cho rằng, với số người trong biên chế ít ỏi tại các thương vụ (1 hoặc 2 người/thương vụ), tiền hỗ trợ xúc tiến từ trong nước chưa thấm vào đâu cộng với việc doanh nghiệp mới đóng vai trò then chốt trong các hoạt động xuất khẩu nên không nên dồn hết lên vai thương vụ.

Nhưng theo nhiều người sự thật là còn rất nhiều việc “trong tầm tay”  thương vụ đủ sức đảm trách, nếu họ thực sự có trách nhiệm hơn.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Thương mại (Bộ Công thương hiện nay), ông Lương Văn Tự – hiện đang lãnh đạo Hiệp hội cà phê Việt Nam than phiền rằng trong khi thương vụ ở Anh cập nhật rất đầy đủ về việc lên, xuống của thị trường cà phê cho các doanh nghiệp thì với thương vụ tại Indonesia, hiệp hội cà phê không nhận được các thông tin tương tự về mùa vụ, giá cả, thời điểm lên xuống. “Nếu có thêm thông tin, sẽ giúp cải thiện tình hình Việt Nam hiện là nước xuất khẩu cà phê thứ hai thế giới nhưng giá trị xuất khẩu chỉ đứng thứ tư”, ông Tự nói.

Bộ Công thương còn phê bình các thương vụ chưa nắm được những thành quả trong đàm phán về mở cửa thị trường để cung cấp thông tin cho doanh nghiệp một cách kịp thời. Điển hình trong khu vực mậu dịch tự do (AFTA) của Đông Nam Á (ASEAN), tỷ lệ sử dụng Form D ưu đãi hiện nay rất thấp (không quá 10%) nhưng một số thương vụ không đưa được đề xuất cụ thể để đăng ký tỷ lệ sử dụng ưu đãi này đối với các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam. Bản thân thương vụ cũng không nắm được tỷ lệ sử dụng ưu đãi nói trên trong các doanh nghiệp nước sở tại khi họ xuất khẩu vào Việt Nam để có cơ sở phân tích, so sánh. Hậu quả là doanh nghiệp Việt Nam không tận dụng được một cách tối đa những cơ hội do hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế mang lại.

Hiện tại, chí có 1 thương vụ duy nhất ở Chilê cho ra đời trang web với 15 ngôn ngữ thông tin đầy đủ về Việt Nam cho các doanh nghiệp ở Nam Mỹ. Tham tán tại Chilê Hoàng Tuấn Việt nói: “Chilê là thị trường mở cửa tự do nhất ở khu vực châu Mỹ La tinh. Ở Nam Mỹ và Chilê, chủ yếu các doanh nghiệp nói tiếng Tây Ban Nha. Nếu các doanh nghiệp có được cổng thông tin bằng ngôn ngữ đó hoặc nhiều ngôn ngữ khác, việc xúc tiến thương mại sẽ tốt hơn”.

Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Chilê còn quá nhỏ, năm 2007 đạt 55,05 triệu đô la Mỹ. Tuy nhiên, câu chuyện mà tham tán Hoàng Tuấn Việt kể nếu được áp dụng ở các thị trường lớn hơn, chắc chắn sẽ mang lại hiệu quả đáng kể.

Hiệp hội chế biến xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP) đã không để các tham tán ngồi yên khi cử một đoàn công tác ra Hà Nội nhân dịp hội nghị này và mời gần 20 tham tán ở các thị trường có liên quan về văn phòng VASEP bàn cách xúc tiến thị trường.

Cả nhà nước và doanh nghiệp đều đã trao quyền, các tham tán sẽ làm thế nào?

NGỌC LAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới