Thứ ba, 31/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Thuỷ sản vào EU: Minh bạch để bền vững

Trung Chánh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Dù chiếm hơn 11% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành thuỷ sản Việt Nam ở thời điểm hiện tại, nhưng Liên minh châu Âu (EU) là thị trường “nền tảng” để Việt Nam tiếp tục mở rộng xuất khẩu ra thế giới. Do đó, minh bạch trong tuân thủ các quy định về chất lượng từ  nuôi, chế biến đến xuất khẩu phải được thực thi nghiêm minh...

Ngành thuỷ sản cần minh bạch để xuất khẩu bền vững vào EU. Ảnh: Trung Chánh

Nửa đầu năm nay, tổng kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam đạt 4,355 tỉ đô la Mỹ, tăng 4,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, xuất sang EU đạt khoảng 500 triệu đô la Mỹ, chiếm khoảng 11,5% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành.

Tuy kim ngạch xuất khẩu sang EU không quá lớn, nhưng đây là thị trường “nền tảng” để phát triển xuất khẩu sang các thị trường khác. Bởi lẽ, khi thuỷ sản Việt Nam được EU đánh giá cao mặc nhiên được nhiều thị trường khác chấp nhận.

Tại hội thảo “Quy định về an toàn thực phẩm trong nuôi trồng thuỷ sản” tổ chức mới đây ở thành phố Cần Thơ, bà Nguyễn Thị Băng Tâm đến từ Cục thuỷ sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đánh giá, Mỹ và EU là hai thị trường “đầu kéo” cho cả ngành thuỷ sản tiếp tục xuất khẩu đi quốc tế. “Hai thị trường này có vấn đề sẽ gây hiệu ứng "domino”, ảnh hưởng toàn bộ ngành hàng thuỷ sản Việt Nam”, bà nhấn mạnh.

Hiện, Việt Nam có 484 doanh nghiệp chế biến và kho lạnh tham gia xuất khẩu vào thị trường EU, trong khi đó, có 1.238 cơ sở sản xuất cá tra và hàng trăm nghìn của ngành tôm tham gia vào chuỗi xuất khẩu toàn cầu, bao gồm cả EU.

Chính tầm quan trọng như trên nên việc tuân thủ quy định của thị trường nhập khẩu, nhất là với EU cần phải thực thi nghiêm túc. Tuy nhiên, thực tế doanh nghiệp Việt Nam vẫn đang mắc các sai lỗi khi bán vào thị trường này.

"Khai" mua thuỷ sản ở đất trồng cây

Bà Băng Tâm của Cục thuỷ sản cho biết, từ ngày 24-9 đến 17-10-2024, đoàn thanh tra thực địa của Cơ quan thực thi các chính sách của EU về an toàn sức khoẻ và thực phẩm (DG-SANTE) sẽ đến một số địa phương của Việt Nam để đánh giá hoạt động kiểm soát dư lượng đối với thuỷ sản xuất khẩu vào thị trường này, bao gồm Quảng Ninh, Hải Phòng, Đồng Tháp và Tiền Giang.

DG-SANTE cũng thẩm tra “độ tin cậy” về đảm bảo thuỷ sản nuôi xuất sang EU không chứa các dư lượng theo quy định của thị trường này. Đồng thời, thẩm tra Việt Nam có tiếp tục đáp ứng các yêu cầu của EU về kế hoạch kiểm soát dư lượng theo yêu cầu của thị trường EU hay không.

Phương pháp tiếp cận của DG-SANTE là đánh giá theo hệ thống, trong đó, đã xong bước đánh giá tương đương về mặt quản lý của Việt Nam, tức các quy định pháp luật về sản xuất, chế biến và xuất khẩu thuỷ sản.

Theo bà Băng Tâm, phía EU sang Việt Nam lần này để đánh giá tương đương về mặt triển khai ở địa phương, tức có đúng quy định pháp luật được cấp Trung ương đưa ra hay không, bao gồm đi kiểm tra định kỳ, đánh giá thực hiện…

Câu hỏi được đặt ra, đó là việc chấp hành các quy định được chuỗi ngành thuỷ sản Việt Nam thực thi thời gian qua như thế nào?

Ông Nguyễn Tiến Diệt, Phó chi cục trưởng Chi cục thuỷ sản Tiền Giang- địa phương sẽ có đoàn EU sang thanh tra thực địa - cho biết, những tháng đầu năm nay, đơn vị này nhận được nhiều yêu cầu thẩm tra, xác minh doanh nghiệp xuất khẩu có mua cá trên địa bàn tỉnh Tiền Giang hay không. Bởi lẽ, sau khi có lô hàng bị cảnh báo vi phạm, doanh nghiệp khai đã mua nguyên liệu ở Tiền Giang.

Tuy nhiên, có chuyện “oái oăm” xảy ra, đó là địa chỉ doanh nghiệp khai mua thuỷ sản lại là đất… trồng cây. “Địa chỉ đó chủ đất trồng cây không có nuôi cá mà doanh nghiệp khai tới 50-70 tấn. Khi Trung tâm quản lý chất lượng vùng 4 đến xác minh, thì địa chỉ doanh nghiệp từng khai vẫn không phải là nơi nuôi thuỷ sản", ông Diệt cho hay.

Việc doanh nghiệp “không trung thực” trong khai báo khiến việc truy xuất nguồn gốc, điều tra nguyên nhân để đưa ra hướng khắc phục sai lỗi sau khi lô hàng bị phía EU cảnh báo gặp nhiều khó khăn. Đây là câu chuyện cách khai của doanh nghiệp sau khi có lô hàng bị nhiễm, tức khai không đúng, dẫn đến cán bộ địa phương phải đi lòng vòng.

Hoặc có trường hợp, lô hàng sau khi bị EU cảnh báo kháng sinh, doanh nghiệp khai mua của một cơ sở, nhưng phía cơ sở nuôi đổ lỗi dư lượng kháng sinh có thể từ con giống chưa đào thải hết trong quá trình nuôi. Trong khi đó, đơn vị cung cấp giống lại khẳng định không sử dụng kháng sinh do cơ sở đạt tiêu chuẩn GlobalGAP (thực hành sản xuất nông nghiệp tốt theo tiêu chuẩn quốc tế).

Tuy nhiên, các “mắt xích” ở trường hợp nêu trên đều không chứng minh được vì không có giấy tờ liên quan. Khi sự vụ xảy ra thì bên này đẩy trách nhiệm cho bên kia khiến vấn đề "rối" hơn.

Từ việc làm ăn không “chuẩn mực” nên doanh nghiệp phải giải trình lòng vòng, dẫn đến phía châu Âu không chấp nhận. Thực tế, đã có trường hợp doanh nghiệp bị cấm xuất khẩu vào thị trường quan trọng này.

Chế biến cá tra xuất khẩu. Ảnh: Trung Chánh

Đã đến lúc phải “minh bạch”

Từ vấn đề ở trên cũng như yêu cầu của phía EU, ông Diệt cho rằng, đã đến lúc doanh nghiệp phải minh bạch. Doanh nghiệp không kéo dài chuyện thu gom nguyên liệu nhiều chỗ, không có hợp đồng, giấy chứng nhận/xác nhận như hiện nay.

Rõ ràng, giải pháp căn cơ trong chấp hành quy định phải xuất phát từ doanh nghiệp, tức doanh nghiệp mua hàng có nguồn gốc, xét nghiệm trước để đảm bảo chất lượng. Điều này, sẽ tác động đến khâu nuôi, cung cấp giống, thức ăn và cả thuốc cũng phải tuân thủ, bởi làm sai sẽ không tiêu thụ được sản phẩm.

Cơ quan nhà nước chia sẻ, sẵn sàng xuống từng ao để kiêm tra khắc phục, nhưng quan trọng phải có sự phối hợp, đồng hành của doanh nghiệp, tức doanh nghiệp phải minh bạch. “Đây mới là cách làm thành công và bền vững”, ông nhấn mạnh.

Trong khi đó, ông Nhữ Văn Cẩn, Vụ trưởng Vụ nuôi trồng thuỷ sản của Cục thuỷ sản đồng quan điểm khi cho rằng, việc quản lý thuỷ sản phải đi vào nề nếp, “khai lòng vòng” sẽ rất khó để để tồn tại trong bối cảnh hiện nay.

Theo ông Cẩn, Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 02/2017/NĐ-CP của Chính phủ về “Cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh” đang được triển khai. Trong đó, sẽ đưa một số nội dung quan trọng vào, bao gồm nuôi lồng bè phải có đăng ký cấp mã số; nuôi biển phải được cấp phép; sản xuất giống phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện…, mới được hưởng hỗ trợ khi bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh. “Đã đến lúc phải ràng buộc với cơ chế chính sách, hỗ trợ để thúc đẩy tuân thủ”, ông nhấn mạnh.

Một vấn đề quan trọng khác được vị Vụ trưởng Vụ nuôi trồng thuỷ sản yêu cầu, đó là cấp thực thi phải “siết” công tác quản lý về giống, thức ăn. “Đầu vào phải kiểm soát theo nhóm II, tức phải chứng nhận đủ điều kiện”, ông nhấn mạnh.

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Thuý, Trưởng phòng Phòng quản lý nuôi trồng thuỷ sản (Chi cục thuỷ sản tỉnh An Giang) đề xuất, cần tách đối tượng sản xuất để xuất khẩu vào EU ra riêng nhằm quản lý.

Đề xuất nêu trên được đưa ra vì hiện có một số chất kháng sinh Việt Nam “không cấm” nên cơ sở nuôi vẫn sử dụng. Trong khi đó, EU lại cấm nên rất dễ vi phạm khi sản phẩm được chế biến bán vào khu vực này. “Mình không tách được thị trường xuất khẩu sẽ không kiểm soát được. Đây là vấn đề rất đáng lo cho đợt tới (đợt thanh tra thực địa)”, bà Thuý nhấn mạnh.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới