Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Tích cực bảo vệ người tiêu dùng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Tích cực bảo vệ người tiêu dùng

Diệp Thành Kiệt (*)

Chậm giương rào cản kỹ thuật là tạo thêm sự lo lắng và thậm chí làm mất niềm tin của người dân đối với hàng sản xuất trong nước. Ảnh: Hữu Thắng

(TBKTSG) – Càng bàn đến vấn đề kiểm soát hàng hóa sản xuất trong nước và nhập khẩu, chúng ta càng thấy có nhiều bất cập và thấy rõ sự chậm chạp, yếu kém, thiếu trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước đối với sự an toàn của người tiêu dùng.

Để giải thích cho sự chậm chạp việc ban hành các quy chuẩn, có ý kiến cho rằng xây dựng một quy chuẩn của Việt Nam phải mất từ 1-2 năm. Thoạt nghe, nhiều người sẽ nghĩ rằng do mất thời gian lâu như vậy nên việc Việt Nam chưa có nhiều quy chuẩn là hợp lý.

Quy chuẩn kỹ thuật không phải là vấn đề mới, ngay cả khái niệm về hàng rào kỹ thuật từ các nước nhập khẩu lớn cũng đã được bàn bạc rộng rãi ít ra là trên mười năm nay!

Với thời gian như vậy đủ cho chúng ta xây dựng được gần đủ các quy chuẩn kỹ thuật cơ bản nhằm bảo đảm sự an toàn cho hàng hóa lưu thông trong nước chứ không phải bây giờ mới bắt đầu ngồi bàn với nhau phải làm gì và làm thế nào!

Bên cạnh đó, cũng có ý kiến cho rằng nếu giương hàng rào kỹ thuật thì chính doanh nghiệp trong nước sẽ bị tác động đầu tiên? Lý lẽ này không ổn bởi các lý do sau:

    • Trước hết, hầu hết các thị trường nhập khẩu số lượng lớn hàng hóa của Việt Nam đều có hàng rào kỹ thuật hiệu quả, Trung Quốc cũng có hàng rào kỹ thuật. Điều này có nghĩa là nếu chúng ta giương hàng rào kỹ thuật cao tương tự các nước tiên tiến thì chỉ ảnh hưởng tối đa đến 30% năng lực sản xuất của doanh nghiệp. Trên thực tế là nhiều doanh nghiệp Việt Nam hiểu biết rất tốt về các quy định này, đặc biệt là các ngành công nghiệp có tỷ lệ xuất khẩu lớn như dệt may, da giày, thủy sản, thực phẩm…

    • Kế đến, để áp dụng hàng rào kỹ thuật Việt Nam cần đưa ra lộ trình. Dù chưa sản xuất được ô tô đạt tiêu chuẩn Euro 2 nhưng Trung Quốc vẫn đặt tiêu chuẩn cho ô tô nhập khẩu phải đạt chuẩn Euro 2 và các nhà sản xuất ô tô tại Trung Quốc cũng có lộ trình để đạt chuẩn đó. Các cơ quan quản lý nhà nước của Việt Nam chưa đưa ra được lộ trình cho các doanh nghiệp trong nước. Phải chăng, vì thế mà các doanh nghiệp trong nước cứ ung dung sản xuất theo tiêu chuẩn riêng của chính họ?

    • Chậm giương rào cản kỹ thuật là tạo thêm sự lo lắng và thậm chí làm mất niềm tin của người dân đối với hàng sản xuất trong nước.

    • Sau cùng, nếu cho rằng phải chờ doanh nghiệp trong nước có thời gian làm quen, hội nhập với quốc tế thì xem chừng đó lại là cách làm tiêu cực, vừa tạo sự ỷ lại cho doanh nghiệp trong nước vừa làm người tiêu dùng thiệt hại. Phải chăng đã đến lúc mạnh dạn loại bỏ các doanh nghiệp làm ăn lạc hậu và tiêu cực vì sự an toàn của người tiêu dùng cả nước.

Người viết xin nêu các đề nghị sau:

1. Việc xác lập các tiêu chuẩn:

Lợi thế lớn nhất của Việt Nam là các thị trường lớn đã xây dựng các bộ tiêu chuẩn riêng, Liên minh châu Âu (EU) có hệ thống tiêu chuẩn REACH, Mỹ có nhiều luật về sự an toàn của sản phẩm mà mới nhất là Đạo luật về Cải thiện An toàn sản phẩm tiêu dùng (CPSIA), nhiều nước khác như Nhật, Nga, Úc…và cả các nước ASEAN cũng bắt đầu giương ràng rào kỹ thuật để kiểm soát sản phẩm nhập khẩu.

Bên cạnh đó, chúng ta đã có Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa (2007), Luật Hóa chất (2007) và nhiều luật khác liên quan, do vậy, chắc là không cần phải mất nhiều năm mới xây dựng cho Việt Nam bộ tiêu chuẩn.

2. Về vai trò của cơ quan quản lý:

    • Nên bắt tay ngay vào việc xây dựng các quy chuẩn, cần giúp cho người dân tự bảo vệ mình khi phải đối diện với cả một rừng sản phẩm.

    • Công tác tuyên truyền là một công việc rất cấp bách, để người tiêu dùng có thể chủ động hạn chế rủi ro do sự thiếu hiểu biết.

Phát huy vai trò của các hiệp hội ngành nghề: Hiệp hội Dệt May Việt Nam sẵn sàng tham gia xây dựng một bộ tiêu chuẩn cho sản phẩm ngành dệt may. Hoặc Hiệp hội Da Giày Việt Nam đang có chương trình xây dựng Trung tâm Kiểm định sản phẩm giày dép đặt tại Hà Nội và TPHCM nhằm giúp người tiêu dùng Việt Nam chọn lựa được những sản phẩm đạt tiêu chuẩn.

Các hiệp hội khác có điều kiện tiếp cận với các tiêu chuẩn quốc tế sẽ tham gia tích cực nhằm bảo vệ người tiêu dùng trong nước và nâng cao khả năng cạnh tranh cho doanh nghiệp mình qua việc sản phẩm đạt chuẩn quốc gia và quốc tế.

___________________________________

(*) Phó chủ tịch Hiệp hội Da Giày Việt Nam 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới