Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

“Tía ơi má dzìa” mở màn kịch Tết 2012

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

“Tía ơi má dzìa” mở màn kịch Tết 2012

Huy Nguyễn

Tư Chơn (nghệ sĩ ưu tú Thành Lộc đóng) gửi nỗi nhớ vợ vào tiếng đàn kìm – ảnh: Huy Nguyễn

(TBKTSG Online) – Những gì được thấy trong vở kịch mới “Tía ơi má dzìa” của sân khấu Idecaf là một một câu chuyện tình yêu chung thủy, mộc mạc trong không gian đậm chất văn hóa của vùng đất và con người miền Nam.

“Làm thân con gái chớ nghe đàn bầu” là câu mà tiền nhân của vùng đất Nam bộ đã từng cảnh giác con gái họ về một tương lai đầy bấp bênh của nghề đơn ca tài tử. Tư Chơn là một tay chơi đàn kìm theo gánh hát nay đây mai đó. Mặc dù ông không dính với chiếc đàn bầu như câu ví von trên, nhưng kiếp nghèo của một nghệ sĩ theo ghe hát xuôi ngược cũng thể hiện một cuộc sống mong manh và cơ hàn.

Từ vùng đất miền Tây sông nước, ông trôi dạt về Sài Gòn và lấy bà Thắm, con gái của một ông chủ giàu có, làm vợ. Nhưng vì sự ép buộc của gia đình mà bà Thắm buộc phải xa lìa ông và hai đứa con bé bỏng. Kể từ đó, trái tim Tư Chơn hóa đá và sống trong nỗi dằn vặt nhớ nhung.

Qua vai Tư Chơn, nghệ sĩ ưu tú Thành Lộc đã hóa thân một cách ngọt ngào vào hình ảnh người đàn ông Nam bộ trung niên. Cái chất của một tài tử Nam bộ còn được anh thể hiện rõ nét qua cách chơi cây đàn kìm, qua cách anh hát những câu cải lương và ngân nga những câu hò, điệu lý thật điệu nghệ nhưng man mác buồn.

Tính cách nhân vật của anh càng Nam bộ hơn khi được đặt vào một không gian sống mà ở đó có cây cầu khỉ, chiếc giường tre, có chiếc xuồng, chiếc lu nước đặt hờ hững trước hiên nhà. Nhưng điểm nổi bật nhất của vở diễn là đoạn anh độc diễn vì nỗi nhớ quay quắt người vợ biệt vô âm tín. Anh đã độc thoại, anh đã hát, và khán giả đã thấy được những dòng lệ rơi xuống từ ánh mắt rất buồn.

Tác giả và đạo diễn đã cho người vợ của ông trở về đoàn tụ và xum họp với gia đình. Tư Chơn sau cơn giận chất ngất muốn từ mặt người vợ mà ông hằng mong đợi đã dang tay chào đón bà trong cảnh mênh mông sông nước. Cách xử lý ấy khẳng định cái tình của người miền Tây nói riêng hay cả một vùng Nam bộ nói chung: rất mau quên nỗi hận thù và luôn thích sống chan hòa trong tình yêu thương.

Câu chuyện tình buồn của Tư Chơn đã được đạo diễn lồng vào những tiếng cười dung dị qua cái duyên của diễn viên Đại Nghĩa (vai Sáu Lôi), Phương Dung (mẹ của thầy giáo Mộc), Phi Phụng (cô Tám). Đặc biệt, nam siêu mẫu Trương Nam Thành dù lần đầu đóng kịch chuyên nghiệp nhưng qua vai Thành, anh đã diễn rất tốt tâm trạng của một đứa con trai khao khát tình mẫu tử.

Ngoài ra, vở diễn còn có sự tham gia diễn xuất của Hoàng Trinh (bà Thắm), Xuân Thùy (Tươi), Lương Thế Thành (thầy giáo Mộc), Tuấn Khôi (cậu của Mộc). Tác giả của “Tía ơi má dzìa” là Minh Ngọc, đạo diễn Vũ Minh.

Vở diễn dự kiến sẽ được công diễn vào đầu tháng 1 và mồng 1 Tết Nguyên đán năm Nhâm Thìn tại nhà hát Bến Thành.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới